Lệnh truy tố bà Mạnh Vãn Chu và 3 công ty trên được tuyên bố tại cuộc họp báo chung tiến hành bởi các quan chức cao cấp bao gồm: Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Matthew G. Whitaker, Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Công tố viên liên bang Đông New York Richard Donoghue, Cục trưởng FBI Christopher A. Wray, Trợ lý Tổng Kiểm sát Vụ Hình sự, Bộ Tư pháp Brian A. Benczkowski và Trợ lý Tổng kiểm sát Bộ An ninh Quốc gia John C. Demers.
Chồng chất tội danh
Ông Matthew G. Whitaker cho biết, căn cứ văn bản khởi tố của Tòa án liên bang Brucklin, New York thì Huawei và Skycom bị cáo buộc móc nối đồng mưu, lừa đảo ngân hàng, lừa đảo chuyển tiền qua mạng và lừa đảo, vi phạm và đồng mưu vi phạm Luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (International Emergency Economic Powers Act, IEEPA) và rửa tiền; Huawei và Huawei Device USA Inc. bị cáo buộc đồng mưu cản trở việc điều tra tư pháp của bồi thẩm đoàn khu Đông New York; bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc phạm tội lừa đảo ngân hàng, lừa đảo chuyển tiền qua mạng và đồng mưu lừa đảo ngân hàng, lừa đảo chuyển tiền.
Văn bản khởi tố còn cáo buộc Huawei năm 2017 sau khi biết tin cơ quan tư pháp Mỹ tiến hành điều tra mình, đã định điều chuyển nhân chứng nắm được nghiệp vụ với Iran về Trung Quốc để tránh bị điều tra với tư cách pháp nhân ở Mỹ và định tiêu hủy các chứng cứ liên quan.
Các nhân viên chấp pháp Canada ngày 1.12.2018 đã bắt giữ Mạnh Vãn Chu – con gái người sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi đồng thời là CFO của công ty theo yêu cầu của Mỹ. Phía Mỹ cáo buộc Mạnh Vãn Chu cung cấp thông tin giả cho các ngân hàng để tránh vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.
Các quan chức Mỹ tuyên bố lệnh khởi tố 4 bị can tai cuộc họp báo
|
Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại về người máy Tappy của Công ty Mỹ T-Mobile – công nghệ của người máy này được sử dụng cho việc kiểm định smartphone. Theo bản khởi tố của Tòa án liên bang khu Tây bang Washington thì Huawei và công ty con của họ tại Mỹ bị cáo buộc 10 tội danh, bao gồm đánh cắp bí mật thương mại của T-Mobile, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, 7 tội danh lừa đảo chuyển tiền qua mạng và 1 tội danh cản trở sự công bằng tư pháp.
Bản khởi tố mô tả chi tiết các tội mà Huawei phạm phải trong thời gian từ 2012 đến 2014, trong đó có việc Huawei trong thông báo nội bộ đã khuyến khích nhân viên lấy cắp bí mật thương mại của công ty khác, nếu thành công sẽ được thưởng tiền. Theo những e-mail nội bộ của Huawei mà FBI có được, tháng 7.2013, Huawei đã tổ chức phát tiền thưởng cho các nhân viên đánh cắp được các thông tin có giá trị của các công ty khác ở các nơi trên thế giới.
Cũng theo bản khởi tố, từ năm 2012, Huawei bắt đầu đồng mưu lấy cắp bí mật thương mại của người máy kiểm định smartphone Tappy của Công ty T-Mobile. Các kỹ sư Huawei đã vi phạm hiệp định bảo mật họ ký với T-Mobile, bí mật chụp ảnh Tappy rồi mổ xẻ phân tích, đo đạc các cấu kiện của nó. Thậm chí, có lần kỹ sư của Huawei đã đánh cắp 1 người máy Tappy với ý định để các kỹ sư của họ ở Trung Quốc sao chép nó. Sau đó, khi T-Mobile đã phát hiện và ngăn chặn hành vi phạm pháp này của các kỹ sư Huawei đồng thời tuyên bố kiện Huawei, Huawei đã trình lên một bản báo cáo nói dối vụ đánh cắp này là hành vi cá nhân của một “công nhân lưu manh” trong nội bộ công ty T-Mobile, không liên quan đến Huawei.
Theo quy định của pháp luật Mỹ, nếu một thực thể công ty bị định tội đồng mưu và có ý đồ đánh cắp bí mật thương mại thì có thể bị phạt tiền với mức cao nhất tới 5 triệu USD/ngày hoặc bồi thường gấp 3 lần giá trị bí mật thương mại bị đánh cắp, hình phạt được chọn ở mức nào cao hơn; nếu bị định tội lừa đảo chuyển tiền qua mạng hay cản trở hoạt động tư pháp sẽ bị phạt tới 500 ngàn USD.
Tháng 9.2014, Công ty T-Mobile đã khởi kiện Huawei ra Tòa án Seatle về tội lấy cắp người máy Tappy của họ. Tháng 5.2017, bồi thẩm đoàn đã phán quyết Huawei vi phạm hợp đồng, phải trả cho T-Mobile 4,8 triệu USD.
