Tập đoàn Vingroup
Những ông lớn trụ vững trong khủng hoảng bất động sản không thể thiếu tên Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Trong nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp này luôn thuộc top dẫn đầu thị trường.
Bất động sản hiện nay đang là mảng đem lại lợi nhuận kinh doanh lớn nhất cho Vingroup. Và đại diện tập đoàn này cho rằng, năm 2015 là thời điểm chín muồi để phát triển và hoàn thiện các dự án bất động sản, với doanh số bán hàng lên đến 40.000 - 60.000 tỷ đồng.
Các dự án của Tập đoàn Vingroup |
Trong 2-3 năm gần đây, tập đoàn này đã triển khai nhiều dự án BĐS mới như Vinhomes Central Park tại tp.HCM với tổng số diện tích xây dựng là 42ha và Vinhomes Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Hoàn thiện các dự án cũ đó là: Vinhomes Times City, Royal Cityvà Vinhomes Riverside.
Thêm vào đó là sự hoạt động của TTTM Vincom Hạ Long – Quảng Ninh, bệnh viện Vinmec Phú Quốc vừa được khởi công xây dựng. Các dự án khu đô thị tại Đan Phượng, hay Dream City tại Hưng Yên. Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vingroup đã khai trương quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Premium Nha Trang Bay…
Ngoài ra, Vingroup đang phát triển thương hiệu mới trong ngành thương mại điện tử với tên: “A Đây Rồi”, cùng với các thương hiệu bán lẻ như VinMart (siêu thị hàng tiêu dung hàng ngày), VinPro (bán lẻ điện máy), VinDS (chuỗi các siêu thị tổng hợp), VinFashion (thời trang), BFF (phân phối nghành hàng thời trang quốc tế)…
Tập đoàn Bitexco
Sau khi thành công với dự án nhà ở đầu tay thương hiệu The Manor tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bitexco đã chứng tỏ khả năng phát triển được những dự án tầm cỡ quốc tế như tòa tháp 68 tầng Bitexco Financial Tower và khách sạn 6 sao JW Marriott Hanoi.
Với những dự án này, Bitexco trở thành doanh nghiệp trong nước đầu tiên phát triển thành công dự án nhà chọc trời và khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam đủ tiêu chuẩn gắn thương hiệu quốc tế cao nhất là JW Marriott.
Tòa tháp của Bitexco |
Vào thời điểm năm 2010-2013, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, giá văn phòng cho thuê tụt dốc, kinh doanh khách sạn khó khăn, ngân hàng thắt chặt vốn vay bất động sản.
Những diễn biến tiêu cực này đều tác động đến tiến độ triển khai những dự án của Bitexco, trong đó có khách sạn JW Marriott Hanoi. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng đã vượt qua được khó khăn mà không phải cắt giảm đầu tư.
Tập đoàn Him Lam
Tên tuổi của vị doanh nhân Dương Công Minh đã gắn liền với lĩnh vực bất động sản mà Him Lam thực hiện. Đến nay, Him Lam đã đầu tư xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị quy mô hàng ngàn ha có giá trị lớn trên khắp cả nước, như Him Lam - Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam 6A, Him Lam Nam Khánh, Him Lam Đồng Diều, khu nhà ở Him Lam, Phổ Quang, Tân Bình, Him Lam Vạn Phúc…
Tập đoàn Him Lam |
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đang là một trong các lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty cổ phần Him Lam. Chiến lược phát triển kinh doanh bất động sản là chiến lược “xương sống”, “đầu tàu” trong mô hình chiến lược của Công ty Him Lam.
Đồng thời, bất động sản cũng đã và đang tạo lập cho công ty Him Lam những giá trị to lớn về lợi nhuận. Him Lam chủ yếu đầu tư và kinh doanh các khu đô thị mới, nhà và văn phòng cho thuê, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm thương mại…
Ngoài kinh doanh bất động sản, Tập đoàn Him Lam của ông Minh còn lấn sân sang mảng tài chính ngân hàng bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) vào năm 2008.
Geleximco của ông Vũ Văn Tiền
Cũng nằm trong số những đại gia sống sót sau cơn khủng hoảng bất động sản, ông Vũ Văn Tiền được nhiều người biết đến trong vai trò Chủ tịch ABBank, tuy nhiên, tập đoàn Geleximco mà ông Tiền là Chủ tịch còn có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực như công nghiệp và đặc biệt là bất động sản.
Từ những năm 2010, Geleximco có 20 công ty thành viên, hàng chục công ty liên doanh, liên kết hoạt động trên địa bàn cả nước. Tập đoàn này cũng là cổ đông chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn.
Geleximcocủa ông Vũ Văn Tiền |
Lĩnh vực bất động sản, hạ tầng là một thế mạnh của tập đoàn này, với nhiều dự án nhóm A, tiêu biểu có các khu đô thị Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai, Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; cùng nhiều khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao, các trung tâm thương mại…
Năm 2014 đánh dấu sự thành công của nhiều dự án do các đơn vị thuộc Geleximco đầu tư. Là một người khá kín tiếng với giới truyền thông, tuy nhiên những ảnh hưởng của ông Vũ Văn Tiền tới thị trường bất động sản thì không có gì là bí ẩn.
Ngoài ra, còn những tên tuổi không có tiềm lực quá lớn như những tập đoàn trên nhưng vẫn sống khỏe sau cơn khủng hoảng như Sông Hồng, Hòa Bình…
Theo Một thế giới