Lý do nhà mạng phải tắt sóng 2G, 3G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những chiếc điện thoại cũ sẽ mất chức năng nghe gọi do các nhà mạng đã ngừng hỗ trợ công nghệ cũ để giải phóng nguồn tài nguyên.

Những chiếc điện thoại cơ bản, thường được gọi là "cục gạch" sẽ sớm trở thành vô dụng. Đến khoảng năm 2022-2023, nhiều nước bắt đầu tắt sóng 2G, khiến các mẫu điện thoại cũ không thể kết nối mạng.

Lịch sử phát triển các thế hệ mạng điện thoại

Từ năm 1963, điện thoại bấm nút được trang bị tiêu chuẩn công nghệ đa tần số quét (DTMF). Đến nay, chúng vẫn kết nối tốt với điện thoại bàn hiện đại nhờ sở hữu công nghệ giống nhau.

Trước đây, điện thoại bàn cổ dùng tín hiệu xung quay số (pulse dial signalling). Tuy nhiên, tín hiệu này không hoạt động khi kết nối với các điện thoại bàn hiện đại; trừ khi người dùng chuyển đổi tín hiệu, hai thiết bị mới kết nối được với nhau.

Điện thoại nút bấm của những năm thập niên 60. Ảnh: Shutterstock.
Điện thoại nút bấm của những năm thập niên 60. Ảnh: Shutterstock.

Công nghệ mạng di động không giống vậy, những tiêu chuẩn cũ không còn được sử dụng. Thay vào đó, các công ty công nghệ thường xuyên ra mắt các tiêu chuẩn mới: mạng 5G được sử dụng lần đầu vào năm 2018, 4G ra đời vào năm 2009. Trước đó, 3G bắt đầu hoạt động năm 2001, 2G ra đời năm 1991 và thế hệ mạng 1G được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1981.

Chữ cái “G” là từ viết tắt của Generation (thế hệ). 5G là tiêu chuẩn mạng di động thế hệ thứ 5.

Các tiêu chuẩn mạng mới cập nhật thêm nhiều nâng cấp, đồng thời cải thiện các công nghệ cốt lõi. Tiêu chuẩn mới hơn thường cung cấp tín hiệu nhanh và mạnh hơn. Nhờ đó, từ tốc độ trình duyệt web chậm trên dòng iPhone đời đầu (hoặc BlackBerry) bắt đầu chạy nhanh hơn trên những chiếc smartphone hiện đại, có thể xem video với độ phân giải màn hình cao.

Để mạng di động trở nên phổ biến và được trang bị lên smartphone, các tiêu chuẩn mới thường mất một khoảng thời gian để được phổ cập. Ví dụ, mạng 5G bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm 2018, nhưng mãi đến năm 2020 chiếc iPhone đầu tiên mới được tích hợp 5G.

Mạng di động mới không hỗ trợ các tiêu chuẩn cũ

Các tiêu chuẩn thay đổi nhanh chóng không phải là nguyên nhân khiến các thiết bị di động cũ không thể kết nối với thế hệ mạng mới. Lý do là các nhà mạng muốn giải phóng nguồn tài nguyên cho các tiêu chuẩn mới.

Chiếc iPhone 4 có thể ngững hỗ trợ 3G vào năm 2022 hoặc 2023. Ảnh: Shutterstock.
Chiếc iPhone 4 có thể ngững hỗ trợ 3G vào năm 2022 hoặc 2023. Ảnh: Shutterstock.

Ví dụ, đầu năm 2021, các nhà mạng lớn ở Mỹ chỉ hỗ trợ mạng 5G, 4G và 3G, trong khi 2G và 1G không còn được hỗ trợ.

Chiếc iPhone thế hệ đầu tiên (iPhone 2G) không thể sử dụng 3G hay 4G, vì thiết bị chỉ hỗ trợ kết nối 2G. Về phía Android, chiếc điện thoại Android đầu tiên là HTC Dream/T-Mobile G1 đã được hỗ trợ mạng 3G.

