Thực tế, những năm qua, việc chính phủ các nước liên tục siết chặt quy định về khí thải đã buộc các nhà sản xuất ô tô phải đầu tư mạnh tay cho các công nghệ thân thiện môi trường, trong đó xe hybrid cắm-sạc và xe thuần điện là những giải pháp được hướng tới nhiều nhất. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Mazda luôn có xu hướng đi ngược lại trào lưu, khi khẳng định đặt cược vào tương lai của động cơ đốt trong.
Tới nay, Giám đốc điều hành Akira Marumoto của hãng xe có trụ sở tại Hiroshima (Nhật Bản) này đã phải thừa nhận việc phát triển xe điện hóa là điều không thể né tránh, dù vẫn khẳng định động cơ SkyActiv-X của Mazda chỉ sản sinh chưa tới 100g khí thải CO2 cho mỗi km di chuyển. Động cơ xăng này sử dụng cơ chế nén kích nổ mới (tương tự như nguyên tắc vận hành của động cơ dầu diesel) để tối ưu việc sử dụng nhiên liệu.
Theo ông Marumoto, Mazda dự định sẽ có chiếc xe điện đầu tiên trong lịch sử của mình vào năm 2020 và bán ra thị trường trong năm 2021. Dù chưa mang tên chính thức, chiếc xe này sẽ chia sẻ cùng nền tảng kiến trúc SkyActiv với Mazda3 hiện nay. Thực tế, động cơ SkyActiv-X của Mazda cũng đã có hệ thống hybrid lai nhẹ (mild-hybrid) 24V nhằm hỗ trợ tắt và khởi động lại động cơ hiệu quả hơn khi xe dừng chờ đèn đỏ.
Ngoài mẫu xe điện nói trên, Mazda cũng sẽ tung ra các biến thể xe hybrid cắm-sạc vào năm 2011 hoặc 2022. Tuy lãnh đạo của Mazda chưa tiết lộ gì về kích thước cũng như chủng loại của các mẫu xe này, nhưng cho biết sẽ liên tục nâng cấp ngôn ngữ thiết kế ngoại hình KODO và các động cơ SkyActiv-G (xăng) và SkyActiv-D (dầu) của mình từ nay cho tới lúc đó.
Mazda3 thế hệ mới nhất có hệ thống điện hỗ trợ cơ chế ngắt động cơ khi tạm dừng chờ đèn đỏ
|
Đáng chú ý, Mazda cũng sẽ phát triển hệ thống lai nhẹ mới sử dụng dòng điện 48V, cùng với việc giới thiệu ra thị trường thế hệ tiếp theo của chiếc bán tải BT-50 trong thời gian tới. Nếu mọi việc suôn sẻ, dòng sản phẩm kế thừa chiếc xe thể thao RX-8 với động cơ xoay hoàn toàn mới (SkyAtiv-R) cũng sẽ sớm lộ diện.
Trong khi đó, các mẫu gầm cao như CX-5 và sedan như Mazda6 được ông Marumoto cho là sẽ “tối ưu nhất khi trang bị động cơ dầu diesel và mô tơ điện”. Tuy vậy, trong bối cảnh những bê bối khí thải liên quan đến động cơ dầu, và sự quay lưng của người dùng Mỹ và châu Âu đối với lựa chọn này khiến nhận định nói trên đứng trước nhiều dấu hỏi lớn.
Theo Hà Nội mới