Tham khảo “hồi tỵ” để không còn “thưa đồng chí bố, các đồng chí con”

VietTimes-- “Ta vẫn nên tham khảo Luật Hồi tỵ, vì xã hội dù hiện đại đến đâu thì vẫn đang bị chi phối bởi quan hệ làng xã, gia đình. Theo đó, trước tiên, những người có cùng quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè,… không được cùng làm quan hay làm việc ở một địa phương, công sở”- GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ với VietTimes khi mà Hội nghị TƯ 7 (đang diễn ra) bàn đến công tác cán bộ.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, xã hội dù thời hiện đại vẫn nên tham khảo Luật Hồi tỵ
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, xã hội dù thời hiện đại vẫn nên tham khảo Luật Hồi tỵ

“Con ông cháu cha”

Thế giới cũng như ở Việt Nam, việc cha - con, những người trong dòng họ cùng đảm nhiệm vị trí cao trong chính quyền không phải là trường hợp cá biệt. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, “con ông cháu cha” trở thành cụm từ bị “dị ứng”, thậm chí việc bổ nhiệm một nhân sự là “con ông cháu cha” cũng có thể vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội. Thưa ông, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Trước một vấn đề đang bị xã hội phản ứng, ta nên nhìn nhận một cách toàn diện. Xã hội phản ứng hay dị ứng vì nó là điều khác thường, nhưng không phải điều khác thường nào cũng sai trái.

Liên quan đến chuyện mà ta hay dùng cách diễn đạt là “con ông cháu cha”, tôi nghĩ cũng cần phải nhìn nhận từ nhiều góc độ. Đối với việc những người có vị trí trong hệ thống quản lý nào đó, mà ta hay gọi là làm “nghề lãnh đạo, quản lý”, thì việc có được sự kế thừa, xét về mặt bình thường, là tốt. Tôi nói tốt là ở yếu tố “gia truyền”. Nhiều nước có hệ thống chính trị tương đối mạnh mẽ như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc,…, con em của các lãnh đạo tiếp tục nắm cương vị cao trong hệ thống chính trị là hiện tượng khá phổ biến.

Người ta cho rằng những vị “con em” này có rất nhiều lợi thế như yếu tố di truyền, kinh nghiệm của gia đình và đặc biệt là “thừa kế” được những quan hệ mà người làm chính trị đời đầu ấy không có. Đó là điều thuận lợi và cũng nên nhìn nhận là hiện tượng bình thường, thậm chí có thể nói là tốt.

Tuy nhiên, điều đó sẽ không bình thường khi nhân sự được cắt đặt chỉ nhờ vào vị trí, quyền lực của người thân mà không tính đến năng lực và phẩm chất, bởi nó sẽ rơi vào cái vòng xoáy mà thời quân chủ phong kiến gọi là “Tập ấm” (ý nói con cháu được phong quan chức của cha ông– PV), là chỉ việc có một chức vụ nhờ vào sự che chở, nâng đỡ.

Hơn thế, điều này làm suy thoái năng lực của đội ngũ lãnh đạo. Tuy có tính truyền thừa kế tục, nhưng không phải cứ là con lãnh đạo thì có sẵn tư chất của người lãnh đạo. Họ có thể phù hợp với ngành nghề khác và ta nên để cho họ làm ngành nghề phù hợp chứ dứt khoát không thể để họ ngồi vào ghế lãnh đạo theo kiểu kế tục.

Thứ nữa, việc bổ nhiệm con ông cháu cha hay đi kèm với việc đốt cháy giai đoạn. Việc bổ nhiệm có thể đúng quy trình, nhưng được thực hiện một cách giả tạo, hình thức để được cất nhắc, bổ nhiệm lên vị trí cao rất nhanh.

