|
Máy bay Tejas hạ cánh trên tàu Vikrant (Ảnh: The Hindu). |
Cùng ngày, máy bay tiêm kích MiG-29K hoạt động trên tàu sân bay cũng đã hoàn thành lần hạ cánh đầu tiên xuống tàu sân bay INS Vikrant. Đây cũng là lần đầu tiên các máy bay cánh cố định cất và hạ cánh trên Vikrant kể từ khi tàu sân bay này đi vào hoạt động.
Vào tháng 1 năm 2020, mẫu thử nghiệm của Dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ (Light Combat Aircraft, LCA) Tejas phiên bản hải quân đã thực hiện thành công chuyến bay và hạ cánh xuống tàu sân bay INS Vikramaditya lớp Kiev mua của Nga thông qua cáp hãm.
Vào thời điểm đó, Hải quân Ấn Độ thông báo rằng máy bay dùng cho tàu sân bay Tejas đã hạ cánh thành công xuống tàu sân bay, mở đường cho Ấn Độ độc lập phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu hai động cơ hoạt động trên tàu sân bay trong tương lai. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ đã mô tả đây là một cột mốc quan trọng đối với máy bay chiến đấu Tejas, và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng bày tỏ chúc mừng.
|
Máy bay Tejas cất cánh từ tàu Vikrant (Ảnh: The Hindu). |
Và lần này việc loại máy bay Tejas phiên bản hải quân lần đầu tiên cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Vikrant do Ấn Độ tự sản xuất càng có ý nghĩa trọng đại hơn. Hải quân Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng đây là một cột mốc lịch sử trong kế hoạch "Ấn Độ tự lực cánh sinh" của Hải quân, cho thấy Ấn Độ có khả năng thiết kế, phát triển, chế tạo tàu sân bay bản địa và vận hành máy bay chiến đấu tự chế tạo trên tàu sân bay.
Có lẽ nhiều người hâm mộ quân sự trên thế giới vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về việc chế tạo thiết bị quân sự của Ấn Độ, thậm chí có người còn chế nhạo máy bay chiến đấu Tejas do Ấn Độ tự sản xuất và tàu sân bay nội địa Vikrant của họ, nhưng công bằng mà nói, xét từ góc độ toàn cầu, thành tích của Ấn Độ rất đáng nể, vượt mặt đại đa số các quốc gia trên thế giới.
|
The Hindu đánh giá máy bay Tejas hạ cánh trên tàu Vikrant là một cột mốc lớn lao. |
Với thử nghiệm thành công này, Ấn Độ cho thấy họ cũng đã đóng được tàu sân bay trong nước, chế tạo được máy bay chiến đấu riêng, sau đó có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay này; hiện nay chỉ có Trung Quốc, Mỹ và Pháp có thể thực hiện được ba thành tựu này. Chiếc tàu sân bay duy nhất hiện có của Nga được chế tạo từ thời Liên Xô trước đây, một mình Nga khó có thể duy trì hoạt động được; còn các máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay mà các quốc gia khác có tàu sân bay sử dụng đều không phải do họ tự chế tạo.
Do đó, Ấn Độ dù chưa đủ hoàn hảo so với mấy nước tốp trên nhưng so với tốp dưới là quá đủ; ít nhất họ cũng đã có tên trong danh sách các cường quốc quân sự, tốt hơn nhiều so với những nước không đủ tiêu chuẩn để có tên trong danh sách, việc đánh bại các đối thủ ở Nam Á không thành vấn đề.
|
Máy bay LCA Tejas (Ảnh: Wiki). |
Tuy nhiên, giới quan sát quân sự Trung Quốc lại cho rằng, gọi tàu sân bay Vikrant là “nội địa” do Ấn Độ tự phát triển và chế tạo có vẻ khiên cưỡng. Theo họ, thiết kế tàu sân bay Vikrant là của Pháp và Italy, hệ thống động cơ mua của Mỹ, hệ thống radar mua từ Israel, hệ thống chỉ huy hàng không mua của Nga. Nó là sự tập hợp kinh nghiệm đóng tàu sân bay của tất cả các nước, việc còn lại của người Ấn Độ là lắp ráp, tuy nhiên Ấn Độ vẫn khẳng định đây là “tàu sân bay nội địa” của họ.
