Bối cảnh quốc tế
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, ý tưởng về thỏa thuận chiến lược giữa Iran với Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm Iran hồi tháng 1/2016 trong bối cảnh Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran và cũng là thị trường chủ chốt để Iran xuất khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để ký kết thỏa thuận này đã bị chậm lại kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2017 và tuyên bố về chủ trương triển khai chiến lược cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, đồng thời áp đặt các biện pháp cấm vận Iran sau khi Washington quyết định đưa Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) với Iran vào năm 2018.
Trong số các lệnh cấm vận của Mỹ, biện pháp cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ là nghiệt ngã nhất. Trong bối cảnh đó, Iran phải nỗ lực tìm kiếm những tuyến đường mới để xuất khẩu dầu mỏ nhằm tránh lộ trình quen thuộc đi qua ở eo biển Hormuz - nơi có thể bùng phát xung đột với Mỹ bất cứ lúc nào, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực và sẽ chặn đứng mọi hoạt động xuất khẩu dầu từ Trung Đông. Hiện nay Iran đang nỗ lực lắp đặt đường ống dẫn từ trạm cung cấp dầu Gure đến cảng Jask cho phép vận chuyển tới 1 triệu thùng mỗi ngày từ phía Đông Vịnh Ba Tư đến các cảng ở Vịnh Oman. Dự án này sẽ hoàn thành trong quý I năm 2021.
Trong hơn 2 năm qua, Mỹ vừa cấm vận Iran, vừa tiến hành cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc và tự đặt mình vào thế đối đầu với cả Bắc Kinh và Tehran. Do đó, Trung Quốc và Iran quyết tâm thúc đầy các cuộc đàm phán để ký kết thỏa thuận chiến lược.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của nguyên thủ các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-7) ở Biarritz (Pháp) năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc và Iran tham dự theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Tại Hội nghị này, Tổng thống nước chủ nhà thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump nối lại các cuộc đàm phán với Iran về một thỏa thuận hạt nhân mới. Bên lề Hội nghị G-7, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bàn về các cuộc đàm phán để ký kết thỏa thuận chiến lược.
Ngay sau Hội nghị này, ông Javad Zarif đến thăm Trung Quốc, đồng thời Iran tiếp tục đàm phán với Pháp về khả năng cứu vớt Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran. Trong các cuộc đàm phán này, Pháp đề xuất một gói viện trợ cho Iran trị giá 17 tỉ USD để đổi lấy việc Iran hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng đã bị Teheran từ chối.
Như vậy, các cuộc đàm phán giữa Iran và Trung Quốc để ký kết thỏa thuận chiến lược chỉ là một trong những nội dung của lộ trình hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã được ký kết vào năm 2016 trong chuyến thăm Tehran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, Trung Quốc “là quốc gia quan trọng nhất đối với Iran” dựa trên cơ sở thực tế Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, chiếm 31% trong xuất khẩu và 37% nhập khẩu của quốc gia này.
Nội dung cơ bản của thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc
Thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc còn được biết đến với tên gọi khác là “Kế hoạch 25 năm đối tác chiến lược Iran-Trung Quốc”.
Theo Thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 280 tỉ USD vào các dự án xây dựng các nhà máy chế biến dầu khí và hóa dầu của Iran. Phần lớn khoản đầu tư này sẽ được chuyển tới Iran trong 5 năm đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước từ năm 2016. Sau đó, theo mỗi đợt 5 năm, Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp cho Iran khoản đầu tư có giá trị tương tự vào lĩnh vực năng lượng của Iran. Đổi lại, Trung Quốc được mua dầu mỏ của Iran với mức giảm giá 12%. Mức giảm giá này có thể lên tới 20% trong trường hợp gặp rủi ro.
Ngoài ra, Trung Quốc được quyền chậm thanh toán tới 2 năm đối với các hợp đồng ký với Iran, thậm chí có thể thanh toán các hợp đồng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Iran bằng các ngoại tệ yếu mà Trung Quốc thu được từ hoạt động kinh doanh-thương mại với các quốc gia châu Phi và trong không gian hậu Xô Viết.
