Mỹ “điểm” 8 yếu huyệt của Trung Quốc ở Biển Đông

VietTimes -- Mới đây, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc đưa ra báo cáo cho biết, do vùng biển và không phận trải rộng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với 8 bài toán khó cần giải quyết khi thiết lập khu nhận diện phòng không trên biển Đông.
Quy mô của các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông ngày càng lớn hơn
Quy mô của các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông ngày càng lớn hơn

Ngày 2/3, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc trực thuộc quốc hội Mỹ đã công bố bản báo cáo bàn về vấn đề khu nhận diện phòng không của Trung Quốc. Bản báo cáo nhấn mạnh,muốn xây dựng khu nhận diện phòng không trên biển Đông, Trung Quốc còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như quá ít sân bay, hệ thống radar có hạn, khí hậu và môi trường biển khắc nghiệt, dự trữ và vận chuyển nhiên liệu không đủ, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động bay còn thiếu...

Quá ít sân bay

Do khoảng cách giữa khu vực đất liền của Trung Quốc và biển Đông rất xa, Trung Quốc buộc phải xây dựng một số sân bay trên biển Đông để máy bay Trung Quốc có thể thực hiện các nhiệm vụ nhận diện phòng không. Trong khi đó, khoảng cách giữa khu nhận diện phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và vùng đất liền không xa, máy bay cất cánh từ đất liền là có thể dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ nhận diện phòng không. Biển Đông cách xa đất liền, máy bay cất cánh từ đại lục sẽ không thể bao quát cả vùng lãnh hải và không phận. Hiện tại Trung Quốc đã xây dựng trái phép sân bay ở 9 hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và độ dài đường băng của các sân bay này đủ cho máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh.

Thiết bị radar có hạn

Trung Quốc xây dựng trái phép hệ thống radar trên đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Xây dựng một mạng lưới radar có thể bao phủ cả khu vực trên biển Đông là công việc hết sức quan trọng để có thể nâng cao năng lực giám sát ở khu nhận diện phòng không, theo một bản báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tháng 2/2016, dường như Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar cao tần ở đá Châu Viên, điều này sẽ “nâng cao năng lực giám sát mục tiêu trên biển và trên không ở biển Đông”. Còn theo một bản báo cáo của CSIS năm 2015, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống radar trên đá Chữ Thập và đảo Phú Lâm, nước này sẽ tiếp tục lắp đặt hệ thống radar trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn, tăng cường chức năng giám sát của các hệ thống này trên biển Đông.

Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng trái phép thiết bị radar trên đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng hỗ trợ cho hệ thống radar triển khai trên mặt đất, độ dài của đường bay tại sân bay Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm và đá Chữ Thập đủ cho loại máy bay cảnh báo sớm này cất cánh và hạ cánh.

Môi trường biển khắc nghiệt

Sự ăn mòn của nước biển sẽ khiến các chiến cơ đồn trú tại biển Đông bị lão hóa nhanh chóng, theo nghiên cứu của Cục hàng không liên bang Mỹ, trong môi trường biển, máy bay sẽ phải tiếp xúc với nước biển và muối trong không khí, môi trường cũng khá ẩm ướt, trong điều kiện khí hậu này, máy bay sẽ khó thao tác hơn điều kiện khí hậu khô. Hơn nữa, với điều kiện khí hậu nóng ẩm như biển Đông, hệ thống điện khí của máy bay dễ xảy ra sự cố hơn. Do bị nước biển ăn mòn, chu kỳ nâng cấp và bảo trì chiến cơ Trung Quốc tại biển Đông sẽ ngắn hơn, điều này khiến Trung Quốc buộc phải cần rất nhiều máy bay để duy trì tần suất thay đổi trong thời gian ngắn. Không ít máy bay do Trung Quốc chế tạo như J-11, khoảng cách thời gian bảo trì vốn không dài, cộng với sự ăn mòn của nước biển, khoảng cách thời gian bảo trì lại càng ngắn hơn.

Khí hậu khắc nghiệt

Bờ biển bị ăn mòn không ngừng thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ các hòn đảo đã bồi đắp trái phép. Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng đê ngăn sóng trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn để ngăn chặn sự tấn công của sóng biển, và tương lai rất có thể cũng sẽ xây dựng đê ngăn sóng tương tự trên đá Chữ Thập, tuy nhiên rất có thể gió bão sẽ gây cản trở theo chu kỳ cho các hoạt động của tàu và máy bay Trung Quốc trên biển Đông.

Dự trữ và vận chuyển nhiên liệu thiếu thốn

Công trình nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Gạc Ma

Một yếu tố rất quan trọng để máy bay có thể đồn trú trên các hòn đảo ở biển Đông là xây dựng kho dự trữ nhiên liệu. Trong một bản báo cáo hồi tháng 12/2015, chính phủ Trung Quốc cùng Tập đoàn dầu khí và hóa chất Sinopec của nước này đang xây dựng  trái phép kho dự trữ nhiên liệu trên đảo Phú Lâm, điều này sẽ giúp cho một số thiết bị, xe cộ và máy bay có đủ nhiên liệu. Tuy nhiên hiện tại chưa biết công trình này bao giờ sẽ hoàn thành.

