Nơi đóng cửa trần gian
Dưới chân cầu vượt là một ống cống lớn bắc qua sông Sét, chảy cắt ngang đường. Sau ống cống đó là một ngã ba có con phố rẽ tay phải dẫn đến những khu nhà đang hối hả xây dựng. Đó là những khu dân cư, các công ty và kho hàng. Ít ai biết 60 năm trước đây là điểm tụ tập đông nhất những sinh linh trước giờ chết đói: trại tế bần.
Ông Đặng Văn Cự, người dân gốc ở làng Tám (Giáp Bát), nay 87 tuổi, kể lại: thời đó làng Tám là ngoại ô, thuộc tổng Thịnh Liệt, Thanh Trì. Khu bến xe, ga tàu, bệnh viện Bạch Mai bây giờ là cánh đồng mênh mông với con sông Sét chảy vắt ngang. Từ Hà Nội đi qua cống Phố Hàn (nay là cống sông Sét nằm trên đường Giải Phóng) khoảng 20m có khu gia binh rộng 25 mẫu.
Theo Báo Bình Minh ra ngày 12-4-1945, những người VN hảo tâm khi thành lập đoàn khất thực để cứu trợ đồng bào đã chọn khu gia binh làm trại tế bần. Bắt đầu từ ngày 9-4, có 2.000 người ăn xin đã được đưa xuống đó, được phát cháo và nghỉ ngơi. Sau đó, những người ốm đau, hấp hối cũng được đưa về trại bằng xe bò.
Khi người đói chưa nhiều, trại còn có ngày hai bữa phát chẩn. Nhưng chỉ sau vài tuần số người tự tìm đến đã đông hàng vạn. Lương thực dù có nhiều đến mấy cũng không đủ cho mỗi người một bát cháo/ngày.
Ông Nguyễn Văn Điền ở Giáp Bát kể: mọi ngả đường chết đói của thành phố đều dồn về đây, từng đoàn từng đoàn những hình nhân tưởng như bất tận. Họ ngồi chật kín trại, kín cổng trại, kín cả đường vào trại và vật vờ, xiêu vẹo trên cống Phố Hàn, gặp ai cũng chìa tay xin ăn. Từ đây trại Giáp Bát trở thành nơi chứa người chết đói.
Báo Tin Mới số ra ngày 29-4-1945 viết: “Tấm bảng treo trước cổng trại ghi: ngày 26-4: buổi sáng số người còn lại 3.020 - số người chết 16. Buổi chiều, số người mới vào 2.000, số người chết 18”. Ông Điền kể: đó là số người trong trại, còn những người chờ chực bên ngoài thì nhiều vô kể và họ chết bất cứ lúc nào. Ông nhớ mãi hình ảnh một cụ già tuy đã đói khổ nhiều ngày nhưng nhìn rất quắc thước, đạo mạo.
Cụ ngồi trên cống Phố Hàn giống mọi người. Nhưng điều rất đặc biệt là cụ không xin ai một câu nào. Ai cho thì nhận. Ánh mắt cụ rất buồn, long lanh chứ không vàng nhợt vô hồn. Cụ ngồi đó mấy ngày rồi không ai thấy nữa. Người trong và ngoài trại chết ngày một nhiều. Khẩu phần lương thực phân phát cho người đói thành muối bỏ biển và tạo nên những cuộc tranh giành thảm khốc. Nhưng rồi hàng vạn sinh linh ấy cũng “gặp nhau” trong những cuộc mai táng đau thương...
Những hố chôn tập thể
Suốt 60 năm sau, bà Chén (Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) vẫn sống trên mảnh đất quê nhà Tây Lương. Bao dâu bể đổi dời, tâm khảm không ngừng muốn xóa nhòa quá khứ đau thương, khiến nhiều câu chuyện, nhiều dấu tích của nạn đói đã không còn lưu giữ trong bà. Nhưng bà vẫn biết rằng dưới ba thước đất, trong lòng đất quê hương, những ánh mắt trẻ, những tiếng khóc già cùng sự quằn quại của những linh hồn đói khát vẫn còn đó.
