Việc Trung Quốc bị động và thua thiệt trong cuộc Chiến tranh thương mại do Mỹ phát động là điều ít ai còn nghi ngờ. Ngày càng có nhiều người nhất trí cho rằng, ông Donald Trump phát động cuộc chiến này là do bị phía Trung Quốc kích động.
Tờ Epoch Times bản tiếng Hoa hôm 18/8 đăng bài của Chu Hiểu Huy, cây bút nổi tiếng về vấn đề Trung Quốc, cho rằng Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Kim Nhất Nam là một người phải chịu trách nhiệm trong việc “ngộ đạo” (dẫn dắt sai) giới lãnh đạo cao cấp trong quan hệ với Mỹ.
Ông KIm Nhất Nam thường xuyên thuyết giảng về các vấn đề chiến lược quốc tế và Trung Quốc tại các nhà trường, viện nghiên cứu, trên sóng phát thanh
|
Tác giả viết, theo tiết lộ của ông Michael Pillsbury – cựu chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Trung Quốc của Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Trung tâm chiến lược Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Hudson Institute (một think tank của Mỹ), người vừa tham gia hội đàm kín với các quan chức Trung Quốc từ Bắc Kinh trở về, thì: cuộc Chiến tranh thương mại diễn ra đến hôm nay, nhưng phía Trung Quốc vẫn phán đoán không sát thực tế (sai) về nguyên nhân và xu thế phát triển của cuộc chiến này và vẫn lạc quan mù quáng về thực lực của mình. Ví dụ, Trung Quốc vẫn cho rằng, ông Donald Trump gây chiến tranh thương mại mạnh mẽ như thế là xuất phát từ nhu cầu đối với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới; đợi đến tháng 11, sau khi kết thúc bầu cử quốc hội thì ông Trump tất sẽ làm hòa, tháo gỡ cục diện căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ; hay Trung Quốc vẫn cứ tung hô, rêu rao có được thành tựu ngày hôm nay là dựa vào nỗ lực của bản thân..
Nguyên nhân nào đã khiến tầng lớp lãnh đạo cao cấp đến giờ vẫn đang phán đoán sai? Hồi tháng 7, đã có tờ báo Hongkong đưa tin khi phỏng vấn mấy quan chức Trung Quốc không muốn nêu tên, về Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, họ đã không phê phán Mỹ, mà mà lại cho rằng một bộ phận quan chức trong nội bộ và báo chí cần phải chịu trách nhiệm chủ yếu. Một số báo chí đã lật tẩy những lời lẽ của các “chuyên gia” về Mỹ như Hồ An Cương, Kim Sán Vinh. Tuy nhiên, theo nhà báo Chu Hiểu Huy, báo chí còn bỏ quên một nhân vật đã “ngộ đạo” quan trường Trung Quốc từ trên lẫn dưới, khá nổi tiếng, là Thiếu tướng Kim Nhất Nam – hiện đang là giáo sư kiêm chức của Trường Đảng trung ương, Học viện Hành chính quốc gia và Đại học Bắc Kinh.
Ông Kim Nhất Nam đã sai khi cho rằng “tăng thuế quan, coi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá” chỉ là những phát ngôn tranh cử của Donald Trump, không phải là thật
|
Theo tư liệu chính thức thì ông Kim Nhất Nam sinh năm 1952, quê Giang Tây, là con trai thứ 2 của Thiếu tướng “khai quốc công thần” Kim Như Bách, nhập ngũ năm 1972, từng đi tu nghiệp tại Đại học Quốc phòng Mỹ và Học viện Khoa học quân sự Hoàng gia Anh, từng thay mặt Đại học Quốc phòng Trung Quốc tới giảng bài tại Đại học Quốc phòng Mỹ. Kim Nhất Nam từng giữ chức Viện trưởng nghiên cứu chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc, năm 2008 được bầu làm Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc. Hiện ông đang giữ rất nhiều chức: giáo sư kiêm chức của các trường Đại học Bắc Kinh, Trường Đảng trung ương, Học viện Hành chính quốc gia; Ủy viên Ủy ban nghiên cứu Quốc phòng, Viện nghiên cứu phát triển chiến lược Đại học Quốc phòng; tác giả chuyên trang của “Thời báo Học tập” và MC chương trình “Diễn đàn quân sự Nhất Nam” thuộc tiết mục “Quốc phòng” của Đài phát thanh trung ương Trung Quốc.
