Mỹ “ngán sợ” trước sức mạnh hải quân Nga

Trong một báo cáo mới, cơ quan tình báo Hải quân Mỹ đã đặc biệt lưu ý rằng, sự phát triển của hải quân Nga đang trở thành mối thách thức nghiêm trọng, theo các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin.
Hải quân Nga đang khôi phục lại sức mạnh
Hải quân Nga đang khôi phục lại sức mạnh

"Nga đã bắt đầu và trong thập kỷ tới sẽ tiếp tục thực hiện những bước hành động nghiêm túc để mở rộng tiềm năng Hải quân", theo RIA Novosti dẫn lại thông tin.

Theo người viết, "những chương trình xây dựng trước đây bị đình chỉ hiện đang tiến tới sự hoàn thành, còn các dự án mới bắt đầu hứa hẹn trang bị các tàu ngầm và tàu nổi thế kỷ XXI cho hạm đội".

Bản báo cáo, dài 68 trang cùng đồ họa chi tiết, được công bố vào giữa tháng 12.2015. Tác giả bản báo cáo là ông George Fedoroff, một chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về Nga thuộc Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, nghiên cứu và soạn thảo.

"Hải quân Nga: Một bước chuyển mình lịch sử" là báo cáo được công bố lần đầu tiên kể từ khi Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ công bố bản báo cáo thường niên Understanding Soviet Naval Developments (tạm dịch: Tìm hiểu sự phát triển hải quân Xô Viết) ấn bản thứ 7 và cũng là ấn bản cuối cùng vào năm 1991.

Vào năm 1991, Liên Xô tan rã kéo theo sự đi xuống của hải quân với hàng trăm tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu bị gỉ sét tại những căn cứ quân sự đổ nát.

Mỹ “ngán sợ” trước sức mạnh hải quân Nga ảnh 1

Trang bìa báo cáo The Russian Navy: A Historic Transition (tạm dịch Hải quân Nga: Một bước chuyển mình lịch sử) của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ công bố ngày 18.12.2015 - Ảnh: Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ

Nhưng dưới thời Tổng thống Putin, Nga bắt đầu tái xây dựng lực lượng hải quân. Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, Hải quân Nga trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ.

Phân tích các số liệu về tàu chiến, tàu ngầm, máy bay quân sự của Nga, ông Fedoroff nhận định lực lượng Hải quân Nga hồi sinh và đang trỗi dậy.

“Kể từ năm 2000, trật tự chính quyền và nền kinh tế Nga đã ổn định, Moscow nỗ lực tái sinh quân đội Nga, trong đó có hải quân. Những dự án từng bị hoãn đã hoàn thành, tiếp nối những dự án mới nhằm tạo nền tảng vững chắc cho lực lượng tàu ngầm và tàu nổi của hải quân Nga trong thế kỷ 21”, ông Fedoroff viết trong báo cáo.

Vào đầu thập niên 2000, chỉ vài tàu chiến Nga có thể hoạt động và tham chiến, nhưng đến nay Hải quân Nga sở hữu 186 tàu ngầm và tàu nổi sẵn sàng tác chiến ở vùng biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cùng các vùng Biển Đen, Baltic, Caspi, Địa Trung Hải và cả Bắc Cực, theo ông Fedoroff.

Hải quân Nga hiện đứng hàng thứ 3 thế giới. Mỹ đứng hàng thứ 1 với trên 280 tàu chiến hiện đại và trên 100 tàu hậu cần; Trung Quốc xếp thứ 2, theo The Daily Beast.

Trong một số lĩnh vực then chốt, Hải quân Nga gần đây đã bắt kịp Hải quân Mỹ. Chẳng hạn vào tháng 10.2015, tàu chiến Nga trên biển Caspi phóng các tên lửa hành trình Kalibr bắn trúng các mục tiêu IS ở Syria cách xa 1.500 km. Vào tháng 12.2015, tàu ngầm Kilo của Nga từ Đại Trung Hải cũng đã phóng tên lửa Kalibr bắn trúng các mục tiêu IS trong đất liền ở Syria.

Trước hai đợt phóng tên lửa hành trình này của Nga, chỉ duy nhất Mỹ có năng lực thực hiện những đợt tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa phóng từ tàu nổi hoặc tàu ngầm nhắm vào những mục tiêu trên đất liền.

Mỹ “ngán sợ” trước sức mạnh hải quân Nga ảnh 2

Tàu tên lửa cỡ nhỏ của Hải quân Nga từ biển Capsi phóng tên lửa hành trình Kalibr nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria hồi tháng 10.2015 - Ảnh: Reuters

Ông Fedoroff mô tả chi tiết hai đợt phóng tên lửa hành trình ấn tượng của Nga, nhiều lần đề cập đến tên lửa Kalibr trong báo cáo. “Hải quân Nga giờ đây có thể phát hiện, đe dọa hoặc tiêu diệt các mục tiêu từ xa”, theo ông Fedoroff.

Điều đáng ngạc nhiên là trong báo cáo Tìm hiểu sự phát triển hải quân Xô Viết ấn bản cuối cùng năm 1991 từng đưa ra cảnh báo về một thứ vũ khí “thông minh” mới của Nga với mô tả tựa như loại tên lửa Kalibr, ông Eric Wertheim, một chuyên gia hải quân độc lập Mỹ - tác giả quyển sách “Combat Fleets of the World” (tạm dịch Các hạm đội chiến đấu trên thế giới) nhận định.

“Thời gian giống như dừng lại trong vòng hơn 20 năm giữa hai bản báo cáo, và bây giờ Hải quân và quân đội Nga bừng tỉnh sau một giấc ngủ”, ông Wertheim nhận xét.

Trước đó, báo Anh Financial Times cho biết, Mỹ đang cân nhắc khả năng gia tăng sự hiện diện hải quân ở châu Âu trong bối cảnh Hải quân Nga gia tăng những hoạt động của tàu chiến và tàu ngầm ở vùng Biển Đen, Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.

Tờ Financial Times viết như vậy dựa theo lời tuyên bố của Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson. "Hải quân Nga có những hành động tích cực nhất trong khoảng 20 năm qua", vị đô đốc nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tờ báo nhận định rằng, Hải quân Nga đang gia tăng hoạt động ở Thái Bình Dương và ở khu vực bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ. Mới đây, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov đã tuyên bố rằng, số lần tuần tra của tàu ngầm Nga tăng 50% so với năm 2013.

Bình luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Syria và việc Mỹ điều tàu khu trục tới vùng Biển Đông gần các đảo tranh chấp với Trung Quốc,  Đô đốc Richardson nhấn mạnh rằng, các nước phải tuân thủ các quy tắc hàng hải của hải quân để đảm bảo rằng, hành động của họ không đe dọa thương mại thế giới. Như được biết, 20% thương mại toàn cầu đi qua Địa Trung Hải, và vùng Biển Đông là một trong những tuyến thương mại chính.

Theo quan điểm của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phát triển lực lượng Hải quân để cho thấy rằng Nga là một "cầu thủ lớn" trên vũ đài quốc tế. Đô đốc Richardson thừa nhận rằng, trong quá trình chiến dịch quân sự tại Syria, Moscow đã cho thấy rõ chất lượng cao và sức mạnh đáng kể của lực lượng hải quân Nga.

Theo Sputnik/Dailybeast