Theo trang tin quân sự Task and Purpose (Nhiệm vụ và Mục đích) đưa tin, thứ vũ khí đặc biệt nhất của 4 chiếc xe bọc thép Stryker IFV này là chúng được lắp đặt một khẩu pháo laser công suất 50 kilowatt có tên "Mobile Short-Range Air Defense, D EM-SHORAD” (Hệ thống phòng không cơ động tầm gần). Do loại pháo phát ra tia laser thay cho bắn đạn này chủ yếu được sử dụng để đánh chặn và phòng thủ trước máy bay không người lái và súng cối, do đó, xe bọc thép được trang bị pháo laser này còn được gọi là "Người bảo vệ trước các cuộc tấn công".
Trung tướng Neil Thurgood, người đứng đầu Văn phòng Công nghệ quan trọng và Khả năng nhanh của Quân đội Mỹ (Rapid Capabilities and Critical Technologies Office, RCCTO), hồi tháng 8/2022 đã công khai cam kết rằng những xe chiến đấu kiểu mới này “sẽ được chuyển đến căn cứ Fort Sill trong vòng 45 ngày tới". Tuy nhiên đến tháng 10, công việc nghiên cứu phát triển nó đã phải kéo dài thêm vài tháng để đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng có thể được sản xuất quy mô hàng loạt và có thể triển khai thành lập đơn vị chiến đấu đầu tiên.
Sự chậm trễ trong phát triển vũ khí như vậy dường như đã là hiện tượng bình thường và trường hợp của pháo laser DE M-SHORAD chỉ là hơi muộn và dường như tất cả đã sẵn sàng. Người phát ngôn của RCCTO cho biết, trong các cuộc thử nghiệm tại Bãi thử tên lửa White Sands hồi tháng 3 năm nay, loại pháo laser này đã thể hiện khả năng đánh chặn hiệu quả các vật thể có mối đe dọa cao.
Hãng chế tạo vũ khí Raytheon, nhà thầu chịu trách nhiệm sản xuất, cho biết pháo laser nguyên mẫu trong quá trình thử nghiệm đã "xác định, nhắm mục tiêu, khóa và bắn hạ" nhiều quả đạn cối, vượt qua một loạt kịch bản mô phỏng.
Một chiến xa mang pháp laser D EM-SHORAD (Ảnh: Raytheon). |
Với sự trỗi dậy và phát triển rất nhanh của máy bay không người lái dùng cho chiến tranh, trong đó có cuộc chiến tranh Nga-Ukraine gần đây, chiến tranh phi đối xứng sử dụng súng cối, tên lửa và máy bay không người lái đã trở thành một chiến thuật khá phổ biến và Ukraine liên tục yêu cầu các nước phương Tây cung cấp các hệ thống vũ khí can thiệp đánh chặn ở độ cao thấp có hiệu quả hơn, bao gồm tên lửa vác vai Stinger, NSAMS, tên lửa Eagle và xe tăng phòng không Gepard, tất cả đều nhằm chống lại các mối đe dọa này, nhưng tất cả những loại vũ khí nêu trên đều cần có đạn dược và tên lửa.
Đánh chặn bằng tia laser rõ ràng là thứ vũ khí lý tưởng, mỗi phát "đạn" chỉ là một tia năng lượng, chỉ cần có đủ nguồn điện, sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề “thiếu đạn dược" như Ukraine đang gặp phải hiện nay.
Hiện tại, người ta vẫn chưa biết rõ phạm vi đánh chặn và tác dụng của loại vũ khí laser này do Mỹ đang giữ bí mật. RCCTO hiện cũng đang nghiên cứu phát triển loại vũ khí laser công suất 20 kilowatt gọi là "Laser năng lượng cao đa năng Lục quân" (Army Multi-Purpose High Energy Laser, AMP-HEL), sẽ được lắp đặt trên loại xe địa hình tấn công với kíp chiến đấu bốn người. Có điều đây là loại súng laser công suất quá nhỏ chưa chắc đã đủ uy lực sát thương. Trang Breaking Defense đưa tin, loại vũ khí laser này chỉ có thể chống lại một số loại máy bay không người lái nhất định, còn đối với tên lửa, đạn pháo và súng cối thì không đủ uy lực.