Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 15/1, vào ngày 14/1 theo giờ Mỹ trang web chính thức của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa tin Trần Cương (Gang Chen), một Viện sĩ của Viện Công trình Hoa Kỳ và là Giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã bị khởi tố và bắt giữ vì không khai báo việc ông từng làm việc và được nhận giải thưởng ở Trung Quốc cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ biết.
Sau khi Trần Cương bị bắt, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông ta ở Cambridge và văn phòng của Viện Công nghệ Massachusetts. Trần Cương hiện là giáo sư và nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, đồng thời là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Vi mô/Nano mang tên Paparado tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Công tố viên nói rằng Trần Cương đã tham gia vào nhiều nỗ lực khác nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghệ và khoa học của Trung Quốc, bao gồm cả việc làm "chuyên gia ở nước ngoài" cho chính phủ Trung Quốc theo yêu cầu của Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York.
Hồ sơ của Trần Cương tại Viện MIT (Ảnh: Dwnews). |
Công tố viên chỉ ra rằng Trần Cương đã nhận tiền từ nhiều thực thể Trung Quốc và hỗ trợ xem xét, đánh giá các đơn xin tài trợ từ Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NNSFC). Hoạt động của NNSFC tương tự như hoạt động của các cơ quan tài trợ của Hoa Kỳ.
Theo Sina, tài liệu cáo buộc, Trần Cương là người Mỹ gốc Hoa đã tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung). Kể từ năm 2013, nghiên cứu của ông tại MIT đã nhận được hơn 19 triệu USD tài trợ từ các cơ quan liên bang Hoa Kỳ.
Các tài liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng cho thấy kể từ năm 2012, Trần Cương đã đảm nhiệm một số chức vụ tại Trung Quốc với mục đích cung cấp lời khuyên và chuyên môn để thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Ông bị cáo buộc từ 2013 đã nhận được khoảng 29 triệu USD tài trợ từ nước ngoài, trong đó có 19 triệu USD từ Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, công tố viên nói rằng khi Trần Cương nộp đơn xin tài trợ từ Bộ Năng lượng Mỹ, ông ta chưa bao giờ tiết lộ rằng mình làm việc cho Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc hoặc các cơ quan chi nhánh khác của Trung Quốc.
Tài liệu cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Trần Cương (Ảnh: Sina). |
Với cáo buộc khai báo gian dối, Trần Cương có thể bị phạt mức án tối đa là 5 năm tù giam, 3 năm giám sát sau khi được phóng thích và nộp phạt 250.000 USD. Với cáo buộc không báo cáo nhận tiền tài trợ nước ngoài cũng có thể bị phạt mức án tương tự.
Theo Hãng thông tấn Đài Loan CNA, vụ án này là vụ mới nhất Bộ Tư pháp Mỹ xóa bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường đại học. Ông Joseph Bonavolonta thuộc văn phòng FBI tại Boston nói rằng gần một nửa trong số 5.000 cuộc điều tra phản gián do FBI tiến hành có liên quan đến Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, do quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng, Hoa Kỳ liên tục tăng cường kiểm tra giám sát các nhà khoa học Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 12/6/2020, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã ban hành một tài liệu về "Kết quả trộm cắp tài sản trí tuệ của nước ngoài."
Tài liệu cho thấy NIH và FBI kể từ năm 2018 đã cùng nhau khởi động một cuộc điều tra về mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh với Trung Quốc. 399 người trong số đó bị đưa vào danh sách tình nghi, 251 người được xác định là có vấn đề, 72 người đã bị điều tra và đối mặt với khả năng bị sa thải, trục xuất hoặc cấm tài trợ nghiên cứu suốt đời.
Trước hành động của phía Mỹ, Trung Quốc đã đáp lại cho rằng hợp tác quốc tế là yêu cầu tất yếu để phát triển công nghệ, và giao lưu nhân văn là xu thế không thể ngăn cản của thời đại. Giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Mỹ là phù hợp lợi ích cơ bản của hai nước. Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ dừng các biện pháp hạn chế và đàn áp liên quan.
