Sáng ngày 1/3, đại diện của Huawei và chi nhánh của Huawei tại Mỹ đã xuất hiện tại tòa án liên bang ở thành phố Seattle để trả lời cho các cáo buộc vi phạm bí mật thương mại từ nhà mạng T-Mobile, bên cạnh các cáo buộc khác về gian lận và cản trở công lý.
Động thái này được công ty Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày trước khi Canada chính thức công bố thủ tục dẫn độ CFO Mạnh Vãn Châu. Hiện tại, Giám đốc tài chính của Huawei đang bị Mỹ buộc tội gian lận thương mại.
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Ricardo S. Martinez đã ấn định thời điểm xét xử toàn bộ 23 cáo buộc chống lại Huawei vào ngày 2/3/2020.
Cụ thể, trong bản cáo trạng đệ trình tại Brooklyn, các công tố viên Mỹ cho rằng bà Châu đã nói đối các ngân hàng để lừa họ xử lý giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Hai vụ việc kể trên đã làm gia tăng đáng kể sự chú ý nhằm vào Huawei, trong bối cảnh công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang được coi như biểu tượng cho sự trỗi dậy kinh tế Trump Quốc và thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Châu trong một buổi lễ giới thiệu sản phẩm của Huawei. Ảnh: TheGlobeNews
|
Quyết định khởi tố bà Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đã tạo nên căng thẳng chưa từng có trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, tranh chấp cũng khiến Canada rơi vào thế khó xử.
Tờ Fortune nhận đinh qua những tiền lệ trong quá khứ thì nhiều khả năng Canada sẽ tuân thủ yêu cầu từ Mỹ. Tuy nhiên, việc dẫn độ bà Châu về Mỹ sẽ làm sứt mẻ mối quan hệ với Trung Quốc.
Kể từ khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ ở Vancouver hồi tháng 12, Trung Quốc đã nhiều lần kiến nghị chính phủ Canada thả tự do. Đồng thời, Bắc Kinh cũng bắt giữ 2 công dân Canada vì lý do an ninh quốc gia, và kết án tử hình 1 người Canada khác vì buôn lậu ma túy.
Fortune tiết lộ phiên xét xử bà Mạnh Vãn Châu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 6/3. Quá trình hoàn tất thủ tục dẫn độ có thể kéo dài trong vài tháng hoặc nhiều năm. Mặc dù mất nhiều thời gian, nhưng cuối cùng bà Châu sẽ vẫn bị dẫn độ về Mỹ.
Trong vụ kiện trộm cắp bí mật thương mại, các công tố viên cũng cho biết từ tháng 1/2012 đến năm 2014, Huawei đã đánh cắp thông tin về robot Tappy từ trụ sở của T-Mobile ở Bellevue, Washington.
Nhà chức trách Mỹ cũng nói rằng họ đã phát hiện ra một số bức e-mail cho thấy Huawei trả tiền để nhân viên đánh cắp thông tin từ các công ty trên khắp thế giới. Nếu bị kết tội, Huawei sẽ phải bồi thường cho T-Mobile khoản tiền phạt 5 triệu USD, gấp 3 lần giá trị bí mật công nghệ trên robot Tappy.
Theo Fortune & AP