Nơm nớp trước tên lửa Triều Tiên, Nhật Bản muốn bắt tay Mỹ chế vũ khí laser

VietTimes -- Do Triều Tiên thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển hệ thống mới đánh chặn tên lửa đạn đạo - đó là thiết bị laser công suất cao. Nhật Bản có thể được Mỹ giúp.
Mỹ đã cung cấp thông tin thành quả nghiên cứu vũ khí laser cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Cankao.
Mỹ đã cung cấp thông tin thành quả nghiên cứu vũ khí laser cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Cankao.

Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 3/9 cho hay do Triều Tiên thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo mới.

Việc sử dụng thiết bị laser công suất cao (năng lượng cao) chiếu vào tên lửa đạn đạo vừa phóng không lâu sẽ có thể đạt được hiệu quả phá hoại tên lửa và làm cho tên lửa không thể phát huy tác dụng.

Nhật Bản khó có thể sử dụng các công nghệ hiện có để đánh chặn tên lửa của Triều Tiên, vì vậy Nhật Bản quyết định nghiên cứu phát triển công nghệ mới để tiến hành ứng phó.

Công nghệ mà Nhật Bản mong muốn nghiên cứu phát triển là trong "giai đoạn bay lên" không lâu sau khi tên lửa đạn đạo phóng đi, sử dụng thiết bị laser công suất cao trên máy bay và tàu chiến để tiến hành chiếu xạ, sức nóng từ đó sẽ làm cho tên lửa biến dạng. Chi phí cho phát triển thiết bị laser sẽ rẻ hơn so với chi phí chế tạo tên lửa đánh chặn. Nếu thực hiện được thì có thể ứng phó với nhiều loại tên lửa của Triều Tiên.

Trong yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất kinh phí nghiên cứu hệ thống laser công suất cao là 8,7 tỷ Yên (khoảng 79 triệu USD). Hệ thống laser chủ yếu dùng để đánh chặn đạn súng cối và máy bay không người lái cỡ nhỏ.

Pháo laser trang bị cho tàu USS Ponce, Hải quân Mỹ.
Pháo laser trang bị cho tàu USS Ponce, Hải quân Mỹ.

Nghiên cứu cơ bản về thiết bị laser công suất cao đã bắt đầu được tiến hành từ năm tài khóa 2010. Trong 5 năm tính từ năm tài khóa 2018, Nhật Bản sẽ chuyển sáng tiến hành nghiên cứu phát triển trang bị laser.

Do có các ưu thế như giá thành thấp hơn chi phí chế tạo tên lửa đánh chặn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cân nhắc đưa thiết bị laser công suất cao vào hệ thống phòng thủ tên lửa.

Điểm hạn chế của thiết bị laser công suất cao là khoảng cách càng xa thì nhiệt lượng càng ít, tầm bắn khá ngắn, cần phải để máy bay và tàu chiến tiếp cận địa điểm phóng tên lửa. Vấn đề về mặt công nghệ là cách thức bảo đảm cho thiết bị laser có thể tiếp tục chiếu xạ chính xác tên lửa đạn đạo có tốc độ bay cao.

Các nước như Mỹ và Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí laser. Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai chiến đấu thực tế. Mỹ cũng đang thảo luận việc sử dụng có hiệu quả vũ khí laser để tiến hành phòng thủ tên lửa, đồng thời cung cấp các thông tin liên quan đến thành quả nghiên cứu vũ khí laser cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản.