Nhân viên Viettel lắp thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội
Nhân viên Viettel lắp thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội

E-magazine Luật Tần số vô tuyến điện ra đời đã 10 năm, vì sao chưa nhà mạng nào được đấu giá băng tần 4G và 5G?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đang được đưa ra để các cơ quan chức năng góp ý. Dự kiến việc đấu giá băng tần 5G có thể đem về cho nhà nước từ 6000 đến 8000 tỉ đồng. 

Việc thử nghiệm 5G đã được 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone tiến hành tại Hà Nội và TP.HCM từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, để có thể thương mại hóa, phủ sóng 5G ở hầu hết các tỉnh thành thì các nhà mạng cần được sở hữu băng tần 5G.

Theo Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua vào 23/11/2009 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, thì việc các nhà mạng được sở hữu băng tần sẽ phải thông qua một trong ba cách: đấu giá, thi tuyển hoặc được cấp phép trực tiếp.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực đến nay, tức là đã trải qua hơn 10 năm, thì chưa có trường hợp đấu giá hoặc thi tuyển nào được thực hiện để nhà mạng có quyền sở hữu băng tần.

Trả lời trên tờ Kinh tế Sài Gòn online, ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, băng tần 2100 MHz mà các nhà mạng hiện nay đang sử dụng để cung cấp dịch vụ 3G đã được cấp từ năm 2008 thông qua thi tuyển. Từ đó đến nay, chưa có băng tần nào được cấp thêm cho các nhà mạng. Hiện nay các nhà mạng đang phải sử dụng băng tần 2G và 3G (1800 MHz và 2100 MHz) để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng. Do dùng chung hạ tầng công nghệ cũ nên chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ mạng 4G bị ảnh hưởng khá nhiều, nhất là ở các tỉnh, thành phố có mật độ thuê bao 4G lớn.

Sự cần thiết phải đấu giá băng tần 5G

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy hoạch tần số 2600 MHz cho dịch vụ 5G. Các nhà mạng đang rất mong mỏi được cấp tần số này để triển khai dịch vụ 5G. Việt Nam không chậm hơn các nước tiên tiến trên thế giới về triển khai thử nghiệm 5G, nhưng lại đang chậm hơn nhiều nước trên thế giới trong việc cung cấp chính thức dịch vụ 5G.

Nếu băng tần 5G được cung cấp cho các nhà mạng thông qua đấu giá thì dự kiến có thể đem về cho nhà nước từ 6000 tỉ đến 8000 tỉ đồng (khoảng 350 triệu USD).

Nhìn sang các nước ở khu vực châu Á, thông qua đấu giá băng tần 5G, chính phủ Hàn Quốc đã thu về 3,3 tỉ USD, trong khi Thái Lan nhận được 3,2 tỉ USD. Theo báo cáo của Advanced Info Service Plc, Thái Lan hiện đã triển khai 5G tại tất cả 77 tỉnh; từ các thành phố lớn như Bangkok đến những vùng đất xa xôi phía nam như Phra Pradaeng, phía bắc như Lak Si. Còn Hồng Kông thu về được 128 triệu USD trong cuộc đấu giá vào năm 2019. Giấy phép 5G mà các nhà mạng ở Hồng Kông nhận được có hiệu lực trong vòng 15 năm.

Tại Úc, trong năm 2021, hai nhà mạng Optus và Telstra đã đấu giá thành công thành công giấy phép khai thác băng tần 5G trị giá 2,092 tỉ USD.

5G tại Thái Lan
5G tại Thái Lan

Trong cuộc thảo luận mới đây tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã nhấn mạnh rằng băng tần vô tuyến điện là tài sản công nên bắt buộc phải đấu giá. Ông cũng khẳng định giá trị thương mại của băng tần cao nên đấu giá có thể tạo thêm nguồn ngân sách cho nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà mạng.

Khảo sát cho thấy, trước năm 2012, 24 nước châu Âu đã cấp 103 giấy phép sử dụng băng tần, trong đó 58 giấy phép thông qua đấu giá, 48 thông qua thi tuyển. Từ 2016 đến nay qua khảo sát 36 nước (25 nước châu Âu và 11 nước châu Á) thì có tới 33 nước trong số này cấp giấy phép qua đấu giá. Chỉ có duy nhất Trung Quốc cấp phép trực tiếp.

10 năm chưa một lần đấu giá, những vướng mắc về luật

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 18/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị các cơ quan liên quan lý giải việc 10 năm qua có vướng mắc gì mà chưa thể tổ chức đấu giá băng tần.

Trong phần ý kiến giải trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nói rằng sau khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời, đến nay hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi. Đã có một số bộ luật được ban hành sau này có những điều luật liên quan đến đấu giá như Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật Đầu tư (2020), cho nên việc áp dụng Luật nào cho đấu giá băng tần đã gây lúng túng. Đặc biệt, Luật Đấu giá tài sản có các phương pháp xác định giá không phù hợp với loại hình đặc thù của tần số vô tuyến điện.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng với việc chỉnh sửa một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện thì khi Luật sửa đổi có hiệu lực thì có thể tiến hành đấu giá băng tần.

Cũng đã có một số ý kiến cho rằng không nên tiến hành đấu giá băng tần vào thời điểm này vì có khả năng nhà mạng nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ sẽ trúng đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Những vấn đề cần điều chỉnh trong Dự án Luật sửa đổi

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã bổ sung thêm 2 điều, sửa đổi 15 điều, thay thế thuật ngữ, cụm từ tại một số điều để đảm bảo tính thống nhất của các điều luật.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia thì Dự luật sửa đổi này vẫn có những lỗ hổng chưa đáp ứng được các vấn đề đặt ra hiện nay trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng - Điều 16, khoản 2 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp “kèm theo các điều kiện cụ thể”. Luật sửa đổi (dự thảo) cũng không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là gì. Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 14.2 của Hiến pháp 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật. Do đó, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào trong Luật sửa đổi này.

Đối với vấn đề đấu giá băng tần, TS Đậu Anh Tuấn nói rằng các điều kiện cấp giấy phép qua đấu giá đã được đề cập tại các điều 19.2, điều 20.2 và điều 21.2. Các điều kiện này nhằm hạn chế các cá nhân, doanh nghiệp xin cấp phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí. Tuy nhiên, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển chứ dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá – vì khi đấu giá bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có quyền sử dụng tần số. Ông Tuấn cho rằng việc quy định thêm các điều kiện trên là không cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng Dự luật sửa đổi vẫn thiếu tiêu chí xác định tách bạch khi nào đấu giá, khi nào thi tuyển. “Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng quyết định đó dựa trên tiêu chí, cơ sở nào? Luật thể hiện không rõ ràng, không quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", ông Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng theo quy định thì trình tự đấu giá phải thực hiện theo Luật đấu giá tài sản, nhưng tần số vô tuyến điện có đặc thù riêng thì phải sửa luật chứ không thể dùng Luật đấu giá tài sản để điều chỉnh.

Ngoài ra, trong quy định về đấu giá băng tần cũng có nêu “Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ”. Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần phải làm rõ tiêu chí thế nào là “băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao”“có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (ảnh: quochoi.vn)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (ảnh: quochoi.vn)

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng nên bổ sung quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép nắm giữ. Chúng ta đều biết tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần thì càng có lợi thế. Nếu không có quy định giới hạn độ rộng băng tần thì sẽ xảy ra tình trạng tổ chức, doanh nghiệp thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng Dự luật bổ sung cần tính đến việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia đấu giá, thi tuyển thì phải có ràng buộc như thế nào để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh.

Theo lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì lượng tần số dùng kinh doanh chỉ chiếm 15% và trong tương lai sẽ không tăng. 85% lượng tần số phục vụ chuyên dùng nhưng thực tế mới chỉ dùng 4% cho quốc phòng an ninh, 81% còn lại vẫn chưa dùng tới. “Trong tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số sẽ dùng để phục vụ quốc phòng an ninh vô điều kiện”, Bộ trưởng cho biết.

Hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được công bố để các cơ quan chức năng và người dân đóng góp ý kiến. Dự kiến Dự án này sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào ngày 23/5 tới.

2 điều luật được bổ sung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Điều 18a “Cách thức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện”

Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo nguyên tắc cho phép người tham gia đấu giá được thay đổi số lượng khối băng tần hoặc vị trí khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá và được thực hiện theo quy định.

Cách thức đấu giá nhiều vòng, đồng thời tất cả các khối băng tần và cho phép người tham gia đấu giá được linh hoạt quyết định số lượng khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá.

Cuộc đấu giá gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá của người tham gia đấu giá và giai đoạn xác định vị trí cụ thể khối băng tần trúng đấu giá của người trúng đấu giá.

Tại mỗi vòng, người tham gia đấu giá có quyền trả giá cho bất kỳ khối băng tần nào. Để được tiếp tục trả giá ở các vòng sau, người tham gia đấu giá phải duy trì quyền trả giá của mình bằng cách trả tiếp cho khối đã trả nếu không phải là người trả giá cao nhất tại vòng trước đó hoặc chuyển sang trả giá cho khối băng tần khác.

Cuộc đấu giá kết thúc khi không có người nào trả giá hoặc không có người nào còn quyền trả giá. Người được xác định trúng đấu giá tại một khối băng tần là người trả giá cao nhất cho khối băng tần đó.”

Điều 22a “Cấp mới giấy phép sử dụng băng tần”

Khi giấy phép sử dụng băng tần lần đầu được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hết hạn sử dụng, tổ chức được xem xét cấp mới thông qua phương thức cấp giấy phép trực tiếp trong các trường hợp sau:

Khi quy hoạch băng tần tại thời điểm cấp mới không làm thay đổi phân bổ khối băng tần so với quy hoạch băng tần đã áp dụng để cấp phép cho các tổ chức trước đó.

Khi quy hoạch băng tần tại thời điểm cấp mới có thay đổi phân bổ khối băng tần so với quy hoạch băng tần đã áp dụng để cấp phép cho các tổ chức trước đó nhưng vẫn đảm bảo khả năng phân bổ cho các tổ chức đó.

Trước khi giấy phép sử dụng băng tần hết hạn ít nhất 3 năm, Bộ TT&TT thông báo về kế hoạch cấp phép, phương thức cấp phép đối với băng tần đã cấp.