Thực tế, có những người trải qua quá trình rèn luyện cần thiết, được bổ nhiệm “thần tốc” khi thể hiện được năng lực, tố chất, nhưng đó là những trường hợp cực kỳ hiếm. Còn xã hội hiện nay, dư luận lên tiếng là bởi các trường hợp “tài năng xuất chúng” như thế nhiều quá, nhiều một cách không bình thường và người dân có cơ sở để nghi ngờ vì trước đó không thấy nhân sự được bổ nhiệm hay lãnh đạo kia có “dấu hiệu tài năng”, chưa có thành tích nào thể hiện bản thân một cách thuyết phục.

Để Chi bộ không còn cảnh “thưa các đồng chí bác, các đồng chí con”

Ở nhiều nơi còn có tình trạng người chủ trì công việc cấp ủy ở địa phương, khi họp thì “kính thưa đồng chí bố, các đồng chí bác, các đồng chí chú và các đồng chí con”. Có ý kiến cho rằng đó là sự suy thoái về chính trị, bạc nhược về đạo đức, phân liệt về hành động, là mầm họa đối với Đảng. Ông có bình luận gì về việc này?

- Nhìn sâu một chút về văn hóa chính trị Việt Nam chúng ta thấy, Việt Nam là một quốc gia cho đến nay, người dân vẫn chưa thoát ra khỏi một xã hội nông thôn với nền kinh tế nông nghiệp. Ở đó, quan hệ gia đình, làng xóm vẫn phủ lên các mối quan hệ cơ quan, công việc. Quan hệ gia đình phóng rọi lên tất cả các quan hệ trong xã hội. Người làm việc công có thể bị đẩy vào thế khó, vì nếu xử lý theo đúng quy định, có thể họ sẽ bị mất lòng anh em, họ hàng.

Để tránh sự khó xử đó, từ thời phong kiến đã có luật Hồi tỵ (nghĩa gốc là tránh đi hoặc né tránh - PV), không bổ nhiệm các quan nắm quyền ở quê hương. Việc này cũng đồng thời ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc cấu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền. Tôi rất mừng là Hội nghị Trung ương 7 cũng đưa chuyện này vào dự thảo.

Việc dựa vào quan hệ để cắt đặt công việc, bổ nhiệm cất nhắc thật ra rất nguy hiểm, bởi nó rất dễ tạo thành đường dây vi phạm pháp luật, quan hệ gia đình che lấp đi quy định chặt chẽ của Pháp luật.

Tham khảo “hồi tỵ” để không còn “thưa đồng chí bố, các đồng chí con” ảnh 1

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi rất mừng là Hội nghị Trung ương 7 cũng đưa chuyện này vào dự thảo.

Nên tham khảo Luật Hồi tỵ

Như chúng ta đều biết, tại Hội nghị TƯ 7 đang diễn ra, các Ủy viên TƯ đã bàn thảo đến việc người đứng đầu cấp ủy địa phương (Bí thư tỉnh, thành phố. quận, huyện) không nên là người địa phương, giống như Luật Hồi tỵ mà ông vừa phân tích. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?

- Dù là thời hiện đại, ta vẫn nên tham khảo Luật Hồi tỵ, vì dù xã hội hiện đại đến đâu nhưng vẫn đang bị chi phối bởi quan hệ làng xã, gia đình.

Theo đó, trước tiên, những người có cùng quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè…không được cùng làm quan hay làm việc ở một địa phương, công sở.

Thứ hai, từ thời phong kiến đã có khái niệm “bảo cử”, cùng với việc tiến cử, bảo cử là việc anh đứng ra bảo lãnh các trường hợp mà anh giới thiệu. Nếu người đó không có năng lực thậm chí phạm tội thì anh phải chịu trách nhiệm liên đới.

Điều này buộc người đứng ra giới thiệu phải cân nhắc, đắn đo và họ càng ngại khi xảy ra chuyện đút lót, chạy tiền nên sẽ càng hạn chế được chuyện giới thiệu bừa hoặc nhận đút lót để cất nhắc, cắt đặt nhân sự.