Đến chiếc iPhone thế hệ thứ 2 (iPhone 3G) mới được hỗ trợ mạng di động 3G. Hiện nay, chiếc điện thoại này vẫn có thể kết nối 3G cho đến khi các nhà mạng ngừng hỗ trợ.

Tại sao nhà mạng ngừng hỗ trợ các tiêu chuẩn cũ?

Việc duy trì hỗ trợ các tiêu chuẩn mạng cũ là một sự đánh đổi. Đầu năm 2017, nhà mạng AT&T của Mỹ thông báo ngừng hỗ trợ mạng 2G. Việc loại bỏ dần mạng di động thế hệ 2 giúp giải phóng không gian phổ tần số vô tuyến cho các tiêu chuẩn mới, cụ thể là giúp mạng 4G chạy nhanh hơn.

Giống như WiFi, các kết nối di động chính là các sóng vô tuyến và các nhà cung cấp mạng chỉ có một phổ tần số vô tuyến nhất định để dùng cho mạng lưới của họ. Nếu họ sử dụng một băng tần trong phổ tần số để duy trì mạng 2G, họ sẽ không còn chỗ cho mạng 4G. Vì thế, nếu ngắt 2G, các nhà mạng có thể phân bổ lại băng tần cho các mạng lưới mới hơn, nhanh hơn với nhiều thiết bị đang sử dụng.

Các nhà mạng lớn ở Mỹ kế hoạch ngừng hoạt động mạng 3G trong năm 2022 hoặc 2023. Ảnh: Shutterstock.
Các nhà mạng lớn ở Mỹ kế hoạch ngừng hoạt động mạng 3G trong năm 2022 hoặc 2023.
Ảnh: Shutterstock.

Hơn nữa, người dùng nâng cấp thiết bị khá nhanh. Trong khi phần lớn mọi người sử dụng smartphone có hỗ trợ mạng mới nhất, một số nhỏ người dùng sử dụng các thiết bị cũ hơn. Vì thế, không có lý do gì để tiếp tục giữ lại thế hệ mạng di động cũ.

Theo các nhà mạng, chi phí nâng cấp hay tặng điện thoại miễn phí có hỗ trợ mạng 4G, 5G cho một số khách hàng chịu chi rẻ hơn việc duy trì các mạng lưới cũ (3G, 2G).

Tuy nhiên, chỉ những chiếc điện thoại cục gạch đời cũ không thể truy cập internet, các thiết bị feature phone mới ra mắt gần đây đều được hỗ trợ kết nối mạng hiện đại. Người dùng yêu thích feature phone vẫn có thể sắm những thiết bị mới ra mắt để sử dụng và kết nối 3G hoặc 4G.

Mạng 3G có thể “ra đi” vào năm 2022-2023

Kể từ đầu năm 2021, sẽ có một số đợt ngừng hoạt động mạng 3G quy mô lớn trong vài năm tới. Các nhà mạng của Mỹ cho biết họ sẽ ngừng kết nối 3G trong năm 2022 hoặc 2023. Lúc đó, chỉ các thiết bị hỗ trợ 4G hoặc 5G có thể kết nối mạng.

Nhà mạng Verizon thông báo sẽ ngừng hỗ trợ 3G vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, đầu năm 2021, công ty báo cáo mục tiêu dời đến năm 2023. Theo nhà mạng AT&T, công ty sẽ ngừng hoạt động 3G vào năm 2022. Trong khi đó, T-Mobile lên kế hoạch ngừng hỗ trợ 3G vào khoảng cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.

Khi những kế hoạch này được triển khai, các thiết bị iPhone 3G/3GS, iPhone 4/4S không thể kết nối mạng được nữa. Tuy nhiên, iPhone 5 vẫn có thể tiếp tục kết nối mạng, vì đây là chiếc iPhone đầu tiên hỗ trợ mạng 4G, ra mắt năm 2012.

Theo Zing