Leo thang cuộc chiến bán dẫn, Mỹ nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc trở thành cường quốc chip

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –   Mỹ đang áp đặt những biện pháp kiểm soát nhằm vào các mặt hàng được sử dụng để phát triển ngành sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến, các hạn chế sâu rộng làm tê liệt ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến bán dẫn với Trung Quốc. Ảnh ech Wire Asia.
Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến bán dẫn với Trung Quốc. Ảnh ech Wire Asia.

Cho đến thời điểm này, vô số những lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Trung Quốc đang tiếp tục là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia này tăng tốc.

Tình huống đặc biệt bắt đầu thúc đẩy sự khao khát các linh kiện sản xuất trong nước do các nhà cung cấp phần mềm thiết kế, bộ vi xử lý và thiết bị có trụ sở tại Trung Quốc. Điều này trở thành có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với khả năng sản xuất chip mở rộng, mang lại doanh thu gấp nhiều lần so với các nhà sản xuất hàng đầu toàn cầu Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. TSMC hoặc ASML Holding NV.

Con đường tự cung tự cấp của ngành công nghiệp chip Trung Quốc được mở ra với vô số lệnh trừng phạt và những nghi ngờ. Sự vươn lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc bị các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ đặt ra nhiều nghi vấn và lo lắng. Nhằm bảo vệ lợi ích và quyền lực thống trị trong lĩnh vực công nghệ điện tử, điện toán và truyền thông, Mỹ không ngừng sử dụng mọi biện pháp làm tê liệt khả năng tiếp cận những công nghệ quan trọng của Bắc Kinh.

Chiến lược chế áp Trung Quốc bắt đầu là một cuộc đàn áp của chính quyền Donald Trump đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei, chuyển hóa thành một cuộc chiến công nghệ trên mọi lĩnh vực. Chính quyền tổng thống Joe Biden đang nhắm đến mục tiêu phấn đấu tự cung tự cấp của Trung Quốc và không giới hạn trong một số công ty sản xuất chất bán dẫn. Tuần trước, Mỹ ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, gây khó khăn nghiêm trọng trong nỗ lực của bất kỳ công ty Trung Quốc nào hướng đến sự phát triển các công nghệ tiên tiến, từ việc sản xuất chất bán dẫn, siêu máy tính đến các hệ thống trung tâm lưu trữ dữ liệu, các siêu máy tính, được cho là để phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến.

Phương pháp kiểm soát sâu trên quy mô rộng được coi là một cách tiếp cận khả thi nhằm ngăn chặn và hạn chế “cường quốc vũ khí” Trung Quốc, nhưng về cơ bản chính quyền ông Joe Biden đang tấn công mạnh mẽ vào nỗ lực phát triển của quốc gia này trong việc xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa. Những biện pháp triển khai nhằm ngăn chặn triệt để khả năng Trung Quốc có thể sở hữu công nghệ, trang thiết bị hiện đại, phát triển năng lực công nghệ mà Washington coi là mối đe dọa quyền lực của Mỹ.

Theo Reuters , các quy định, một số có hiệu lực ngay lập tức, được xây dựng dựa trên cơ sở các hạn chế được gửi trong thư đầu năm nay cho các nhà sản xuất công cụ hàng đầu KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc. Những hạn chế này yêu cầu các nhà sản xuất không cung cấp trang thiết bị cho các nhà máy Trung Quốc, đang sản xuất chip logic tiên tiến.

Đồng thời, các công ty cũng không được phép cung cấp chip điện toán tiên tiến, thiết bị sản xuất chip và những sản phẩm công nghệ cao khác cho Trung Quốc, trừ khi những doanh nghiệp này nhận được giấy phép đặc biệt. Một quan chức chính quyền cấp cao trong cuộc họp báo ngày 6/10 cho biết, hầu hết những đề nghị xin cấp giấy phép đó sẽ bị từ chối, mặc dù một số lô hàng nhất định được đưa đến các cơ sở do các công ty Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh vận hành, giấy phép sẽ được đánh giá theo từng trường hợp.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa ra hàng loạt hạn chế đối với việc cung cấp máy móc hoặc công nghệ Mỹ, có khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Những hạn chế này nhắm vào các loại bộ nhớ và chip logic là trung tâm của những thiết kế hiện đại. Cụ thể, những quy định của Bộ Thương mại Mỹ ngăn chặn Trung Quốc sản xuất chip logic sử dụng cái gọi là linh kiện bán dẫn không phẳng hay linh kiện bán dẫn 3D, sử dụng công nghệ 16 nanomet hoặc cao cấp hơn, chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động 18 nanomet và chip nhớ flash kiểu NAND với 128 lớp trở lên.