Ngoài ra nữa, có một thực tế hiện nay là các tiêu chuẩn để đề bạt đều chung chung, không cụ thể và khó đánh giá, chẳng hạn như các tiêu chuẩn về tài năng, về trung thành,… Có lẽ ta nên cụ thể hơn các tiêu chuẩn này. Ví dụ, anh muốn lên chức thì cần phải cho biết trong thời gian đang làm chức vụ cũ, anh lập được thành tích cụ thể gì. Tôi cho rằng, chúng ta cần quan tâm đến sản phẩm, kết quả cụ thể thôi chứ đừng quan trọng tỷ lệ hay số phiếu tín nhiệm. Số phiếu tín nhiệm chỉ thể hiện là anh giỏi quan hệ nên có nhiều người bỏ phiếu cho anh thôi chứ chưa thể hiện được tài năng.

Việc lựa chọn nhân sự qua số phiếu tín nhiệm rất dễ chọn nhầm người cơ hội, người theo quan điểm dân túy mà để lọt những người có năng lực thật sự.

Phải trói quyền lực trong cái giỏ pháp luật

Những vụ việc, những vụ đại án như Đinh La Thăng, Nguyễn Thanh Hóa hay nhiều cán bộ cấp cao đã vào vòng lao lý hoặc đang bị xử lý cho thấy nổi cộm vấn đề về công tác cán bộ. Ông có suy nghĩ gì về những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian vừa qua?

Những vụ việc xử lý cán bộ sai phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao diễn ra gần đây và sẽ còn tiếp tục, như Tổng bí thư nói là “không có vùng cấm” đã lấy lại được lòng tin của nhân dân. Nhưng tôi nói thật, dân cũng không muốn tiếp tục việc bắt người nọ, kết tội người kia đâu mà điều nhân dân muốn là chấm dứt nạn tham nhũng.

Điều căn cốt của việc cán bộ thoái hóa biến chất chính là sự tha hóa quyền lực. Không ai giám sát được khi người ta có quyền và điều đó tạo cơ hội để chuyển hóa từ quyền sang lợi.

Hạn chế việc này, nhất thiết cần phải “trói quyền lực trong cái giỏ pháp luật”, cần chế tài nghiêm khắc, cụ thể để giám sát. Trước kia, việc vi phạm có thể lộ liễu còn bây giờ tinh vi hơn, nhưng khi quyền lực vẫn còn đang nằm trong tay người đó mà không có sự giám sát, mà đặc biệt là không có sự giám sát của nhân dân thì rất khó hạn chế.

Tôi cho rằng, việc Ủy ban kiểm tra, Thanh tra các cấp tăng cường giám sát là việc rất tốt, nhưng hơn cả, phải là nhân dân giám sát và thực tế cho thấy, việc phát hiện vi phạm trước hết phải là từ nguồn tin nhân dân.

Cái gốc của câu chuyện chống nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng chính là việc giám sát quyền lực và minh bạch trong quy trình bổ nhiệm. Chúng ta phải minh bạch đến độ có chạy tiền, đút lót cũng không hiệu quả, chứ một khi đưa tiền, đút lót vẫn có hiệu quả thì vẫn chưa thể xử lý được.

Xin cảm ơn ông!

GS. TSKH, NGND Vũ Minh Giang

  • Năm sinh: 1951.
  • Quê quán: Hải Phòng.
  • Tốt nghiệp đại học tại Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1972.
  • Chuyên ngành đào tạo: Lịch sử Việt Nam cổ trung đại.
  • Nhận bằng Phó Tiến sỹ (Tiến sỹ) Lịch sử tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Liên Xô (nay là Đại học Quốc gia Matxcơva, Liên bang Nga) năm 1985.
  • Nhận bằng Tiến sỹ Lịch sử (Tiến sỹ Khoa học) tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Liên Xô (nay là Đại học Quốc gia Matxcơva, Liên bang Nga) năm 1986.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2001.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2017.
  • Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp (2007).