|
Hình ảnh mô phỏng hệ thống DSFT đang khai hỏa với tốc độ cao. Ảnh: Quân đội Mỹ. |
Trung tâm của chương trình DSFT (Direct Support Fires Technology – Công nghệ Hỏa lực Yểm trợ Trực tiếp) là một hệ thống giàn phóng gồm 30 quả đạn phản lực, được thiết kế tương thích với các bệ phóng hiện có của Lục quân Mỹ.
Trong khi phần lớn sự chú ý của Lục quân Mỹ vẫn tập trung vào khả năng tấn công chính xác tầm xa, thì song song đó, một nỗ lực đang được triển khai nhằm hồi sinh và tái định hình sức mạnh hỏa lực tập trung ở tầm ngắn đến trung bình.
Chương trình DSFT do Trung tâm Hàng không và Tên lửa thuộc Bộ Tư lệnh Phát triển Năng lực Tác chiến (DEVCOM AvMC) của Lục quân Mỹ dẫn đầu, tập trung vào việc tạo ra các loạt pháo phản lực áp đảo từ các nền tảng phóng hiện tại, chấp nhận đánh đổi tầm bắn để tăng khối lượng và tốc độ khai hỏa.
Hệ thống giàn phóng 30 đạn phản lực
Khác với tên lửa chính xác tầm xa (PrSM) hay hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS vốn chỉ mang 1–2 quả đạn với khả năng tấn công tầm sâu, DSFT ưu tiên khả năng bắn áp đảo thay vì khoảng cách.
Khái niệm mới này cho phép các đơn vị khai hỏa 1–2 quả đạn mỗi giây, hoặc toàn bộ 30 quả chỉ trong 15 giây, dồn sức mạnh hỏa lực vào một khu vực mục tiêu trong thời gian cực ngắn.
“Thực tế trên chiến trường là nhiều đơn vị không sử dụng hết tầm bắn tối đa của đạn”, Hunter Blackwell, phụ trách năng lực Hỏa lực tại DEVCOM cho biết. “Thay vào đó, họ yêu cầu có thêm đạn, khai hỏa nhanh hơn, ở khoảng cách ngắn hơn. DSFT giải quyết trực tiếp yêu cầu đó – không thay thế PrSM hay ATACMS – mà là lấp đầy khoảng trống giữa tấn công tầm sâu và chế áp diện rộng nhanh chóng”.
Khái niệm này tái hiện nguyên lý "hỏa lực tập trung" dưới hình thức hiện đại. Với cụm đạn có sức chứa lớn, gắn trên bệ phóng sẵn có, chỉ huy có thể tạo ra một cơn mưa đạn lên một vị trí – nhằm tiêu diệt, áp chế hoặc ngăn chặn tiếp cận khu vực.
Cách tiếp cận này cho phép hợp nhất nhanh các hiệu ứng chiến đấu theo thời gian và không gian – yếu tố then chốt trong các trận đánh tốc độ cao hoặc khi đối phó với các mối đe dọa phân tán.
Giàn phóng với khả năng thay đổi loại đạn
Tuy nhiên, DSFT không chỉ dừng lại ở tác động sát thương. Theo ông Blackwell, hệ thống còn được thiết kế với khả năng linh hoạt về loại đầu đạn.
“Loại đạn này không chỉ nhắm đến tiêu diệt”, ông nói. “Nó còn có thể mang theo các tác dụng phi sát thương như khói, tạo màn che, chiếu sáng – những năng lực mà pháo phản lực truyền thống hiếm khi có. Điều này mở rộng tính ứng dụng và tăng cường hợp tác liên quân”.
Chương trình đã tiến triển với tốc độ ấn tượng – từ ý tưởng đến thử nghiệm bắn thật chỉ trong 9 tháng, tại sự kiện Project Convergence Capstone 25. Nhiều quả đạn đã được khai hỏa trong các buổi bắn thật, xác thực khái niệm giàn đạn và cơ chế phóng.
Tốc độ phát triển phản ánh mô hình hợp tác mới mà DEVCOM đang áp dụng với các doanh nghiệp và giới học thuật.
“Chúng tôi đang xây dựng DSFT theo hướng nhanh, mô-đun hóa và tiết kiệm chi phí”, ông Blackwell nói. “Điều đó đồng nghĩa hợp tác với nhiều đối tác công nghiệp suốt vòng đời dự án. Nhiều bên tham gia nghĩa là nhiều đổi mới hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn”.
Mục tiêu dài hạn là tạo ra một kiến trúc pháo phản lực linh hoạt, giá cả phải chăng, có thể thích ứng với các nhiệm vụ chiến đấu thay đổi mà vẫn đảm bảo khả năng hậu cần cho các chiến dịch quy mô lớn.
DSFT là biểu tượng của xu hướng hiện đại hóa mới trong Lục quân Mỹ, trong đó chuyển từ các hệ thống "tối tân đắt đỏ" sang những giải pháp hỏa lực có thể nhân rộng, dễ triển khai và dễ điều chỉnh.
DEVCOM AvMC – đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh Tương lai của Lục quân Mỹ – vẫn là trung tâm của chuyển đổi này, với sứ mệnh cung cấp các giải pháp nghiên cứu và kỹ thuật tích hợp trên toàn phổ tác chiến, từ vũ khí không người lái, siêu thanh, cho đến pháo phản lực tái định hình tốc độ của chiến trường thế kỷ 21.