Cuộc đua tàu sân bay ở châu Á-TBD: Trung Quốc, Ấn Độ ráo riết

VietTimes -- Hiện nay, ở châu Á chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ đang sở hữu tàu sân bay cỡ lớn chở máy bay cánh cố định. Nhưng các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore có thể sẽ gia nhập hàng ngũ này.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Tờ The National Interest Mỹ gần đây cho rằng tàu sân bay là thứ vũ khí luôn được thông báo "tin buồn" nhưng vẫn từ chối "cái chết". 20 năm trước, trong thời kỳ cao trào của "cải cách quân sự", mọi người coi tàu sân bay là "khủng long" trên biển, cho rằng nó chắc chắn sẽ bị đào thải.

Trong các cuộc chiến tranh tương lai với đặc trưng là "thu nhỏ, tàng hình và tốc độ nhanh", tàu sân bay lượng giãn nước lên tới 80.000 tấn từng bị coi là quá lớn, quá cồng kềnh, vai trò của nó có thể bị thay thế bởi tên lửa và vũ khí dẫn đường chính xác.

Ngoài ra, tàu sân bay cũng bị coi là "nam châm của tên lửa hành trình", là bia đỡ đạn hiện đại trên chiến trường trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia đặc biệt là các nước châu Á đang phát hiện giá trị tiềm tàng của tàu sân bay. Hiện nay, trong các nước châu Á chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ đang vận hành những tàu sân bay cỡ lớn chở theo máy bay cánh cố định, nhưng có thể sẽ nhanh chóng có những quốc gia mới gia nhập hàng ngũ của họ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí còn có nước khác.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A của Trung Quốc đã tiến hành chạy thử. Tàu sân bay này có lượng giãn nước đầy khoảng 70.000 tấn, có thể chở tới 48 máy bay, tiến bộ rất lớn so với tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc.

Hiện nay Ấn Độ sở hữu một chiếc tàu sân bay có tên là INS Vikramaditya với lượng giãn nước 45.000 tấn, được cải tạo từ tàu sân bay Gorshkov của hải quân Nga.

Điều quan trọng hơn là, Ấn Độ cũng đã tự chế tạo tàu sân bay INS Vikrant, tàu sân bay này có thể đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự chế, hạ thủy ngày 26/4/2017. Ảnh: Dwnews.
Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự chế, hạ thủy ngày 26/4/2017. Ảnh: Dwnews.

Mặc dù tồn tại hạn chế, các nước châu Á đang sở hữu ngày càng nhiều tàu sân bay. Số lượng, khả năng của tàu sân bay và số lượng các nước sở hữu tàu sân bay đều đang tăng lên.

Trung Quốc và Ấn Độ đang có kế hoạch chế tạo nhiều tàu sân bay hơn. Ấn Độ hy vọng sở hữu ít nhất 3 tàu sân bay, còn Trung Quốc có thể chế tạo tới 6 tàu sân bay.

Trung Quốc đã tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay thứ hai Type 002 với lượng giãn nước lớn hơn, ít nhất là 80.000 tấn, có thể sử dụng đường băng thẳng và máy phóng, chẳng hạn hệ thống phóng điện từ tiên tiến. Ấn Độ cũng đang cân nhắc trang bị máy phóng cho tàu sân bay tương lai.

Một điều cũng quan trọng là ít nhất còn có 2 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác là Nhật Bản và Hàn Quốc đang cân nhắc gia nhập câu lạc bộ các nước châu Á sở hữu tàu sân bay.

Hai nước này hiện sở hữu tàu tấn công có sàn tàu cỡ lớn như tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản và tàu tấn công lớp Dokdo của Hàn Quốc. Những tàu chiến này hiện chỉ có thể sử dụng máy bay trực thăng, nhưng chúng có thể trở thành tàu sân bay cỡ nhỏ chở máy bay cánh cố định.

Trên thực tế, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang cân nhắc mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, một loại máy bay chiến đấu tấn công liên hợp có thể cất cánh cự ly ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Tàu chiến lớp Izumo của Nhật Bản và tàu chiến lớp Dokdo của Hàn Quốc đều có đường băng đủ dài để chở theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.

Các nước khác có thể sẽ nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ này. Australia đã mua sắm hai tàu tấn công đổ bộ lớp Canberra. Về cơ bản, tàu này đã mô phỏng tàu sân bay Juan Carlos I do Tây Ban Nha chế tạo.

Tàu sân bay INS Vikramaditya, hải quân Ấn Độ. Ảnh: NDTV.
Tàu sân bay INS Vikramaditya, hải quân Ấn Độ. Ảnh: NDTV.

Australia thậm chí đã bảo lưu thiết kế kiểu nhảy cầu của tàu Juan Carlos I, vì vậy những tàu chiến này có thể nhanh chóng cải tạo để chở máy bay cánh cố định.

Được biết, Singapore cũng đang cân nhắc mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, có thể triển khai trên tàu tấn công đổ bộ mới do Singapore đang chế tạo.

Như vậy, thời đại tàu sân bay sẽ còn tồn tại lâu dài và sẽ còn nhiều tàu sân bay mới ra đời. Cho dù một lượng nhỏ máy bay cánh cố định trên tàu sân bay cũng có thể phát huy vai trò mang tính quyết định trong chiến đấu, thậm chí có thể làm thay đổi thế cân bằng khu vực, nhất là ở các khu vực như eo biển Đài Loan và Biển Đông. Ngoài ra, tàu sân bay có vai trò mang tính tượng trưng và hiệu ứng tín hiệu không thể đánh giá thấp.

Cuối cùng, sở hữu số lượng nhất định tàu sân bay sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến cách thức vận hành của hải quân khu vực trong tương lai. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, hải quân Trung Quốc có khả năng sẽ tiến hành những cuộc điều chỉnh lại quan trọng xung quanh cụm chiến đấu tàu sân bay, lấy tàu sân bay làm trung tâm, các tàu ngầm, tàu khu trục và tàu hộ vệ sẽ làm nhiệm vụ hộ tống cho tàu sân bay.

Khi tham gia các hành động kéo dài, có chiều sâu và viễn chinh, cụm chiến đấu tàu sân bay là một trong những công cụ gây ấn tượng sâu sắc trong sức mạnh quân sự của một quốc gia.

Hải quân Trung Quốc lấy cụm chiến đấu tàu sân bay làm trung tâm, có thể trở thành người làm thay đổi quy tắc trò chơi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vì vậy, dự tính trong 10 năm tới, số lượng tàu sân bay và số lượng quốc gia sở hữu tàu sân bay sẽ còn tiếp tục gia tăng, chứ không phải giảm đi.

Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina