Nam sinh 17 tuổi bị viêm não Nhật Bản, phải sống đời thực vật dù được điều trị tích cực

Một nam sinh 17 tuổi ở Hà Nội bị viêm não Nhật Bản với tổn thương sâu trong mô não, dù được điều trị tích cực hơn một tháng, vẫn rơi vào tình trạng sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình.

Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một ca viêm não Nhật Bản đặc biệt nghiêm trọng. Bệnh nhân là nam sinh N.H.L, 17 tuổi, vốn khỏe mạnh, bỗng dưng sốt cao liên tục 39–40°C, đau đầu, lơ mơ, giảm ý thức và suy hô hấp tiến triển.

Trước đó, em đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế suốt hơn 30 ngày nhưng không cải thiện. Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ viêm não do virus hoặc tự miễn nhưng không xác định được nguyên nhân cụ thể.

Khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kết quả chẩn đoán hình ảnh cùng xét nghiệm huyết thanh cho thấy bệnh nhân dương tính với viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, tổn thương tại đồi thị hai bên – một đặc điểm điển hình – đã giúp các bác sĩ khẳng định căn nguyên bệnh.

Trao đổi với VietTimes sáng nay, 23/7, ThS.BS Hà Việt Huy (Bệnhviện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ: Việc chẩn đoán viêm não Nhật Bản không hề dễ, nhất là khi làm xét nghiệm trễ. Càng chậm, khả năng cho kết quả chính xác càng thấp.

Hiện bệnh nhân đã được cai máy thở nhưng ý thức không phục hồi, không thể ăn uống hay cử động, toàn bộ sinh hoạt phải phụ thuộc vào người thân.

Viêm não Nhật Bản do virus JEV gây ra, là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm nhất ở khu vực châu Á. Không giống viêm màng não chỉ ảnh hưởng lớp bao quanh não, JEV tấn công trực tiếp vào mô não, khiến di chứng thần kinh thường nặng nề, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tỷ lệ tử vong lên tới 30%, và khoảng 50% người sống sót sẽ mang di chứng vĩnh viễn như liệt, rối loạn ngôn ngữ hoặc sống thực vật.

Bệnh thường bùng phát vào mùa hè, trùng thời điểm muỗi truyền bệnh hoạt động mạnh – nhất là sau mùa vải, khi chim di cư mang virus làm tăng mật độ virus trong tự nhiên.

Các động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Vì vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.

BS Huy nhấn mạnh: “Không nên chờ đến khi có triệu chứng mới điều trị. Khi bệnh đã khởi phát, khả năng tử vong hoặc để lại di chứng nặng là rất cao. Trẻ em sống tại miền Bắc cần được tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch.”

Hiện vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng ngừa hiệu quả duy nhất. Trẻ cần tiêm đủ 3 mũi cơ bản trước 5 tuổi, và tiêm nhắc lại mỗi 3–4 năm cho đến 15 tuổi.

Viêm não Nhật Bản không chỉ là bệnh của trẻ nhỏ. Người trưởng thành cũng đang nằm trong nhóm nguy cơ cao, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mật độ muỗi cao như hiện nay.