Tập đoàn Northrop Grumman, nhà phát triển đứng đầu thế giới về máy bay quân sự không người lái hạng nặng đã chế tạo cho Mỹ và các đồng minh máy bay MQ-4C Triton thiết bị theo dõi tầm xa tiên tiến. Chiếc máy bay có khối lượng 14.628kg bằng với máy bay RQ-4 Global Hawk cũng của Northrop. Và đây là một trong hai mẫu máy bay không người lái (UAV) lớn nhất và nặng nhất được sử dụng trong quân đội.
Với cấu tạo có nhiều chi tiết đặc trưng giống như Global Hawk, Triton được thiết kế để tuần tra ở khoảng cách xa hơn là chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi. Máy bay được gia cố phần khung - cánh, có hệ thống chống sét, làm tan băng cùng với những cảm biến tinh vi giúp nó có thể theo dõi những con tàu ở khoảng cách rất xa.
Mỹ thử nghiệm MQ-4C Triton.
Bình luận về khả năng của MQ-4C và tiềm năng của nó với quân đội Mỹ, giám đốc chương trình Triton UAS của Northrop Gumman - ông Mike Mackey nói: "Trong những nhiệm vụ theo dõi sử dụng Triton, những người điều khiển máy bay của Hải quân có thể chỉ định địa điểm cần thiết, ra lệnh cho máy bay hạ xuống tới một độ cao nào đó để có thể nhận diện rõ ràng. Sức mạnh của đôi cánh cho phép máy bay hạ xuống an toàn, vượt qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ".
Hải quân Mỹ đang triển khai MQ-4C Triton tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, nơi loại UAV cỡ lớn này sẽ giám sát những hoạt động trên toàn bộ Thái Bình Dương. Khả năng trinh sát tầm xa, bay 30 giờ liên tục và hoạt động được ở độ cao 18.000m, vượt qua độ cao của các máy bay thương mại và hầu hết các máy bay chiến đấu khiến nó là một thiết bị lý tưởng để thực hiện nhiệm vụ trên.
Hải quân Mỹ đã triển khai loại UAV này đúng vào thời gian căng thẳng đang tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã có những cố gắng lớn để thu thập thông tin tình báo về hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên rất nhiều công trình xây dựng trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi quân đội Trung Quốc mới triển khai một lượng lớn các thiết bị tinh vi bao gồm hệ thống phòng không, gây nhiễu và các máy bay chiến đấu tiên tiến. Khả năng thu thập dữ liệu của các mục tiêu hàng hải nhờ những cảm biến quang điện của chiếc UAV, sau đó chuyển dữ liệu về trung tâm dữ liệu mặt đất tại đảo Guam, Hawaii khiến nó trở thành một thiết bị vô giá.
Đại úy Hải quân Mỹ Dan Mackin tuyên bố một lý do khác cho việc quân đội Mỹ triển khai chiếc Triton tới Thái Bình Dương: "Một trong những lý do chính khiến Hải quân quyết định mua Triton là để xây dựng thành nhóm có thể liên lạc qua lại giữa những máy bay săn ngầm P-8 và Triton. Một trong những điều chúng tôi sẽ làm là chuyển thông tin qua lại giữa 2 loại máy bay này để giúp tăng cao khả năng nhận định tình huống của hạm đội. Cả hai loại máy bay này đều có khả năng đàm thoại - liên lạc, chuyển thông tin qua lại".
Quân đội Mỹ đang phải đối mặt với những mối đe dọa tăng cao từ khả năng chống vệ tinh mà Trung Quốc và rất nhiều đối thủ tiềm tàng đang phát triển, khiến Mỹ có thể bị "mù" thông tin khi có chiến sự, việc sử dụng chiếc UAV tuần tra và theo dõi mới là chìa khóa để đa dạng hóa các nguồn thông tin tình báo.
Các sự kiện cho thấy UAV của Mỹ thường dễ bị tấn công, gây nhiễu bằng những đơn vị tác chiến điện tử của Nga tại Syria và Crimea, chưa kể tới chiếc UAV tàng hình tối tân RQ-170 từng bị chiếm quyền điều khiển và hạ cánh xuống bởi đơn vị tác chiến điện tử của Iran vào năm 2011 - Nên không rõ liệu những chiếc UAV mới có thể tồn tại khi hoạt động gần các cơ sở quân sự đồn trú trái phép của Trung Quốc hay không? Cũng không rõ liệu Mỹ có thể dựa vào chúng khi xảy ra một cuộc xung đột công khai?