Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam trong đó, cho thấy rõ những chỉ tiêu nợ, khả năng trả lãi vay, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ trong giai đoạn 2007-2013.
Theo đó, báo cáo chỉ rõ về chỉ số nợ của các doanh nghiệp, giai đoạn 2007-2013 chứng kiến việc các doanh nghiệp hoạt động dựa nhiều vào các khoản nợ (nợ nhà cung cấp, các khoản vay tài chính...), chỉ số này đã luôn lớn hơn giá trị kỳ vọng chuẩn.
Mặc dù chỉ số nợ của các doanh nghiệp đã giảm trong giai đoạn 2007-2013, từ 2,2 lần xuống còn 1,6 lần tuy nhiên sau đó đã tăng trở lại trong các năm sau và lên đến 2,3 lần năm 2011.
"Các doanh nghiệp nhà nước là nơi có chỉ số nợ cao nhất, mặc dù có xu hướng giảm từ 4,3 lần trong năm 2007 xuống còn 3,2 lần năm 2011", báo cáo cho biết.
Lý giải về điều này, theo báo cáo được VCCI đưa ra do doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều khoản nợ và vay ưu đãi hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
"Các doanh nghiệp ngoài nhà nước thường khó tiếp cận hơn với các nguồn vốn vay vì thế họ hoạt động dựa nhiều hơn vào nguồn vốn tự có của mình", báo cáo chỉ rõ.
Đáng chú ý, chỉ số nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã liên tục tăng trong giai đoạn 2007-2011, đặc biệt năm 2011 chỉ số nợ của các doanh nghiệp này đã tăng mạnh đạt 2,3 lần, sau đó đã giảm trong 2 năm 2012-2013 xuống còn 1,9 lần.
Trong khi đó, chỉ số nợ của doanh nghiệp nhà nước đã cải thiện đáng kể nhất là kể từ năm 2012-2013 từ 3,3 lần xuống 2,8 lần gần bằng các doanh nghiệp FDI.
Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam cũng cho biết về chỉ số khả năng trả lãi vay cho thấy, trong các khu vực doanh nghiệp chỉ số khả năng trả lãi vay của các doanh nghiệp FDI luôn cao nhất, đạt trên 16 lần năm 2013.
Trong khi, các doanh nghiệp nhà nước có chỉ số khả năng trả lãi vay thấp hơn, đạt 9,2 lần. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số khả năng trả lãi vay thấp nhất, chỉ đạt 5,3 lần năm 2013.
Về tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ cao nhất có thời điểm lên đến 51,2% năm 2008 hay 49,8% năm 2009.
Việc doanh nghiệp FDI thua lỗ khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự thật của việc thua lỗ khi mà các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Do đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát việc chuyển giá thông qua việc thanh tra các doanh nghiệp này. Đến năm 2010, tỷ lệ doanh nghiệp FDI thua lỗ đã giảm mạnh, chỉ còn 44,2% và 45% năm 2011, thấp nhất trong giai đoạn 2007-2013.
Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước lỗ luôn thấp nhất, luôn dưới 15% trong giai đoạn 2007-2010 sau đó cũng tăng lên trong 3 năm gần đây, lên mức 18,2% năm 2013.
"Các doanh nghiệp nhà nước với nhiều lợi thế và ưu đãi, chi phí bỏ ra ít hơn, chẳng hạn như chi phí liên quan đến mặt bằng sản xuất, kinh doanh nên hoạch toán có lãi nhiều hơn so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, đây là xét về số lượng doanh nghiệp còn giá trị thua lỗ các doanh nghiệp nhà nước nhất là các tập đoàn, Tổng công ty đã có những khoản thua lỗ rất lớn", báo cáo của VCCI nhấn mạnh.
Theo Bizlive