Tờ AJU Business Daily của Hàn Quốc cách đây ít ngày đưa tin rằng, Samsung Display đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất màn hình LCD từ Hàn Quốc sang Trung Quốc hoặc Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi Samsung Display tách LCD và OLED thành hai mảng công nghệ riêng rẽ. Do khâu lắp ráp màn hình LCD vẫn cần nhiều lao động phổ thông, Samsung Display đang tính tới khả năng chuyển các dây chuyền này ra nước ngoài để tiết kiệm chi phí.
Điều đó có nghĩa rằng, Trung Quốc và Việt Nam vẫn là hai phương án đang được cân nhắc. Song từ thực tế đầu tư thời gian qua của Samsung, nhiều khả năng, Samsung Display sẽ lựa chọn Việt Nam. Hơn thế, dựa trên tính toán của Samsung Display về việc “tiết kiệm chi phí”, thì Việt Nam đang có lợi thế hơn hẳn Trung Quốc.
Samsung Display hồi năm ngoái đã đầu tư dự án 1 tỷ USD ở Bắc Ninh để sản xuất các loại màn hình có độ phân giải cao, chuyên cung cấp cho các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Việt Nam và trên toàn cầu. Nhà máy này đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2015 và khả năng mở rộng là hoàn toàn có cơ sở.
Thêm nữa, với việc trong một văn bản gần đây, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã nhắc đến chuyện ủy quyền cho Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh đàm phán, ký kết thỏa thuận phát triển Dự án mở rộng của Samsung Display, thì việc Samsung Display chuyển hoạt động sản xuất về Việt Nam xem ra đã gần tới thời điểm có quyết định cuối cùng.
Nếu kế hoạch này thành hiện thực, thì sẽ có một khoản vốn đầu tư “khủng” nữa được Samsung Display đổ vào Việt Nam trong thời gian ngắn tới đây. Nói “ngắn” là bởi theo truyền thống, rất nhanh sau khi các thỏa thuận đầu tư được ký kết, Samsung sẽ dốc vốn để triển khai dự án của mình.
Trong khi đó, trong lịch làm việc dày đặc của tuần trước, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có hai cuộc làm việc liên quan đến kế hoạch triển khai Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội. Theo kế hoạch được ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư trước đây, tỉnh hy vọng sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có quy mô 22 tỷ USD này trong quý II/2015.
Chỉ cần một siêu dự án này được cấp chứng nhận đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam đã đảo chiều. Chưa kể, nhiều thông tin cho biết, khả năng trong năm nay, Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 cũng sẽ đi đến hồi kết. Nếu kế hoạch ký hợp đồng BOT được thực hiện vào đầu quý III/2015, thì có thể, năm nay, giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án cũng sẽ được cấp. Khi ấy, ít nhất có thêm khoảng 2 tỷ USD vốn FDI đăng ký.
Một động thái khác. Hồi tháng 3/2015, Tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đã đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án bất động sản ở khu vực Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD và kế hoạch khởi công vào dịp 2/9/2015, đây sẽ là một dự án FDI tỷ USD tiếp theo đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, số phận dự án trên ra sao còn tùy thuộc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ, đất ở khu vực dự án thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, nên UBND TP.HCM còn phải chờ ý kiến của Chính phủ và bộ này.
Thực tế, trong danh sách các dự án tỷ USD ngấp nghé Việt Nam còn có hàng loạt dự án khác, đặc biệt là các dự án BOT ngành điện. Nói vậy để thấy, chuyện vốn FDI 4 tháng đầu năm vào Việt Nam, bao gồm cả cấp mới và tăng thêm, chỉ đạt 3,722 tỷ USD, bằng 76,7% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ mang tính thời điểm.
Chính ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhiều lần khẳng định rằng, sự sụt giảm này chủ yếu là do thời gian qua chưa có các dự án FDI quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. “Hiện một số dự án quy mô lớn vẫn đang trong quá trình đàm phán”, ông Quang nói và cho biết, chỉ cần một trong số những dự án này được thông qua, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam đã có thể đảo chiều.
Trong khi đó, một tín hiệu lạc quan, là vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục xu hướng tích cực. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 4 tháng đầu năm, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014.
“Chỉ trong 4 tháng đầu năm, chỉ riêng phần giải ngân của hai dự án Formosa và Samsung để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã lên tới hơn 1 tỷ USD”, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Với việc ngày 19/5/2015, Dự án Samsung ở TP.HCM, vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, chính thức được khởi công xây dựng, thì dự báo, cùng với các dự án khác, vốn FDI giải ngân sẽ tiếp tục xu hướng tích cực trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, dù vốn đăng ký và giải ngân FDI vẫn tích cực, song theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là làm sao để các dự án FDI có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, chứ không phải chỉ là dự án khủng hay không.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân mới đây, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện này. Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế Việt Nam của các doanh nghiệp FDI chấm dứt?
“Khi FDI vào nhiều, với các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota, chủ thể phát triển của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc. Nhưng xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghiệp, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi?”, ông Thiên đặt câu hỏi.
Đây rõ ràng là câu hỏi cần được quan tâm trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang xem FDI là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo Đầu tư