Là một “Thái tử đỏ” – tức con cái của thế hệ lãnh đạo lão thành, Kim Nhất Nam từng là “thượng khách” trong Trung Nam Hải, lần lượt tham gia hiến kế sách cho hai đời tổng bí thư. Tháng 7/2009, tại Hội nghị học tập tập thể lần thứ 15 của Bộ Chính trị khóa 17 do ông Hồ Cẩm Đào chủ trì, Kim Nhất Nam đã được mời thuyết giảng về vấn đề “quân dân hòa hợp”; ngày 17/5/2015 tại Tọa đàm về công tác Khoa học xã hội và Triết học do ông Tập Cận Bình chủ trì, Kim Nhất Nam được mời về đăng đàn nói vấn đề chú trọng nghiên cứu hoằng dương triết học quân sự Trung Quốc và văn hóa chiến lược, đặt nền móng cho ưu thế “phi đối xứng” Trung Quốc trong công cuộc cải cách quân đội đang tiến hành.
Kim Nhất Nam đã nhiều lần nhận lời mời nói về chiến lược an ninh quốc gia tại Trường Đảng trung ương, các nhà trường học viện trong, ngoài quân đội, các cơ quan đảng, chính quyền; sách “Gian khổ huy hoàng” của ông ta từng được ông Tập Cận Bình khen ngợi và giới thiệu tới các quan chức cấp tỉnh, bộ.
Tác phẩm "Gian nan huy hoàng" của Kim Nhất Nam được ông Tập Cận Bình giới thiệu cho các quan chức cấp tỉnh, bộ đọc
|
Từ tháng 2/2017, video clip “Tướng Kim Nhất Nam giải phẫu hiện trạng nước Mỹ và Donald Trump” lan truyền rộng rãi trên mạng. Đây là bài diễn thuyết của ông Nam trước cử tọa gồm nhiều quan chức cấp bộ, tỉnh hôm 20/1 tại Trường Đảng trung ương, đúng hôm Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nay xem lại thì thấy đó là bài thuyết giảng thể hiện ông có sức cuốn hút mạnh mẽ, nhưng đã phán đoán sai về Mỹ, về ông Donald Trump và “ngộ đạo” (dẫn dắt sai) quan trường Trung Quốc.
Quan điểm của Kim Nhất Nam gồm các điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, thành công nhỏ cần có bạn bè; thành công lớn cần có kẻ thù. Sự tồn tại của nước Mỹ với tư cách kẻ thù và rắc rối họ gây ra là điều tốt đối với chúng ta.
Hai, cứ qua xem xét những cơ sở hạ tầng cũ kỹ thì thấy Mỹ là đế quốc đã suy lão.
Ba, Hillary lên thì không tốt, Donald Trump lên sẽ tốt cho Trung Quốc; nhưng việc ông ta trúng cử nằm ngoài dự đoán.
Bốn, Donald Trump sẽ không thể có nhiệm kỳ thứ hai, vì hiện nay giới tinh hoa Thung lũng Silicon, Phố Wall và các giáo sư của Ivy League đều chống ông ta, Đảng Dân chủ cũng phê phán ông ta; nên kẻ thù lớn nhất của Donald Trump không phải Trung Quốc mà là tập đoàn tinh hoa của Mỹ; Trung Quốc cần bình tĩnh nhận định; việc Trump rút khỏi TPP là một món quà lớn cho Trung Quốc.
Năm, “tăng thuế quan, coi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá” chỉ là những phát ngôn tranh cử của Donald Trump, đừng coi đó là thật.
Sáu, Donald Trump là nhà buôn, muốn xây dựng chứ không muốn đối đầu. Bắc Kinh chắc chắn sẽ có cách đối phó.
Bảy, nói theo lời đài Tiếng nói nước Đức (DW), nếu Donald Trump muốn thay đổi, sẽ phát hiện được ngay, không gian xoay xở của Bắc Kinh lớn hơn Washington; ngoài ra sự nhẫn nại của dân chúng Trung Quốc đối với lãnh đạo cũng lớn hơn nhiều cử tri Mỹ so với người lãnh đạo họ.
Tám, nói theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ thì “Vành đai, con đường” sẽ là động lực thúc đẩy toàn cầu hóa quan trọng nhất trong 10 năm tới; Trung Quốc dù không có muốn làm người lãnh đạo thế giới, cũng phải làm.
Ngày nay, sau hơn 1 năm, nhìn lại những lời lẽ của Kim Nhất Nam, người ta thấy giai tầng lãnh đạo và quan trường Trung Quốc đã bị ông ta dẫn dắt sai lầm rất nghiêm trọng, những rắc rối Mỹ gây ra đã khiến chính quyền Bắc Kinh sa vào hoảng loạn; những sức ép liên tiếp về mậu dịch của chính quyền Donald Trump trong gần nửa năm nay đang gây nên phản ứng dây chuyền ở trong và ngoài Trung Quốc; không chỉ tình hình kinh tế trong nước, vấn đề xã hội xấu đi, cộng đồng quốc tế cũng ngày càng cứng rắn với Trung Quốc khiến họ đang đứng trước những thách thức chưa từng có xưa nay.
