MQ-9 Reaper bị tưới dầu rồi lao xuống biển: Nga, Mỹ tiếp tục bất đồng

VietTimes – Vào ngày 14/3 theo giờ địa phương, trên Biển Đen đã xảy ra sự kiện đối đầu máy bay quân sự Nga-Mỹ, phía Nga là 2 chiến đấu cơ Su-27, phía Mỹ là máy bay trinh sát không người lái MQ-9 Reaper…
Hãng CNN đưa tin về vụ việc "Nga hạ chiếc Reaper của Mỹ".

Kết quả của vụ việc là chiếc máy bay không người lái Mỹ bị rơi xuống Biển Đen ở phía tây Crimea. Sau khi vụ việc xảy ra, cả Nga và Mỹ đều kiên trì quan điểm của mình, phía Mỹ đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ và triệu tập đại sứ Nga tại Mỹ tới phản đối; người ta cho rằng vụ việc này sẽ giáng một đòn nặng nề vào quan hệ Nga-Mỹ vốn đã rạn nứt; thậm chí không loại trừ việc triệu hồi các đại sứ của nhau.

Được biết, vào thời điểm đó, chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ đã chủ động tắt bộ phát đáp đồng thời bay vào khu vực kiểm soát tạm thời của Nga. Khu vực này được Nga thiết lập khi họ triển khai “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, về lý thuyết tất cả các máy bay muốn bay vào khu vực này đều phải xin phép.

Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cơ quan kiểm soát không phận của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã ghi lại đường bay của chiếc máy bay không người lái Mỹ, bay từ Biển Đen đến biên giới Nga trên Bán đảo Crimea.

Sơ đồ đường bay và vị trí chiếc MQ-9 bị rơi (Ảnh: Redchinacn).

Vùng cấm không phận của Nga rõ ràng không phải lập ra để trang trí, máy bay quân sự Mỹ xông vào nên quân đội Nga đã cho hai chiếc Su-27 đến ngăn chặn và xua đuổi.

Tờ Defense News của Mỹ đưa tin Bộ chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu tuyên bố các máy bay chiến đấu Su-27 đã áp sát UAV MQ-9 và cản trở đường bay của nó. Sau đó, máy bay Su-27 đã nhiều lần xả dầu nhiên liệu lên chiếc MQ-9 khiến buồng lái và động cơ của chiếc máy bay không người lái này bị tưới đầy dầu và phát ra tiếng kêu “u u” không bình thường.

Từ thực tế có thể thấy sự thật đã sáng tỏ, không phải như một số cơ quan truyền thông phương Tây nói rằng máy bay quân sự Mỹ bị quân đội Nga bắn hạ. Rõ ràng, các phi công chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã dàn dựng một màn đánh chặn kiểu sách giáo khoa quân sự trước toàn thế giới, đồng thời cũng là một cuộc đối đầu không tiếp xúc hoàn hảo.

Máy bay quân sự của Mỹ bay áp sát bán đảo Crimea ở Biển Đen, rõ ràng là tới để do thám tình báo, tìm hiểu việc bố trí vũ khí, vật tư hậu cần của quân đội Nga, v.v.

UAV trinh sát-tấn công MQ-9 Reaper mang tải trọng tới 1.700kg và hoạt động liên tục hơn 24 giờ (Ảnh: QQ).

Đương nhiên, quân đội Nga không thể để Mỹ đạt được ý muốn, càng không thể trực tiếp nổ súng bắn hạ chiếc máy bay không người lái của Mỹ nên các phi công Su-27 đã bay phía trên đầu máy bay Mỹ và xả dầu nhiên liệu theo kiểu "tè vào đầu" để đạt được mục đích ngăn chặn.

Để nỗ lực khống chế các mảnh vỡ không rơi vào phạm vi hoạt động của hải quân Nga, quân đội Mỹ chỉ có thể “cắn răng chịu đau” điều khiển chiếc máy bay không người lái, hướng ra vùng biển quốc tế, rồi lao xuống nước.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Washington tới và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried đã tiến hành cuộc tham vấn với Antonov.

Mặc dù bị Mỹ phản đối nhưng thái độ của Nga vẫn rất kiên quyết. Họ không những không xin lỗi về vụ việc này mà đích thân Đại sứ Nga đã chủ động đưa ra yêu cầu Washington giải thích lý do tại sao lại triển khai máy bay không người lái trên biên giới Nga.

Ông Anatoly Antonov (giữa), Đại sứ Nga tại Mỹ (Ảnh: QQ).

“Nếu một máy bay không người lái của Nga bay rất gần lãnh hải New York hoặc San Francisco của Mỹ, Mỹ sẽ phản ứng thế nào?” Câu hỏi của đại sứ Nga mang vẻ rất cứng rắn.

