Nạn đói năm 1945 (Kỳ 3): Hành trình của những "hồn ma"

Lũ lượt những đoàn người như hình nhân bỏ quê hương tìm lên phố xá kiếm thứ bỏ miệng. Cuộc hành trình ấy kéo dài từ xó nhà đến Hà Nội đã biến con người thành hồn ma xác quỉ. Hoặc là gục chết bên đường hoặc ngoắc ngoải sống trong khổ nhục...
Vợ chết rồi, chồng nhìn con, chờ đến lượt mình rồi con mình ngã xuống - Ảnh: Võ An Ninh
Vợ chết rồi, chồng nhìn con, chờ đến lượt mình rồi con mình ngã xuống - Ảnh: Võ An Ninh

Đoạn trường đày ải

Nghe chúng tôi nhắc tới hình ảnh những người đói kéo nhau lên Hà Nội, bà Chén (xã Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) cố ngước đôi mắt mù lòa, lẩy bẩy đôi chân còm nhưng đã phù đỏ để đi ra ngõ. Bà nhớ từ cái ngõ này, 60 năm trước bà đã ôm con hòa cùng đoàn người lê theo sự dẫn dắt của cái đói.

Đi đâu, về đâu thì không ai biết nhưng cứ từng đoàn từng đoàn rách rưới, giơ xương, trũng mắt như quỉ đói âm thầm, dắt díu nhau đi. Họ không phân biệt được nam nữ, già trẻ. Chỉ có thể thấy những thân hình dài ngắn không đều mà đoán trẻ con hay người lớn mà thôi. Họ đi chậm. Không ồn ào, không cười nói. Thỉnh thoảng có người đổ gục xuống đường không giãy giụa. Nhiều thây người bất động, mắt mở trừng trừng không biết sống hay chết.

Tại các cổng chợ, ngã ba, đầu cầu, gốc cây họ nằm ngồi la liệt chìa tay ăn xin hay bới tìm lục lọi. Ngay đầu chợ, một người đàn bà có vẻ giàu có đi ngang qua, không hiểu bà ta kinh tởm hay ốm đau thế nào mà ôm bụng gập người nôn thốc nôn tháo. Hai ba đứa trẻ vội lao vào tranh nhau bốc bãi nôn, hối hả nhét vào mồm…

Bà Chén cũng gặp nhiều người ôm con nhỏ như mình. Những đứa trẻ còn sức thì khóc, không còn thì lả gục trên vai mẹ. Một người đàn bà xin được chút gì đó để ăn, bà ta kéo đầu con để chia cho nó. Gọi hồi lâu người mẹ ấy mới biết con mình đã chết tự khi nào. Trong góc chợ lại có một người đàn bà nhe răng, trợn mắt nằm co quắp chết bên hai đứa trẻ.

Thằng bé chắc chừng một tuổi không biết gì cứ hì hục nhay vú mẹ cho đến tận lúc tối trời. Bà Chén đi hai ngày một đêm như thế thì đến thị xã Thái Bình… Một số chết, một số ở lại, còn bà Chén và những đoàn người đói rách vô hồn đó cứ như thế tiếp tục đi lên Hà Nội…

Trong Viện Sử học VN có lưu một bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4-1945 tả về thảm cảnh của những cuộc hành trình này: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế.

Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người trong bọn đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.

Nhân tính tiêu tan... vì đói

“Ông Kawai, đảm nhiệm công việc giám sát chuyển gạo từ Nam ra Bắc qua tỉnh Nam Định, đồng thời là quản lý chung về gạo dự trữ, phân phối trong tỉnh, nói có những nơi vẫn còn gạo chất như núi trong kho quân đội. Không những thế, tại một nhà thờ Thiên chúa giáo trong tỉnh gạo đầy ắp trong kho. Ông đã thuyết phục cán bộ đại sứ quán Nhật Bản mở kho phát gạo nhưng họ không nghe…”.

(Trích:Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng tacủa Minami Yoshizawa - Nhật Bản)

Lục tìm trong tâm khảm sâu thẳm, đau đớn nhưng chắc hẳn còn sáng rõ của mình, bà Chén nói: “Ánh mắt người đói lúc đó không có màu, không có thần. Nhiều lúc họ xử với nhau như thú đói, không nhân tính...”. Bà Chén lúc ấy bế một đứa con nhỏ trên tay. Dành dụm suốt từ đầu vụ đói, bà còn được mấy hào trong túi để dành cho chuyến đi này.

Chợ Bo (thị xã Thái Bình) lúc đó là một bãi đất được căng lên những mảnh nilông, đay hay lá khô trên những chiếc cọc tre xiêu vẹo. Cả một biển người nằm ngồi lê la bới rác, xin ăn chập chờn như những bóng ma. Vài người ngồi xổm ánh mắt láo liên đầy cảnh giác bên những cái thúng úp mẹt và thường là có thêm một, hai người đàn ông to khỏe dựng đòn gánh đứng bên.

Đó là những người bán hàng. Khoai, ngô, hay bánh cám, bánh đúc… trộn đầy trấu hoặc mùn cưa… Ai mua hàng phải chìa tiền. Đứng tới nửa ngày bà Chén mới cảm thấy có thể an toàn để lại gần người bán bánh hỏi mua. Thế nhưng đang định xé bánh cho con thì cả đám người đang nằm như thây ma vùng dậy vồ lấy mẹ con bà, tranh nhau chiếc bánh.

Những ngày sau, trên dặm hành trình địa ngục ấy, tất cả số tiền bà có đủ để mua ba chiếc bánh thì bà đều bị cướp hết. Cuối cùng bà cũng chỉ còn cách chờ nhặt rác rưởi, cọng rau, xin ăn và tham gia cướp của kẻ khác như họ đã cướp của bà để ăn. Bà không nhớ mình đi mấy ngày, mấy tuần hay mấy tháng thì tới Hà Nội.

Con trai bà Chén năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Anh nói: “Những câu chuyện cướp bóc, thú tính trong nạn đói, 60 năm qua mẹ tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Chỉ có một lần bà kể cho tôi nghe một câu chuyện kinh hoàng: khi bế con đi Hà Nội, qua sông Long Hầu bà thấy có hai bố con nhà nọ đói lả, phù thũng, chắc là sắp đến lúc chết. Người con chừng 7-10 tuổi.

Không hiểu lúc ấy họ kiếm được thứ gì, chắc là có thể ăn được nên hai người tranh nhau rất dữ. Đứa con co cả người nắm chặt tay bố. Hồi lâu đẩy con ra không được, người cha liền co chân đạp con xuống cầu. Đứa trẻ cố níu lấy thành cầu, hai mắt không rời miếng ăn trên tay bố. Người cha lúc ấy kiên quyết hơn và ông ta đã đạp được đứa con rơi xuống nước rồi ngấu nghiến nhét thứ đó vào mồm...”.

Theo điều tra của Viện Sử học tại xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa: ông Viên Đình Hữu đói quá quẳng con trai 4 tuổi xuống sông Đơ. Ông Hoàng Bảo ở xóm Cháy (Đông Hưng, Thái Bình) thấy bố của ông Bắc (cùng xóm) thổi nồi cơm. Ông Bắc bóp cổ bố đến chết để ăn một mình...

Suốt chặng đường khổ ải từ quê nhà lên Hà Nội, bà Chén còn gặp rất nhiều cảnh mẹ bỏ rơi con, chồng chạy trốn vợ, rồi cướp bóc, giết chóc lẫn nhau vì miếng ăn một cách đau thương và rùng rợn như vậy. Nhưng Hà Nội lúc này cũng là địa ngục...

Hà Nội - điểm hẹn sinh tồn

Ông Nguyễn Ngọc Liên, 82 tuổi, hiện trú tại phòng 105, nhà C6, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội kể: “Ngày đó nhà tôi ở 233 phố Huế. Bắt đầu từ mùa đông năm 1944, tôi đã thấy những đoàn hình nhân vô cùng thảm hại ùn ùn dắt nhau qua các phố.

Áo quần họ là miếng giẻ buộc túm dính vào những bộ xương lắc lư. Những cái đầu trơ sọ, đính hai con mắt vàng trũng thất thần. Ban đầu người hàng phố cho họ ăn những thứ có thể, nhưng càng ngày họ đến càng đông, hết lớp này đến lớp khác. Họ nằm, bò, lê và chết gục khắp đường, ngõ, vỉa hè...

Ai còn sống thì cứ lang thang xin ăn, không ít trường hợp cướp giật, móc mồm người khác giành ăn. Của bố thí không thể đủ cho đoàn người đói khát. Họ chết ngày một nhiều. Một buổi sáng tôi vừa mở cửa thì hai xác chết lạnh cứng đổ ập vào tôi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được cảm giác hãi hùng và xót thương lúc đó”.

Ông Đặng Văn Cự - 87 tuổi, hiện ở phường Giáp Bát, Hai Bà Trưng (Hà Nội) - nói: “Ban đầu cũng chia sẻ với bà con nhưng chúng tôi cũng đói, lương thực cạn kiệt và trước cảnh tàn ác của Pháp - Nhật thì cũng không dám chắc mai này mình có thoát cảnh ma đói hay không.

Trong thành phố, nhiều thanh niên, nhà hảo tâm thành lập đoàn khất thực có trung tâm ở phố Hàng Da, quyên góp cơm cháo chia cho bà con. Nhưng vì số lượng quá lớn, tổ chức chỉ là tình cảm của một số người có điều kiện nên đoàn khất thực tồn tại không được bao lâu.

Chúng tôi cũng bị cướp giật bánh trái, ngô khoai, nhưng không ai nỡ đánh đập người đói mà chỉ tránh né. Người làng tôi bán bánh thì làm bằng đất bày ở quầy, mẹt, thúng. Ai mua thì mới đến chỗ khác lấy bánh thật ra. Ai cướp thì chỉ cướp được bánh đất mà thôi”.

Cảnh người đói sinh trộm cướp và bị giết chóc thì nhiều lắm. Ông Liên nhớ: một buổi chiều trên đường Trần Quang Khải bây giờ. Một đoàn bốn chiếc xe bò chở những bì lúa chất cao 3-4m. Mỗi xe có một người kéo và bốn người đẩy. Phía trước và sau có 9-10 tên lính Nhật súng gươm tuốt trần áp tải.

Một người trong đám phu xe, bí mật dùng một chiếc dùi thép chừng 20 phân đâm một lỗ nhỏ vào bao lúa và gí một chiếc túi vải con vào hứng dòng lúa chảy. Tên lính Nhật phát hiện. Không nói gì, hắn dùng mũi kiếm đâm xuyên lưng người móc gạo. Nạn nhân rú lên một tiếng rồi đổ gục xuống đường, lênh láng máu. Đoàn xe vẫn tiếp tục đi...

Những dòng người khất thực đã kéo nhau đi trong đói lả vật vờ... Rồi họ cũng tìm đến điểm cuối cùng của cuộc hành trình - nơi chấm dứt mọi nỗi dày vò đau đớn của một kiếp người. Của triệu kiếp người...

Theo: Tuổi Trẻ