Công ty Đầu tư tổng hợp Hà Nội lãi 252 tỷ đồng trong 12 ngày
Thương vụ lãi 252 tỷ đồng nhờ lướt sóng cổ phiếu của Công ty đầu tư tổng hợp Hà Nội (HANIC) trong gần 2 tuần vừa được công bố đầu tháng 12 đã gây sốc trong giới tài chính. Theo đó, 2 giao dịch "khủng" bao gồm việc bán 6,5 triệu cổ phiếu của Công ty Sapa Hưng Yên và 3 triệu cổ phần của Công ty Tân Hoàng Cầu đã đem về cho HANIC doanh thu 383 tỷ đồng.
Trong đó, thương vụ mua vào cổ phiếu Sapa Hưng Yên đã mang lại cho công ty khoản lãi 175 tỷ đồng. Công ty mua vào lô cổ phiếu này ngày 11/11 với giá 98,5 tỷ đồng. Chỉ 6 ngày nắm giữ, với một đồng vốn bỏ ra, SHN đã thu lãi gấp 2,8 lần, tương ứng giá cổ phiếu mua vào 15.000 đồng bán ra 42.000 đồng.
Riêng thương vụ Tân Hoàng Cầu, ngày 1/11, HANIC thông báo chuyển nhượng và thu được 107 tỷ đồng, lãi 77 tỷ đồng chỉ sau 6 ngày mua vào lô cổ phiếu.
Trao đổi với VnExpress về khoản hời hàng trăm tỷ đồng trong vòng 2 tuần, Tổng giám đốc SHN - Đinh Hồng Long cho biết Công ty Sapa Hưng Yên dù mới thành lập 30/9 nhưng sở hữu nhiều tài sản: trụ sở nằm trên khu đất đắc địa trên quốc lộ 5, có 2 dự án bất động sản lớn ở phía Nam Hà Nội và phía Tây Hà Nội, một nhà máy chuyên sản xuất bao bì với công suất trên 40 triệu sản phẩm cho doanh thu 120 tỷ đồng,… Với Tân Hoàng Cầu-đây là công ty đang có nhiều dự án bất động sản cao cấp rất tiềm năng trong tương lai.
Ông Long khẳng định mọi giao dịch, mua bán đều tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Lướt sóng cổ phiếu CII, Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc lãi 70 tỷ đồng
Giữa tháng 7, Công ty Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc bất ngờ bán ra khoảng 22,8 triệu cổ phiếu CII của Công ty đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM, thu về 620 tỷ đồng. Trước đó, Tuấn Lộc đã gom lô cổ phiếu này trong 3 tuần với tổng giá trị khoảng 547 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã bỏ túi gần 73 tỷ đồng chỉ trong chưa đầy một tháng giao dịch.
Thương vụ này của Tuấn Lộc diễn ra trong bối cảnh ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty Hạ tầng kỹ thuật TP HCM mua vào 15 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 21 triệu cổ phần, tương ứng 10,76%. Điều này khiến nhà đầu tư nghĩ đến một cuộc chạy đua thâu tóm công ty. Vì vậy, cổ phiếu CII liên tục tăng giá và thanh khoản lớn. Đầu tháng 6 có thời điểm cổ phiếu CII dư mua tới 109 triệu đơn vị.
Ít lâu sau đó, ông Bình này cũng rao bán hết số cổ phiếu sở hữu khiến vị này phải đối diện với sự lên án, oán trách, phê phán từ cộng đồng nhà đầu tư, cổ đông, bạn bè, đồng nghiệp... Vị này đã phải viết tâm thư gửi cổ đông chia sẻ việc bán cổ phiếu là do có những nỗi đau riêng nhưng không thể công bố.
Công ty Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2005, với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, hệ thống cung cấp nước sạch,… Hiện công ty có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng do ông Nguyễn Tuấn Lộc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Khoảng 2 năm trở lại đây Tuấn Lộc đã nổi lên như một nhà thầu lớn ở phía Nam với hàng loạt dự án lớn: Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai, đường cao Tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…
"Công chúa mía đường" thu gần 28 tỷ đồng từ bán cổ phiếu SBT
Đầu tháng 12, bà Đặng Huỳnh Ức My, người nổi danh trong ngành mía đường, đã bán ra 5 triệu cổ phiếu SBT của Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh. Tổng giá trị giao dịch khoảng 93 tỷ đồng.
Theo thống kê, giá cổ phiếu SBT tăng khá mạnh trong năm nay do đó việc bán ra lượng lớn cổ phiếu này được cho là động thái chốt lời. Số cổ phiếu này được bà My mua vào hồi đầu năm 2014 với giá chỉ từ 12.000 đến 13.000 đồng mỗi đơn vị. Như vậy, số lãi mà nữ doanh nhân thu về khoảng gần 28 tỷ đồng.
Được thừa kế khối tài sản lớn từ mẹ là "Nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc, Đặng Huỳnh Ức My luôn góp mặt trong top những người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến 3/12, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán sau giao dịch của cô lên tới 307 tỷ đồng.
CEO Cảng Đoạn Xá hưởng chênh lệch gần 12 tỷ đồng trong 6 tháng
Ông Trần Việt Hùng - Tổng giám đốc công ty Cảng Đoạn Xá (Mã CK: DXP) đã bán 1,9 triệu cổ phiếu DXP cho công ty Tratimex P&L - nơi ông Hùng cũng giữ chức vụ Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Với giá bán 58.000 đồng mỗi đơn vị, tổng giá trị lô cổ phiếu đạt hơn 110 tỷ đồng.
Trước đó, ông Hùng từng mua lại lô cổ phần này từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với giá 51.800 đồng mỗi đơn vị. Như vậy, chênh lệch giá trị lô cổ phiếu sau gần 6 tháng nắm giữ mà vị lãnh đạo này thu được là khoảng 11,8 tỷ đồng.
Công ty Hàng hải Hà Nội đầu tư cổ phiếu HAH lãi 112 tỷ đồng
Giữa tháng 12, Công ty Hàng hải Hà Nội (Mã CK: MHC) bán ra hơn 3,2 triệu cổ phiếu HAH của Công ty Bốc vận tải và xếp dỡ Hải An (Mã CK: HAH). Tổng giá trị của giao dịch khoảng 147,5 tỷ đồng.
Công ty Hàng Hải là một trong những cổ đông tham gia góp vốn để thành lập Vận tải Hải An năm 2008 với tỷ lệ 55% vốn điều lệ, tương ứng khoảng 6,5 triệu cổ phần, giá gốc 11.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tổng giá trị vốn góp khoảng 71,6 tỷ đồng. Như vậy, sau khi thoái một nửa số cổ phiếu nắm giữ, Hàng hải Hà Nội đã "bỏ túi" gần 111,7 tỷ đồng.
Địa ốc Hoàng Quân thu về 180 tỷ đồng nhờ thoái vốn
Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) ngày 21/12 đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần góp vốn tại Công ty Đầu tư phát triển bất động sản Đông Dương với giá không thấp hơn 380 tỷ đồng, dự kiến thu về 180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Hiện HQC sở hữu 37.432.260 cổ phần Công ty Bất động sản Đông Dương, chiếm tỷ lệ 98,5% vốn điều lệ, tương đương khoảng 200 tỷ đồng.
Địa ốc Hoàng Quân đặt mục tiêu năm 2015 đạt mục tiêu 3.200 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm 2014. Như vậy khoản lợi nhuận trên sẽ góp phần giúp công ty hoàn thành kế hoạch trên.
Theo VnE