Qua vụ việc này có thể thấy phong cách hành xử của quân đội Nga vẫn đơn giản và dứt khoát như trước nay. Trên thực tế, ngoài việc xả nhiên liệu, còn có nhiều phương pháp cản phá khác, chẳng hạn như bám đuôi gây nhiễu tốc độ cao hoặc nhiễu loạn đầu cánh, cho máy bay chiến đấu đối mặt với máy bay không người lái, phương pháp này rất hiệu quả.

Vào năm 2022, máy bay của Không quân Trung Quốc cũng đã ngăn chặn máy bay trinh sát P-8 của Australia. Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Australia và các cơ quan truyền thông đã đưa tin máy bay chiến đấu J-16 của Không quân Trung Quốc đã chặn máy bay trinh sát P-8 của Không quân Australia một cách “cực kỳ thiếu chuyên nghiệp”.

Trong vụ việc xảy ra năm 2022 trên Biển Đông, lá kim loại gây nhiễu do J-16 của PLA thả ra đã bị hút vào động cơ chiếc P-8 của Australia (Ảnh: QQ).

Được biết, chiếc J-16 Trung Quốc đã thả các lá kim loại gây nhiễu rất gần máy bay quân sự Australia và bị động cơ máy bay quân sự Australia hút vào, phía Australia cũng đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về vụ việc này.

Đối với Mỹ, trong trường hợp này, chính họ mới là người ở thế hạ phong. Bị mất một chiếc MQ-9 là chuyện nhỏ, nhưng quân đội Mỹ bị mất mặt là một sự kiện lớn.

Hơn nữa, Biển Đen là thế giới của Nga, bây giờ quân đội Nga đã tiến hành trục vớt các mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái MQ-9. Nếu thành công, sẽ có ích rất lớn với Nga trong việc cải thiện hệ thống phòng không…

Đây là vụ đối đầu đầu tiên được biết đến thuộc loại này giữa Mỹ và Nga kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một sự leo thang nguy hiểm tiềm tàng. Về vụ việc này, một số quan chức Mỹ cho rằng họ chưa thấy thông tin nào cho thấy đây là Nga cố tình quấy rối máy bay trinh sát của Mỹ hay NATO.

Ông John Kirby, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (Ảnh: Sohu).

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, trong những tuần gần đây máy bay không người lái của Nga đã thực hiện "các vụ đánh chặn" tương tự. Theo các quan chức quân sự, hầu như tất cả các vụ đánh chặn đều không xảy ra sự cố, nhưng sự việc lần này "đáng chú ý vì nó rất không an toàn và thiếu chuyên nghiệp". Ông nói thêm rằng Tổng thống Biden đã được thông báo về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết đã triệu tập đại sứ Nga tại Mỹ tới để nhận sự phản đối chính thức của Mỹ đối với việc làm rơi chiếc MQ-9, mà ông gọi là "vụ ngăn chặn không an toàn, thiếu chuyên nghiệp" và “ngang nhiên vi phạm luật quốc tế".

Tuy nhiên, ông Antonov nhấn mạnh với truyền thông rằng các phi công Nga thao tác "rất chuyên nghiệp" và không tiếp xúc trực tiếp với máy bay không người lái của Mỹ, cũng như không sử dụng vũ khí. Ông Antonov cũng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn các phóng viên: "Bạn có thể tưởng tượng phản ứng của truyền thông Mỹ và Lầu Năm Góc đối với máy bay không người lái Nga nếu nó đột nhiên xuất hiện ở biên giới Mỹ không? Đó là loại máy bay không người lái nào? Trước khi triệu tập tôi tới Bộ Ngoại giao, họ hãy nghĩ về điều này! Nó (chiếc máy bay không người lái bị rơi ở Biển Đen) là một loại máy bay đa năng, có khả năng tấn công với trọng tải lên tới 1700 kg, bất kể Bộ Quốc phòng của nước nào, khi gặp phải tình huống như thế, sẽ có phản ứng gì trước mối đe dọa nguy hiểm ở biên giới?".

Phía Mỹ cho rằng chiếc Su-27 của Nga đã va vào cánh quạt động cơ chiếc MQ-9 Reaper (Ảnh: Sina).

David Deptula, một tướng Không quân ba sao đã nghỉ hưu và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell của Không quân Mỹ, cho biết trừ khi máy bay không người lái MQ-9 có một cảm biến độc đáo trên đó, dù Nga có thể sửa chữa nó cũng sẽ không gây ra hậu quả quá lớn. "Những chiếc MQ-9 cũng đã bị thất lạc ở Yemen, Libya, Afghanistan và Syria và các bộ phận chắc hẳn đã được sử dụng hoặc chia sẻ", ông nói trong một email.

Mấy tháng nay, các quan chức cấp cao của Mỹ đã lo ngại một số sự cố hoặc trục trặc về thông tin ở Biển Đen có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn. Vào tháng 10/2022, Nga đã phóng một tên lửa gần một máy bay trinh sát của Anh đang bay trên Biển Đen.