Giới quan sát quân sự Trung Quốc cũng cho rằng, mặc dù máy bay Tejas đã hoàn thành lần cất cánh và hạ cánh đầu tiên trên một tàu sân bay "nội địa", nhưng dường như vẫn còn một chặng đường dài trước khi nó hình thành năng lực chiến đấu.
|
Tàu sân bay INS Vikrant (Ảnh: QQ). |
Theo họ, trước hết, trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay Tejas chỉ là 13,5 tấn, nếu không tính trọng lượng bản thân và khả năng chứa nhiên liệu, không gian còn lại cho thiết kế bay chỉ dưới 5 tấn. Đỗ bên cạnh chiếc Su-30MKI mua của Nga, Tejas chẳng khác nào chiếc "máy bay con". Thậm chí, có người nghi ngờ rằng Ấn Độ biết rõ trình độ công nghệ cáp hãm của họ đang ở đâu nên đã đặc biệt tìm một loại máy bay nhỏ và nhẹ để thử nghiệm, tạo nên thành tựu cất và hạ cánh của máy bay cánh cố định trên tàu sân bay nội địa đã, mọi chuyện khác tính sau.
Thứ hai, Tejas có hành trình bay 1.850 km, với hai thùng nhiên liệu phụ thì được 3.200 km, bán kính chiến đấu 500 km. Có vẻ bất công khi lấy một máy bay chiến đấu hiện đại ra so sánh với nó. Trang QQ Quân sự của Trung Quốc cho rằng, loại máy bay có thông số kỹ thuật tương tự có lẽ là loại máy bay Zero Type 21 trên tàu sân bay Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2 có tầm bay 2.222 km và tầm bay với thùng nhiên liệu phụ là 3.350 km. Nếu các số liệu trên đây là đúng thì Tejas có lẽ còn không thể so sánh được với loại Zero cách đây hơn 80 năm.
|
Chiếc LCA Tejas (dưới) đỗ bên cạnh chiếc Su-30MKI mua của Nga (Ảnh: QQ). |
Trang QQ Quân sự viết, cũng cần xem xét ngưỡng của cuộc thử nghiệm cất cánh và hạ cánh Tejas này. Trong quá trình thử nghiệm, Tejas không lắp vũ khí và lượng nhiên liệu mang không quá nhiều. Mặc dù vậy, nó vẫn sử dụng điểm cất cánh đường dài trên tàu sân bay, với khoảng cách chạy đà lên tới gần 200 mét, điều này thường dùng để cất cánh các máy bay chiến đấu hạng nặng, và quá dài đối với loại máy bay nhỏ không tải chỉ hơn 10 tấn. Thử so sánh, loại máy bay hạng nặng như J-15 của Trung Quốc có thể mang theo 2-4 tấn vũ khí khi cất cánh ở cự ly ngắn 105m.
Vì vậy, theo trang QQ, hiệu quả chiến đấu của Tejas có lẽ chỉ là một "vệ sĩ tàu sân bay" có còn hơn không. E rằng bản thân Hải quân Ấn Độ cũng không thật hứng thú với việc này, về cơ bản Tejas không thể là loại máy bay hoạt động trên tàu sân bay Vikrant dù cất cánh và hạ cánh thành công bao nhiêu lần. Trên thực tế, loại máy bay chính thức hoạt động trên tàu sân bay Vikrant vẫn đang được đấu thầu và khả năng cao là loại máy bay Rafale-M của Pháp hoạt động trên tàu sân bay sẽ được lựa chọn.