Một điểm nữa, mặc dù tập đoàn tinh hoa Mỹ không ngừng phát tín hiệu chống Donald Trump; nhưng trong vấn đề đối với Trung Quốc, các giới từ trên xuống dưới ở Mỹ đều có chung nhận thức. Hiện nay, đa số nghị sỹ thuộc hai đảng trong quốc hội Mỹ đều ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Donald Trump trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, mậu dịch và Đài Loan, ủng hộ việc gây sức ép tối đa với Trung Quốc trong vấn đề mậu dịch. Không chỉ như thế, nhiều chủ công ty và cả dân chúng Mỹ, nhất là nông dân đều ủng hộ Donald Trump, tỷ lệ người ủng hộ ông ta không ngừng gia tăng đã chứng tỏ điều đó; còn những nhân vật trong giới chính trị và tài chính làm thuyết khách cho Trung Quốc đều cũng đã im tiếng. Điều khiến Trung Quốc khó xử nhất là những chính khách lão luyện từng có quan hệ tốt với họ như Henry Kissinger nay cũng đốc thúc Donald Trump “Liên Nga kháng Trung”.
Ông Donald Trump không chỉ là một thương gia, mà còn là một lãnh tụ chính trị có khả năng quan sát nhạy bén, độc lập và cả quyết. Tháng 12 năm 2017, chính phủ Donald Trump công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, trực tiếp coi Trung Quốc, Nga là “kẻ thù” của Mỹ. Việc ông quyết liệt tăng thuế quan đã khiến Trung Quốc bộc lộ nguyên hình, đến nay ít ai còn hồ nghi việc Trung Quốc thao túng hối suất chỉ là việc sớm muộn sẽ xảy ra. Rõ ràng những cam kết và sức sát thương của Donald Trump đã vượt xa những dự liệu của Kim Nhất Nam và giới lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, việc ông liên nhiệm cũng là khả năng rất cao.
Kim Nhất Nam bị cho phải chịu trách nhiệm trong việc giới quyết sách Trung Quốc hiểu lầm về Mỹ và Donald Trump, dẫn tới Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ xảy ra
|
Còn luận điểm “Không gian xoay xở của Bắc Kinh rộng lớn hơn Washington nhiều…” hay “Trung Quốc không muốn làm người lãnh đạo thế giới cũng phải làm”, rõ ràng là những phán đoán sai lầm. Sau khi những thực lực về những sản phẩm kỹ thuật cao như chip bị lật tẩy, những lời tung hô “đất nước lợi hại” đã hạ giọng xuống rất nhiều; ngày càng có nhiều quốc gia ven “Vành đai, con đường” tỉnh ra, từ bỏ sự hợp tác với Trung Quốc.
Sự phán đoán “nước Mỹ đã suy lão” chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng cũ kỹ cũng không đáng tin cậy; như một học giả người Mỹ gốc Hoa đã nói: sân bay Mỹ tuy cũ những thiết bị đầy đủ; thành phố Mỹ tuy cũ nhưng giao thông thuận tiện, thông suốt; Mỹ không có tuyến đường sắt cao tốc, nhưng cứ 10 xe container lớn chạy trên đường thì có 1 là cao tốc, càng hiệu quả hơn; hầu như chẳng có ai muốn lái xe tới ga xe lửa, lên tàu, xuống tàu rồi lại lên tàu…
Mặt khác, những vấn đề Kim Nhất Nam nhìn thấy thì Donald Trump cũng nhìn ra; chính vì nhìn ra những vấn đề của nước Mỹ nên ông Trump mới chấn hưng lại ngành công nghiệp chế tạo Mỹ. Hơn một năm qua ngành chế tạo Mỹ phát triển mạnh mẽ hiếm thấy ở bất cứ quốc gia nào.
Bài báo kết luận: có thể thấy, sự phán đoán sai lầm của Kim Nhất Nam và các chuyên gia khác của Trung Quốc đã có ảnh hưởng không thể xem nhẹ đối với tầng quyết sách Trung Nam Hải. Từ sau khi xảy ra Chiến tranh thương mại đến nay, Bắc Kinh vẫn đang phán đoán sai, tựa hồ họ đang đợi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đi theo hướng có lợi cho mình; Bắc Kinh không chiếm thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chả lẽ vẫn thực sự không hiểu rõ họ càng trì hoãn lâu thì sẽ thiệt hại càng nghiêm trọng hay sao?