Nhà khoa học NASA Meyya Meyyappan thừa nhận đã che giấu việc làm việc cho “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc (Ảnh: Dongfang). |
Vào ngày 15/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi được hỏi về việc Giáo sư Trần Cương (Gang Chen) bị FBI bắt giam đã trả lời ông không hiểu tình hình liên quan và nhắc lại, chính phủ Trung Quốc luôn chủ trương việc trao đổi và hợp tác các nhân tài có liên quan giữa hai bên phải dựa trên việc tuân thủ luật pháp, đề cao tính liêm chính trong khoa học và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Không có sự khác biệt cơ bản trong các biện pháp chính sách liên quan và các thông lệ phổ biến ở các quốc gia khác nhau. "Khi xử lý các vụ việc liên quan, một số cơ quan của Mỹ nên làm việc một cách chuyên nghiệp và công bằng, ngừng thao túng chính trị và ngừng nói xấu chương trình thu hút nhân tài liên quan của Trung Quốc; đồng thời ngừng can thiệp và phá hoại việc trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và nhân văn".
Trong một diễn biến khác có liên quan, theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 14/1, một nhà khoa học cấp cao của NASA đã bị cáo buộc che giấu việc tham gia chương trình thu hút nhân tài nhằm tuyển dụng các tài năng khoa học “Kế hoạch ngàn người” của chính phủ Trung Quốc và nói dối các nhà điều tra. Ông này bị buộc tội khai báo gian dối. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ngày 13/1 thông báo rằng nhà khoa học này đã nhận tội. Nếu tòa chấp nhận cáo buộc của bên công tố, ông sẽ phải đối mặt với án tù 6 tháng.
Công tố viên chỉ ra rằng Meyya Meyyappan, 66 tuổi sống ở Pacifica, California, một nhà khoa học chính về công nghệ thăm dò tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, đã thừa nhận trước Tòa án Liên bang ở Manhattan, New York rằng trước đó ông đã che giấu việc tham gia “Kế hoạch ngàn người” của chính phủ Trung Quốc và giữ chức giáo sư tại các trường đại học ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, ông đã che giấu thông tin liên quan với NASA và Cục quản lý đạo đức (OGE) của Hoa Kỳ, đồng thời nói với các nhà điều tra vào ngày 27/10/2020 rằng ông không phải là thành viên của “Kế hoạch ngàn người” và không làm giáo sư ở Trung Quốc.
Meyya Meyyappan hôm thứ Tư 13/1 thừa nhận đã khai man với các nhà điều tra và dự kiến sẽ bị kết án vào ngày 16/6 năm nay; NASA vẫn chưa phản hồi về vụ việc. Ông Meyyappan gia nhập NASA vào năm 1996 và từ năm 2006 là nhà khoa học hàng đầu về công nghệ thăm dò tại Trung tâm Nghiên cứu Ames ở Thung lũng Silicon, California.
Charles Lieber, cựu Chủ nhiệm Khoa Hóa học của Đại học Harvard bị cáo buộc nói dối về việc có tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Charles Lieber, cựu Chủ nhiệm Khoa Hóa học của Đại học Harvard bị cáo buộc nói dối về việc có tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc (Ảnh Reuters). |
Kể từ năm 2018, chính phủ Hoa Kỳ đã coi “Kế hoạch ngàn người” là một mối đe dọa an ninh quốc gia và nhiều học giả đã bị buộc tội vì nó. Trong những năm gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cố gắng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với giới học thuật Hoa Kỳ bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều học giả đã bị buộc tội gián điệp hoặc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ một năm trước, Charles Lieber, cựu Chủ nhiệm Khoa Hóa học của Đại học Harvard và là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nano, đã bị cáo buộc nói dối về việc có tham gia “Kế hoạch ngàn người” và có chấp nhận tài trợ nghiên cứu khoa học từ Trung Quốc. Lieber sau đó được tại ngoại nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận tội.
Vào cuối năm 2020, công tố viên Hoa Kỳ cũng đã đạt được thỏa thuận nhận tội với một giáo sư Trung Quốc khác làm việc tại Đại học Ohio. Vị giáo sư này thừa nhận đã khai man trong đơn xin tài trợ của mình cho Viện Y tế Quốc gia, che giấu mối quan hệ của mình với một trường đại học Trung Quốc. Phía công tố trước đó tuyên bố rằng giáo sư có liên quan đến “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc.
Một báo cáo do Thượng viện Hoa Kỳ công bố vào năm 2019 cho biết kể từ năm 2008, Trung Quốc đã tài trợ một cách có hệ thống cho các dự án ăn cắp kết quả nghiên cứu khoa học của Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là “Kế hoạch ngàn người”. Báo cáo cũng cho rằng các nhà chức trách Hoa Kỳ đã chậm trễ mất 10 năm và không đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với “Kế hoạch ngàn người” cho đến năm 2018.