Trung Quốc được quyền sử dụng lao động giá rẻ có sẵn ở Iran để xây dựng các nhà máy và xí nghiệp do Bắc Kinh tài trợ, thiết kế và kiểm soát. Các sản phẩm được sản xuất ra từ các xí nghiệp đó sẽ được xuất khẩu tới các thị trường phương Tây thông qua các liên kết mới do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Trung Quốc được quyền khai thác bất kỳ mỏ dầu và khí đốt nào của Iran; được quyền ưu tiên xây dựng và phát triển tất cả các dự án mới của Iran trong lĩnh vực năng lượng và hóa dầu trước khi chính quyền Tehran gửi lời mời đấu thầu tới các công ty phương Tây.
Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng tuyến giao thông bằng tàu cao tốc Tehran-Kom-Isfahan; đầu tư cho dự án điện khí hóa tuyến đường sắt dài 900 km giữa Tehran và Mashhad; mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới giao thông về phía Tây Bắc đi qua thành phố Tabriz - một trong những trung tâm công nghiệp dầu khí và hóa dầu quan trọng của Iran và cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Tabriz tới Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ là điểm tựa của tuyến đường thuộc dự án “Vành đai và Con đường” dài 2.300 km nối liền Urumqi (thủ phủ của tỉnh Tân Cương của Trung Quốc) với thủ đô Tehran của Iran, kết nối các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan với Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Hợp tác giữa Iran và Trung Quốc không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở và năng lượng. Trong lĩnh vực y tế và du lịch, Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng một bệnh viện lớn ở Mashhad-thành phố lớn thứ hai của Iran với dân số hơn 3 triệu người. Tháng 8/2019, Iran từng tuyên bố về kế hoạch thu hút nhiều triệu khách du lịch, trước hết là khách du lịch từ Trung Quốc. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong năm 2018 có 150 triệu khách du lịch Trung Quốc đi ra nước ngoài chi tiêu 277 tỉ USD. Trong năm 2000, con số này chỉ mới dừng lại ở mức 10 triệu USD.
Ngoài nội dung hợp tác kinh tế, Thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc còn có nội dung hợp tác quân sự.
Theo đó, từ ngày 9/11/ 2020, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích và máy bay vận tải của Không quân Trung Quốc và Nga bắt đầu có quyền tiếp cận không giới hạn tới các căn cứ không quân của Iran. Trong đó có các phi đội máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Trung Quốc với tầm hoạt động 6.800 km và các phi đội máy bay chiến đầu tầm trung Su-34, Sukhoi-57. Ba nước Iran, Trung Quốc và Nga còn hợp tác trong lĩnh vực chiến tranh điện tử như chế áp điện tử, báo động sớm, gây nhiễu nhằm vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy-kiểm soát-truyền thông-máy tính-tình báo-quan sát (C4ISR) của NATO. Ngoài ra, Iran sẽ triển khai các hệ thống S-400 mua của Nga để đối phó với nguy cơ bị Mỹ và Israel tiến công. Thỏa thuận chiến lược này còn cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iran, trước hết ở khu vực Vịnh Ba Tư để bảo vệ lợi ích của họ ở quốc gia này. Đây là một trong những căn cứ quân sự đầu tiên và lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài.
Thỏa thuận chiến lược Iran-Trung Quốc là một trong những kế hoạch có tầm nhìn xuyên thế kỷ của Bắc Kinh để hiện thực hóa Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Với Thỏa thuận này, Iran sẽ không còn bị phụ thuộc kinh tế vào phương Tây và do đó sẽ sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến tranh địa chính trị và địa kinh tế lâu dài với Mỹ. Ngoài ra, Iran sẽ được bảo đảm về an ninh khi hợp tác quân sự với cả Trung Quốc và Nga.
Với Trung Quốc, Iran trở thành một mắt xích chiến lược quan trọng trong dự án địa kinh tế và địa chính trị để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”. Ngoài thỏa thuận chiến lược với Trung Quốc, Iran còn có dựa án hợp tác chiến lược với Nga. Khi đó, tam giác chiến lược Nga-Trung Quốc-Iran sẽ tạo ra cục diện hoàn toàn mới nhằm ngăn chặn mọi mầm mống có thể bùng phát xung đột và chiến tranh xuất phát từ Mỹ và Israel và chôn vùi mọi toan tính chiến lược của Mỹ ở Tây Á./.