1,2 triệu cổ phiếu của Phó tổng giám đốc VIB đi đâu?

Câu hỏi đặt ra là 1,2 triệu cổ phiếu VIB của “sếp” Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã “trốn” đi đâu…
1,2 triệu cổ phiếu của Phó tổng giám đốc VIB đi đâu?

1,2 triệu cổ phiếu bỗng dưng “mất tích”

Về nguyên tắc, số liệu cuối kỳ của báo cáo tài chính hay báo cáo tình hình quản trị năm nay sẽ phải trùng khớp với số liệu đầu kỳ của báo cáo tài chính hay báo cáo tình hình quản trị năm liền sau. Cũng giống như việc 24h00 ngày 31/12/2014 phải là 0h00 ngày 01/01/2015.

Tuy nhiên, quan sát Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014 và Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2015 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lại thấy sự “lệch pha”. Cụ thể là về số liệu “số cổ phiếu sở hữu” của ông Trần Nhất Minh – thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc VIB.

Cuối năm 2014 (24h00 ngày 31/12/2014), Phó TGĐ Trần Nhất Minh đang sở hữu 1.534.029 cổ phiếu VIB nhưng...

Theo Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014, số cổ phiếu sở hữu cuối kỳ của ông Trần Nhất Minh là 1.534.029, tương đương với 0,36% vốn điều lệ VIB. Đồng nghĩa rằng, tại thời điểm đầu kỳ 2015 (0h00 ngày 01/01/2015), ông Minh đang sở hữu 1.534.029 cổ phiếu VIB.

Đầu năm 2015 (cũng chính là thời điểm cuối năm 2014), số lượng cổ phiếu VIB mà ông Minh sở hữu chỉ còn là 310.078 (?!)

Nhưng lạ kỳ ở chỗ, theo Báo cáo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2015, tại thời điểm đầu kỳ (0h00 ngày 01/01/2015), vị thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ này lại chỉ sở hữu có 310.075 cổ phiếu VIB, tương đương với 0,07% vốn điều lệ.

Câu hỏi đặt ra là 1.223.954 cổ phiếu VIB của ông Minh đã “trốn” đi đâu (?) Có hay không sự nhầm lẫn và thiếu trung thực của VIB trong việc xác lập và công bố hai báo cáo quản trị vừa nêu(?!).

Được biết, cả hai báo cáo đều được ký và đóng dấu xác nhận bởi Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ - em rể của Phó TGĐ Trần Nhất Minh.

Có một chi tiết thú vị là đến thời điểm hiện tại, dữ liệu về Báo cáo tình hình quản trị VIB năm 2014 cũng như 6 tháng đầu năm 2015 đã bất ngờ “lặn tăm” trên website của chính ngân hàng này, dù rằng theo luật, đó là những thông tin mà một công ty đại chúng bắt buộc phải công khai.

Thậm chí, bản lưu tại nhiều cổng thông tin, kênh dữ liệu phổ biến cũng “mất dạng” theo một cách vô tình hay hữu ý.

“Bật tường” cổ phiếu hay chiêu trò “lách luật”?

Luật các TCTD 2010 quy định, từ năm 2011, các cổ đông buộc phải giảm sở hữu về dưới 5% (với cá nhân), dưới 15% (với tổ chức). Đồng thời, đảm bảo tổng sở hữu của nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20%.

Tuy nhiên, suốt nhiều năm, quy định này vẫn bị các ông chủ nhà băng phớt lờ. VIB là một trường hợp điển hình, chí ít là đến tháng 2/2014.

Theo Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2013, tính đến cuối kỳ, riêng cá nhân Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đã nắm tới 9,19% vốn điều lệ VIB. Cùng với đó, vợ ông - bà Trần Thị Thảo Hiền – cũng nắm giữ 4,90% (đã giảm đáng kể so với mức 9,39% của cuối năm 2012) và anh trai – Đặng Khắc Dũng – nắm giữ 0,78%.

Cổ phiếu VIB của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đã "chạy" sang nhà vợ?

Mãi tới năm 2014, khi cơ quan quản lý “làm rát”, Đặng gia mới chịu bán bớt cổ phần. Trong đó, ông Vỹ giảm sở hữu về 4,99% và bà Hiền giảm về 0%, theo thông tin trong Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014.

Nhưng đáng nói ở chỗ, trái ngược với động thái tháo vốn của vợ chồng ông Vỹ thì “nhà ngoại” ông lại ra sức ôm vào.

Ông Trần Nhất Minh, thành viên HĐQT (anh vợ ông Vỹ) mua vào tổng cộng 1,53 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại VIB từ 0% lên 0,36%. Và, bố mẹ ông Minh (tức bố mẹ vợ ông Vỹ) đã mua tổng cộng 41,85 triệu cổ phiếu VIB, chiếm tỷ lệ 9,85%. Tổng cổ phần mà gia đình “bên ngoại” của ông Vỹ đã mua thêm chiếm tới 10,21% vốn ngân hàng.

Hiện tượng tương tự cũng diễn ra với gia đình ông Đỗ Xuân Hoàng, thành viên HĐQT VIB. Theo đó, song song với việc thoái 4.301.000 cổ phiếu của vị lãnh đạo này trong năm 2014 thì bố ông - cổ đông Đỗ Xuân Thụ - cũng thực hiện mua ròng đúng 4.301.000 cổ phiếu. Được biết, “động tác nhỏ” này đã giúp thành viên HĐQT Đỗ Xuân Hoàng “kéo” tỷ lệ sở hữu từ mức 6,00% (vi phạm) xuống chỉ còn 4,99% (hợp lệ).

Ngoài ra, vẫn còn một số giao dịch đáng chú ý khác như trường hợp mua vào 5.289.583 triệu cổ phiếu của bà Đặng Thị Thu Hà, vợ Phó Chủ tịch Đặng Văn Sơn. Hay gần đây nhất là trường hợp mua vào 6.800.000 cổ phiếu của bà Đinh Thị Thanh Ký, chị dâu ông Sơn.

Rõ ràng công chúng có lý do để nghi ngờ về tính thực chất trong hoạt động thoái vốn của các lãnh đạo VIB, nhất là sau những số liệu “lệch pha” đã được đề cập ở đầu bài viết.

Theo Ninh Giang - ANTT