Mỹ - Hàn giăng xong "tường thành" THAAD, Trung Quốc lực bất tòng tâm

VietTimes -- Được "trợ giúp" từ việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và hạt nhân, Hàn - Mỹ không còn lý do gì để trì hoãn hoàn thành triển khai THAAD. Trung Quốc lo ngại thiệt hại lợi ích an ninh chiến lược, Nga sẽ hỗ trợ.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon. Ảnh: The Financial Express.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon. Ảnh: The Financial Express.

Triển khai THAAD chính thức hoàn thành

Theo báo chí Trung Quốc ngày 7/9, 4 xe phóng và các vật tư còn lại của hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) đã được đưa đến sân golf Seongju, theo đó, việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc đã chính thức hoàn thành.

Hệ thống THAAD triển khai ở Hàn Quốc có 6 xe phóng và một hệ thống radar. Khu vực triển khai cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 135 dặm Anh (khoảng 220 km) về phía đông nam.

Mỹ và Hàn Quốc khẳng định triển khai THAAD là để đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, phóng tên lửa qua bầu trời Nhật Bản và thử hạt nhân gần đây đã thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai này.

Ngày 6/9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết việc triển khai 4 xe phóng còn lại của THAAD nhằm ứng phó với “mối đe dọa hạt nhân và tên lửa không ngừng tăng lên của Triều Tiên”.

Sáng ngày 7/9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp tục cho biết cùng ngày đã hoàn thành triển khai “lâm thời” hệ thống THAAD, việc này sẽ bảo vệ an toàn tính mạng của người dân Hàn Quốc tránh bị đe dọa bởi tên lửa đạn đạo và lực lượng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho biết việc triển khai 4 xe phóng còn lại của THAAD là sự lựa chọn không thể tránh khỏi để bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân Hàn Quốc.

Ông Lee Nak-yon cho hay Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập tức thúc đẩy các biện pháp triển khai THAAD tiếp theo, một mặt tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, ngăn chặn đợt “khiêu khích” mới của Triều Tiên, mặt khác sẽ nâng cao sức mạnh phòng vệ tự thân, nỗ lực bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân.

Ngày 7/9/2017, hệ thống THAAD đã chính thức hoàn thành triển khai ở Hàn Quốc. Ảnh: Báo Giải phóng quân, Trung Quốc.
Ngày 7/9/2017, hệ thống THAAD đã chính thức hoàn thành triển khai ở Hàn Quốc. Ảnh: Báo Giải phóng quân, Trung Quốc.

Ông Lee Nak-yon còn yêu cầu người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Bộ Hành chính công và an ninh, Bộ Môi trường Hàn Quốc tổ chức họp báo chung để giới thiệu cụ thể cho người dân về quá trình triển khai THAAD và các biện pháp tiếp theo, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao giới thiệu cho các nước xung quanh về tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên và tính cần thiết triển khai THAAD của Hàn Quốc.

Trước đó, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tạm thời dừng triển khai THAAD để làm một số “thủ tục” như nghiên cứu ảnh hưởng của việc triển khai này đối với môi trường.

Tuy nhiên, sau 2 lần Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, ông Moon Jae-in đã hạ lệnh cho chính phủ hợp tác với Mỹ triển khai các xe phóng còn lại của THAAD. Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 đã làm cho Hàn Quốc không còn lý do gì để chần chừ việc triển khai này nữa. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ đã thúc ép Hàn Quốc bằng những phát biểu cho rằng Hàn Quốc quá “mềm yếu”.

Thời gian tới, có nguồn tin cho biết, quân đội Mỹ sẽ trước tiên khởi động việc cung ứng điện cho hoạt động của 6 xe phóng, radar điều khiển hỏa lực, trạm chỉ huy tác chiến của THAAD, nhanh chóng đưa hệ thống này vào sử dụng.

Trung Quốc lo lắng, được Nga phối hợp

Mặc dù Mỹ và Hàn Quốc nói triển khai THAAD là để đối phó Triều Tiên, nhưng khả năng dò tìm của radar thuộc hệ thống này đã khiến cho Trung Quốc hết sức lo ngại.

Được biết, radar của hệ thống THAAD có khoảng cách dò tìm từ 1.200 - 2.700 km, có thể tiến hành theo dõi các hoạt động quân sự như huấn luyện, diễn tập, thậm chí các hoạt động nghiên cứu phát triển, thử nghiệm máy bay chiến đấu, tên lửa trên phạm vi rộng lớn ở lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời cung cấp những số liệu này cho Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: news.china.com.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: news.china.com.

Chính vì nỗi lo này, Trung Quốc luôn phản đối Mỹ - Hàn triển khai THAAD, thậm chí có nhiều hành động được cho là “trừng phạt” Hàn Quốc cho dù Trung Quốc không thừa nhận chính thức mà cho đó là những hành động “dân sự”.

Ngày 6/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lên tiếng cho biết đã tiến hành giao thiệp nghiêm túc với phía Hàn Quốc, tiếp tục hối thúc Mỹ - Hàn “coi trọng lợi ích và mối quan tâm an ninh của các nước trong khu vực như Trung Quốc, lập tức chấm dứt tiến trình triển khai, rút các thiết bị có liên quan”.

Trung Quốc cho rằng triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc “không những không thể giải quyết được mối quan tâm an ninh của các nước liên quan, sẽ chỉ phá hoại nghiêm trọng cân bằng chiến lược khu vực, gây thiệt hại cho lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc, đồng thời làm trầm trọng thêm căng thẳng và đối lập ở bán đảo Triều Tiên, làm cho vấn đề bán đảo trở nên phức tạp hơn.

Tuy nhiên, yêu cầu này của Bắc Kinh đã không còn tác dụng nữa. Theo đánh giá của tờ Đa Chiều ngày 7/9, việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc cuối cùng đã hoàn thành cho thấy cách thức “đấu tranh ngoại giao” của Trung Quốc chưa ổn, còn chưa quyết đoán và rơi vào bị động.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng sở dĩ Hàn Quốc quyết định hoàn thành triển khai THAAD là do Mỹ vội vã thúc đẩy, hơn nữa lại có Triều Tiên tiếp tục “tiếp sức” bằng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Điều này chẳng khác nào Triều Tiên “phối hợp chiến lược hoàn hảo” với Mỹ.

Trung Quốc gần đây và hiện nay tiếp tục phối hợp với Nga để thúc đẩy các bên hướng tới thực hiện “sáng kiến” của họ, đó là đề xuất “Mỹ - Hàn tạm dừng tập trận chung, Triều Tiên tạm dừng thử tên lửa và hạt nhân”, xúc tiến khôi phục đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: En Son Haber.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: En Son Haber.

Mặc dù Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều tiếp tục tìm cách gây sức ép lên Triều Tiên, Nga và Trung Quốc, bao gồm yêu cầu Nga, Trung Quốc ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. Nhưng, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối yêu cầu này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga không thừa nhận địa vị sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng cũng không thể ép Triều Tiên đến đường cùng, không thể chỉ dựa vào trừng phạt và gây sức ép giải quyết vấn đề. Còn phải thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết. Đây là quan điểm cơ bản của Nga.

Ông Putin còn cho biết, trong giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên, Nga và Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch, có phương án cụ thể, sát với thực tế, giải quyết theo từng giai đoạn.

Về vấn đề THAAD, báo chí và nhiều chuyên gia Nga cho rằng Nga có thể xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực biên giới để ứng phó với việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD. Ngoài ra, Nga sẽ xích lại gần hợp với Trung Quốc về quân sự.