Bà Mạnh Vãn Chu, Công ty Huawei, chi nhánh công ty Huawei tại Mỹ và Công ty Skycom Hongkong sẽ phải đối mặt với 23 tội danh bị cáo buộc
|
Các quan chức Mỹ: Huawei đã phạm tội từ hơn 10 năm nay
Quan chức các Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh nội địa Mỹ và FBI đều cho rằng các cáo buộc nói trên phải truy ngược lại từ hơn 10 năm trước. Cục trưởng FBI Christopher A. Wray nói: “Huawei và giới quản lý cao cấp của họ luôn từ chối tôn trọng pháp luật Mỹ...Huawei có mưu đồ đánh cắp các bí mật thương mại quý giá một cách có hệ thống”.
Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp Matthew G. Whitaker nói: “Hôm nay chúng ta tuyên bố khởi tố hình sự đối với Huawei và các đồng lõa. 4 bị can này bị cáo buộc phạm hơn 20 tội danh và dự định sẽ chính thức yêu cầu Canada dẫn độ Mạnh Vãn Chu trước ngày 30.1”. Ông nhấn mạnh: “Như tôi đã nói với các quan chức Trung Quốc khi thăm Bắc Kinh hồi tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm đối với việc công dân và công ty của mình tuân thủ luật pháp”.
Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen thì nói tại cuộc họp báo: “Huawei và Mạnh Vãn Chu đã vi phạm pháp luật Mỹ và tham dự vào kế hoạch lừa đảo tài chính gây tổn hại đến an ninh của Mỹ. Họ đã tiến hành các vụ giao dịch trị giá nhiều triệu USD, trực tiếp vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ; hành vi đó là không thể dung thứ”.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thì cho rằng: “Nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã vi phạm quy định chế tài xuất khẩu của chúng ta, thường xuyên lợi dụng hệ thống tài chính của Mỹ để xúc tiến các hoạt động phi pháp của họ; hành vi đó phải bị chấm dứt”. Ông nhấn mạnh: “Đối với những ai vi phạm pháp quy quản chế xuất khẩu của chúng ta, chính phủ Donald Trump cứng rắn hơn nhiều so với bất cứ chính quyền nào trước đây”.
Cục trưởng FBI Christopher A. Wray nhấn mạnh tại cuộc họp báo: “Huawei cố ý âm mưu đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của một công ty Mỹ, mưu đồ phá hoại thị trường tự do công bằng toàn cầu”. Ông nói, căn cứ cáo buộc của văn bản khởi tố, Huawei đã ngang nhiên coi thường luật pháp Mỹ và quy phạm hành vi thương mại toàn cầu, dựa vào đó để giành được ưu thế kinh tế không công bằng, tạo thành mối đe dọa kép đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích mạnh mẽ hành động khởi tố bà Mạnh Vãn Chu và Huawei của phía Mỹ
|
Trung Quốc phản ứng quyết liệt
Sáng 29.1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo về vụ việc này. Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của bộ này nói: Trung Quốc quan ngại cao độ về quyết định khởi tố của Mỹ; chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nước tạo điều kiện công bằng, minh bạch, không kỳ thị cho các công ty Trung Quốc hoạt động bình thường.
Ông nói, thời gian gần đây,Mỹ huy động sức mạnh quốc gia để bôi nhọ và trù dập công ty Trung Quốc, mưu đồ bóp chết hoạt động kinh doanh hợp pháp của họ, đằng sau có ý đồ và sự can thiệp chính trị rất mạnh. Về việc này, Trung Quốc mạnh mẽ yêu cầu Mỹ ngừng ngay sự trù dập vô lý đối với các công ty Trung Quốc trong đó có Huawei, đối xử với các công ty Trung Quốc một cách khách quan, công bằng.
Ông Cảnh Sảng tuyên bố, Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công ty mình.
Đối với vụ án Mạnh Vãn Chu, Cảnh Sảng nói, Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ lập trường nghiêm khắc. Hai nước Mỹ và Canada lạm dụng hiệp ước dẫn độ giữa hai bên, áp dụng biện pháp cưỡng chế vô lý với công dân Trung Quốc là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc. Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Mỹ lập tức bãi bỏ lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, không được đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức, tránh đi xa thêm trên con đường sai trái.
Ông cũng nhắc nhở Canada thận trọng xem xét lập trường nghiêm khắc của Trung Quốc, lập tức phóng thích và thiết thực đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà Mạnh Vãn Chu, chớ có nhảy vào lửa kiếm lợi cho Mỹ.
Đáng chú ý, việc khởi tố 4 bị can và yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới Mỹ diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán mậu dịch Lưu Hạc – Robert Lighthizer tại Washington. Điều này chắc chắn sẽ phủ bóng mây lên cuộc đàm phán vốn đã bị coi là rất trắc trở và khó có cơ hội thành công này.