|
Các dự án về cơ sở hạ tầng và việc làm trong vũ trụ ảo metaverse đang dần trở thành hiện thực (Ảnh: CNBC) |
Một số các chuyên gia trên thế giới dự đoán rằng các thương hiệu lớn sẽ đồng loạt tham gia vào các dự án Web 3.0 trong năm 2020. Ông Lin Dai, Giám đốc điều hành nền tảng âm nhạc NFT OneOf nhận định: "2022 dự kiến sẽ là năm mà các tài sản kỹ thuật số được xây dựng trên blockchain (NFT) có thể sẽ tiếp tục mở rộng, không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật".
Thương hiệu thời trang cao cấp Balenciaga đã bắt tay với Fortnite để ra mắt những "skin" mang dấu ấn của nhãn hàng. Gucci, Louis Vuitton và Ralph Lauren cũng đã làm những điều tương tự khi đưa các mẫu trang phục của họ vào trong Roblox. Brian Trunzo, đứng đầu bộ phận metaverse tại Polygon Studios, nơi phát triển các dự án liên quan đến game, NFT và Web 3.0 trên mạng lưới Polygon và Ethereum, cho rằng cả những thương hiệu thời trang nhỏ cũng dần tham gia vào thị trường này.
Theo Avery Akkineni, Chủ tịch công ty tư vấn VaynerNFT, mục tiêu số một hiện tại của các nhãn hàng là tham gia vào cuộc chơi chứ không phải muốn giành chiến thắng. Cho đến nay, sự tương tác của thương hiệu với các dự án blockchain chủ yếu là xây dựng cộng đồng và duy trì độ nhận diện. Các sản phẩm NFT của Nike và Adidas chủ yếu mang lại danh tiếng hơn là doanh thu, nhưng chúng cũng góp phần giúp cho các dự án trong thế giới ảo trở nên phổ biến hơn.
Khi ngày càng có nhiều công ty tìm kiếm chỗ đứng trong thế giới ảo, đồng nghĩa với việc các công việc trong thế giới thực cũng sẽ tăng theo. Akkineni nhận thấy những công việc như lập trình viên cho Solidity, quản lý cho Discord ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Solidity là ngôn ngữ lập trình được dùng để viết hợp đồng thông minh trong hệ sinh thái Ethereum, còn Discord là mạng xã hội được nhiều game thủ và cộng đồng tiền mã hoá sử dụng.
Mô hình chơi game để kiểm tiền cũng đang rất phổ biến ở Philippines với game Axie Infinity. Theo thống kê, Axie Infinity có khoảng 1,8 triệu người chơi/ngày. Nhiều game thử kiếm được từ 1.000 - 2000 USD mỗi tháng nhờ chơi tựa game nói trên.
Game chính là phân khúc lớn nhất trong ngành giải trí khi có đến 3 tỷ người chơi. Sky Mavis, nhà phát triển Axie Infinity, là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kết hợp NFT với game. Những nhà phát triển lớn, như GameStop, cũng đang lên kế hoạch tham gia vào thị trường NFT trong tương lai tương lai gần.
Các thương hiệu cũng có khả năng khai thác lợi nhuận từ game. Akkineni chia sẻ: "Các nhãn hàng hoàn toàn có thể thương mại hóa trực tiếp ngay trong trò chơi. Những game thủ không quá đắn đo khi bỏ ra 20$, 50$ hay thậm chí là 100$ để sở hữu một bộ trang phục". Một ví dụ điển hình là việc chiếc túi Gucci’s Dionysus được bán trên Roblox có giá cao hơn cả giá bán lẻ của chiếc túi này ngoài thị trường.
Khi nhiều thương hiệu tận dụng NFT để xây dựng cộng đồng của họ trong thế giới ảo và khi có nhiều người dùng tham gia hơn, thì công nghệ hạ tầng cũng cần vững chắc hơn. Cuối năm 2021, Intel ước tính để triển khai Web3 và Metaverse, công suất máy tính hiện tại phải tăng lên gấp 1.000 lần. Số lượng người dùng trực tuyến trên một máy chủ sẽ tăng lên trong tương lai, đồng nghĩa với việc các phần cứng cũng sẽ cần được cải tiến. Đây là một cơ hội lớn cho các ông lớn về phần cứng máy tính như Intel và Nvidia.
NFT đang bước vào giai đoạn rất "hot", tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng thị trường NFT cũng có thể "nguội" đi bất cứ lúc nào. Akinneni cho biết nhu cầu của thị trường có thể sẽ giảm xuống với ít dự án mới hơn vào cuối năm 2022.
Theo CNBC