Và bản báo cáo này không khẳng định Trung Quốc đã xây dựng kho dự trữ nhiên liệu ở các hòn đảo khác, ngoài ra cũng không rõ Trung Quốc có đủ năng lực đưa được đủ nhiên liệu ra các đảo nước này lấn chiếm và bồi đắp trái phép để máy bay duy trì được các nhiệm vụ trái phép hay không.  Tuy nhiên, một bản báo cáo của không quân Trung Quốc cho thấy, lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng một tàu chuyên chở chất lỏng đưa nhiên liệu hàng không ra đảo chỉ mất 17 ngày, và những tàu chở dầu này có thể giải quyết vấn đề vận chuyển nhiên liệu ra các đảo Trung Quốc lấn chiếm và bồi đắp trái phép, và cảng trên đá Chữ Thập đủ độ sâu để các tàu này cập bến.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động bay còn yếu

Để thực hiện âm mưu bành trướng trên biển Đông, trong tương lai Trung Quốc cần xây dựng hàng loạt hệ thống chi viện hậu cần cho máy bay, ví dụ hầm trú ẩn và thiết bị bảo trì cho máy bay. Một số hình ảnh chụp từ vệ tinh về các đảo Trung Quốc lấn chiếm trái phép trên biển Đông hiển thị, chưa có đủ bằng chứng kết luận Trung Quốc đã xây dựng các thiết bị này để bảo vệ sân bay cho mình. Tuy nhiên theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, Trung Quốc đang xây dựng các công trình bằng xi măng trên đá Xu Bi, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn, những kiến trúc này có thể thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động bay.

Cơ sở hạ tầng phục vụ đội ngũ kỹ thuật viên có hạn

Vị trí các bãi đá trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nếu muốn triển khai trái phép một tiểu đoàn chiến đấu cơ trên một hòn đảo nào đó ở biển Đông thì Trung Quốc cần một lượng vật tư, đội ngũ kỹ thuật viên bảo trì rất lớn. Và mặc dù Trung Quốc có thể xây dựng cơ sở hạ tầng cho những kỹ thuật viên này, nhưng nếu muốn mở rộng hoạt động xây dựng trên đảo, Trung Quốc sẽ cần nhiều nhân viên hơn, đến lúc đó chưa chắc Trung Quốc đã cáng đáng được.

Theo nguồn tin hồi tháng 5/2015 của CNN, Trung Quốc đã xây dựng một “doanh trại quân đội” trên đá Chữ Thập, và một bản báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tháng 1/2016 thì cho biết Trung Quốc đã xây dựng công trình nhà ở trên đá Vành Khăn, bản báo cáo chi ra rằng, hình ảnh chụp từ vệ tinh về đá Xu Bi cho thấy số công trình nhà ở đây có thể phục vụ cho lực lượng quân đội gồm 200 người.

Công trình nhà ở Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Châu Viên.

Cơ chế chỉ huy phối hợp yếu kém

Để tập hợp được hệ thống thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong khu nhận diện phòng không,  có thể Trung Quốc sẽ xây dựng Trung tâm chỉ huy hành động phối hợp (JOCC) trên biển Đông. Trung tâm này sẽ phụ trách hợp nhất số liệu radar, từ đó có thể giúp chiến cơ Trung Quốc có phản ứng kịp thời khi xuất hiện những hành vi “trái phép” ở khu nhận diện phòng không. Các phương tiện truyền thông Trung quốc thì kiến nghị xây dựng trái phép một hệ thống chỉ huy phối hợp ở quần đảo Hoàng Sa để điều hành các hoạt động “bảo vệ” trên biển, chia sẻ thông tin và “chấp pháp” trên biển.

Tháp radar Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trước bản báo cáo dài 15 trang của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc, một số chuyên gia Trung Quốc đã “phản pháo” và biện minh rằng: Hoạt động xây dựng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là những sự việc nằm trong “phạm vi chủ quyền” của Trung quốc, là “hợp pháp, hợp tình, hợp lý, không ảnh hưởng và nhằm vào “bất kỳ quốc gia nào”.

Cái gọi là “chủ quyền” và chủ trương quyền lợi có liên quan của Trung Quốc ở biển Đông được “hình thành trong quá trình lịch sử”, có “cơ sở lịch sử và pháp lý” đầy đủ, không cần thông qua biện pháp bồi đắp đảo trái phép để tăng cường. Đây chỉ là những phát ngôn mỹ hóa, tô vẽ cho hành vi trái phép của Trung Quốc trên biển Đông. Rõ ràng những hành vi này đã gây cản trở cho hoạt động hàng hải và hàng không tự do của các nước trên biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến nền hòa bình, ổn định trên vùng biển này. 

Đ.Q