Còn đó trong những nấm mồ chôn vùi hàng chục, hàng trăm sinh mạng không hương khói, không mộ chí, không gỗ ván - ở quê hương bà đó là gò Ông Cảm, gò Lâu nằm giữa cánh đồng thôn Hiên bát ngát cánh cò...
Bà nhớ khi người chết đói quá nhiều, trai đinh, lính tuần khuân xác người trong những manh chiếu, mảnh vó buộc túm hai đầu, quăng xuống những cái hố to như cái ao rồi lấp. Hôm nay lấp hố này, mai lại lấp hố khác. Khi không còn chiếu, còn vó, còn bao bố và không còn cả sức người thì họ lấy dây thừng, dây thép buộc vào cổ, vào tay, chân những thây người khô khẳng đó, cho trâu, bò kéo lê theo đường ruộng hoặc trên bùn ướt rồi quăng xuống hố.
Trong tài liệu của Viện Sử học, rất nhiều địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định... đã đặt tên cho những hố chôn tập thể như thế thành cồn Ma, mả Quán, mả Đói, gò Ma... Tuy nhiên nhắc đến hố chôn tập thể thì khủng khiếp nhất vẫn là ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Liên (khu tập thể Kim Liên) kể: ngày ngày sếp đội mặc quần soóc, chạy ra phố huýt một tiếng, đám đông khất thực liền chạy ùa lại. Sếp chỉ tay vào chiếc xe kéo thùng gỗ hai bánh, nói vài câu rồi chia hai người một xe kéo rong ruổi suốt từ phố Hàm Long đến chợ Mơ, rồi dọc tuyến Hàng Đẫy, Tràng Tiền... về gần cầu Giấy đi nhặt xác người.
Mới đầu người ta còn bọc chiếu, sau thì chỉ túm đầu, túm chân quẳng lên thùng xe. Trẻ con, người già, đàn bà, đàn ông, đầu, tay chân... lủng lẳng hoặc kéo lê trên đất. Ngày nào cũng vài chục xe như vậy rong ruổi. Mấy người kéo xe kể: nhiều hôm họ quăng xác chết lên xe, trong xe có tiếng thều thào… Có anh xe dừng lại bới đống xác thì không thấy ai kêu nữa. Có anh xe thì nói vọng vào: “Thôi đằng nào cũng ra nghĩa địa thì đi đi kẻo mai không ai chôn”.
Mọi chuyến xe đều đổ về hai nghĩa trang Hợp Thiện và Phúc Thiện nằm ở cánh đồng ngoại ô hai đầu nam - bắc thành phố. Nay Hợp Thiện thuộc quận Hai Bà Trưng, bám bên sông Kim Ngưu. Phúc Thiện nằm trong công viên Thủ Lệ. Tại nghĩa trang người ta đào những cái hố sâu 3-4m, dài rộng hàng chục mét, quẳng xác chết xuống đó rồi rắc vôi bột lên trên và lấp. Từ khi xuất hiện trại tế bần Giáp Bát với lượng người chết 30-50 người mỗi ngày thì cánh đồng xung quanh cũng trở thành những hố chôn người.
Ông Điền kể rằng sau nạn đói, cánh đồng Giáp Bát lúa năm ấy không trồng nhưng từ những gốc rạ vẫn trổ đòng xanh ngăn ngắt. Người ta tranh nhau đi gặt. Gặt xong cày bừa, tung lên bao nhiêu đầu lâu, chân tay. Còn ở cánh đồng thôn Hiên, những đêm đông rét buốt hoặc những buổi trăng rằm sương lạnh trước vụ mùa, bà Chén vẫn như nghe thấy ngoài gò Ông Cảm xôn xao tiếng người như họp chợ. Phiên chợ của những hồn ma đói khát...
Khi chúng ta no ấm
Bia tưởng niệm nạn nhân chết đói tại đường Kim Ngưu (Hà Nội) - Ảnh: Q.T.