Theo quy định này, số nanomet càng nhỏ, chip càng có nhiều khả năng. Bộ thương mại Mỹ đưa nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc YMTC và 30 cơ sở công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại được gọi là "chưa được xác minh". 28 công ty khác được thêm vào “danh sách thực thể”, bao gồm một số chi nhánh cấp tỉnh của Trung tâm Máy tính Quốc gia Trung Quốc, Học viện Công nghệ Bắc Kinh và Phát triển Công nghệ SenseTime Bắc Kinh, một công ty con của một doanh nghiệp AI lớn ở Trung Quốc. Các công ty này hiện nằm trong danh sách hạn chế và trừng phạt của chính phủ Mỹ, khi cung cấp trang thiết bị công nghệ phải được chính phủ Mỹ cấp phép.

Những quy tắc mới đồng thời cũng sẽ chặn các lô hàng nhiều loại chip, được sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính của Trung Quốc . Mỹ định nghĩa siêu máy tính là bất kỳ hệ thống nào có sức mạnh tính toán hơn 100 petaflop trên diện tích sàn 595m2, một định nghĩa mà hai nguồn tin trong ngành cho biết, sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến một số trung tâm dữ liệu thương mại tại các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.

Những hạn chế sâu rộng trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn cho thấy quyền lực thống trị công nghệ của Mỹ, có thể đưa vào danh sách đen bất kỳ công ty nào ở Trung Quốc chỉ bằng quyết định của Nhà Trắng.

Những hạn chế này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc và mục tiêu bán dẫn của nước này?

Các phương tiện truyền thông và quan chức nhà nước Trung Quốc mạnh mẽ lên tiếng phản đối động thái này, cảnh báo về những hậu quả kinh tế và khuấy động đồn đoán về khả năng trả đũa.Tùy thuộc vào mức độ Washington thực thi những hạn chế, tác động tiêu cực có thể mở rộng ra ngoài lĩnh vực chất bán dẫn, lan sang các ngành công nghiệp, hoạt động trên cơ sở máy tính cao cấp, từ xe điện và hàng không vũ trụ đến các thiết bị đơn giản như điện thoại thông minh.

Theo bản tin của Bloomberg , Mỹ và Trung Quốc hiện đang chính thức trong một cuộc “chiến tranh kinh tế”, Dylan Patel, nhà phân tích trưởng của công ty nghiên cứu và tư vấn về chất bán dẫn SemiAnalysis cho biết: “Đây là động thái chống lại nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng năng lực công nghệ trong nước”, ông ước tính những hạn chế mới có thể thương mại công nghiệp và công nghệ toàn cầu giảm hàng trăm tỷ đô la. Một nhà phân tích Trung Quốc khác cho rằng “không còn khả năng hòa giải” nữa.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning tuyên bố, các biện pháp hạn chế, dự kiến ​​có hiệu lực trong tháng 10/2022 là không công bằng và "cũng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của các công ty Mỹ." Bà nói: “Những hạn chế giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như sự phục hồi kinh tế thế giới.”

Nhà phân tích David Wong của Nomura Holdings Inc cũng coi các hạn chế là một “bước lùi lớn trong quan hệ đối với Trung Quốc” và “tin xấu” đối với chất bán dẫn toàn cầu. Ông viết trong một tweet trên tài khoản Twitter rằng, các nỗ lực nội địa hóa của Trung Quốc đối mặt với “rủi ro vì quốc gia này không thể sử dụng các xưởng đúc tiên tiến ở Đài Loan và Hàn Quốc”.

Một quan điểm khác đối với kịch bản trừng phạt mới này là, căng thẳng Trung-Mỹ ngày càng gia tăng sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ các công ty trong nước trong nỗ lực đạt được mục tiêu trở thành một cường quốc chip độc lập. Thực tế này sẽ diễn ra trong tương lai và Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt mới nhằm kiềm chế Trung Quốc đạt được mục tiêu này càng lâu càng tốt.

Theo Tech Wire Asia