Cây số 3 trên đường từ Thái Bình đi Hà Nội nay là một cụm công nghiệp, thương mại sầm uất của thành phố Thái Bình với những hàng quán ăn uống đặc sản đủ món Tây, Tàu. Nếu không được nghe những câu chuyện của 60 năm trước thì không ai nghĩ từng có hàng vạn con người đói rách quằn quại tụ tập ở đây mà hy vọng một con đường sống.
Bảo tàng tỉnh Thái Bình đang hoàn thành giai đoạn cuối những hạng mục xây dựng tân thời. Thật khang trang, quy mô và cũng khá phong phú các hiện vật trưng bày. Thế nhưng rất tiếc, về nạn đói đau thương nhất lịch sử dân tộc và lịch sử Thái Bình thì nơi này chỉ trưng bày 5-6 tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh.
Trở về Hà Nội, tìm đến nơi từng là nghĩa trang Phúc Thiện, nấm mồ tập thể chôn vùi hàng vạn con người không gỗ ván, không hương khói, mộ chí, tôi lạc vào công viên Thủ Lệ, được nhìn thấy những con người đang hạnh phúc nô cười trong tiết thanh xuân. Đi tìm nghĩa trang Hợp Thiện tôi phải mất mấy ngày dò hỏi mới đoán được khu vực cần đến.
Đó là khu tập thể Nhà máy dệt 8-3, quận Hai Bà Trưng. Nghĩa trang đã bị xóa dấu tích hoàn toàn. Những căn nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Người bán nước nói: thỉnh thoảng người ta làm đường, xây nhà cũng gặp hàng núi đầu lâu, chân tay người chất chồng trong lòng đất. Họ thắp nén hương rồi gạt xương ra và tiếp tục đào...
Theo lời chỉ dẫn của những người già, tôi tìm vào một hẻm nhỏ trên đường Kim Ngưu, rẽ vào ngách 559 với những dãy nhà cao vút nhưng chỉ chừa đủ chỗ cho một chiếc xe luồn lách. Bên phải cái ngách này là đường cụt. Nhìn thật kỹ mới thấy cổng vào rộng chừng 1,5m của khu tưởng niệm những nạn nhân 1945. Khu tưởng niệm lọt thỏm trong những bức tường nhà kiên cố.
Công trình lớn nhất ở đây là tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu cho những vong hồn xấu số. Kế bên là bức tường đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944 - 1945” và vài bệ đặt bát hương. Coi giữ nơi này là một người đàn bà luống tuổi, không ngớt mồm quảng cáo về chuyện âm hồn, linh ứng để mời khách đặt lễ...
Có lẽ công việc công phu nhất của người còn sống khi ghi lại dấu ấn này chính là những tấm ảnh của nghệ sĩ Võ An Ninh và công trình khoa học đầy đặn của giáo sư Văn Tạo và các cộng sự. Tuy vậy công trình nghiên cứu trên mới chỉ in vài trăm cuốn một lần vào năm 1995.
Nước ta nay đã là một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Xóm Trại, xã Tây Lương - nơi đã chết gần hết số dân sở tại - nay cũng đã là một làng quê giàu có, thanh bình. Bữa cơm của gia đình ông Tô Nuôi hôm nay dù đã hết dư vị ngày tết nhưng vẫn thịnh soạn, thơm ngon. Lịch sử dân tộc cũng như cuộc sống mỗi người đã sang trang mới tốt lành, sáng đẹp. Nhưng như giáo sư Văn Tạo nói: chúng ta không được quyền quên kỷ niệm đau thương và rùng rợn nhất đó của lịch sử!
Không quên được, không cách gì tan biến được nỗi đau ấy trong ký ức của người từng đói cơn đói Ất Dậu. GS Phong Lê - nguyên viện trưởng Viện Văn học, năm ấy 7 tuổi, nhưng nỗi khổ nhục của cả làng xã đã mãi mãi khắc dấu vào tâm trí ông. Ông gọi đó là “tri thức của tôi trong năm đói 1945” - một “tri thức” đau đớn, chỉ dạy con người cái cách phải ăn những gì để sống.