|
Ảnh: Business Insider |
Theo Business Insider, chỉ vài năm sau khi bước vào thị trường Mỹ, TikTok đã trở thành nạn nhân của cuộc xung đột thương mại giữa hai cường quốc kinh tế. Mạng xã hội này thường xuyên bị chỉ trích bởi các chính trị gia Mỹ khi đề cập đến Trung Quốc.
Ngày 15/3/2023, tờ Wall Street Journal cho biết chính quyền Washington đã yêu cầu ByteDance - công ty mẹ của TikTok đến từ Trung Quốc - phải thoái vốn khỏi mạng xã hội này nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Tuy nhiên, việc Nghị viện Mỹ dự thảo một bộ luật giới hạn Tiktok có thể gây ảnh hưởng đến rộng lớn đến vô số các công ty công nghệ khác từ Trung Quốc, ví dụ như Shein hoặc Temu.
Thêm vào đó, chuyên gia chính sách Jenna Leventoff của tổ chức ACLU đã nhận định rằng các công ty Mỹ hiện tại đang phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
“Dự thảo luật mới này có thể ảnh hưởng đến những công ty lớn như Apple khi tập đoàn này có quá nhiều công nghệ được hoàn thiện bởi Trung Quốc. Nếu được thông qua thì bộ luật mới có thể cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn hoặc thậm chí là sử dụng ứng dụng đến từ Trung Quốc”, bà Leventoff chia sẻ.
Theo tờ Wall Street Journal, Apple hiện đang hợp tác chặt chẽ với nhà máy Foxconn ở Trung Quốc để sản xuất iPhone cùng nhiều sản phẩm khác. Mặc dù Apple muốn dịch chuyển sản xuất sang các thị trường khác, nhưng với tỷ lệ 95% các sản phẩm iPhone, iPad, Mac và AirPods vẫn được sản xuất tại Trung Quốc, mục tiêu này khó đạt được trong tương lai gần. Ngoài ra, Trung Quốc chiếm đến 1/5 tổng doanh thu của Apple, tương đương 74 tỉ USD trong năm 2022.
Theo Business Insider, chính phủ Bắc Kinh có thể siết chặt quản lý với các doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của họ hoặc đang kinh doanh trên thị trường Trung Quốc để đáp trả các biện pháp của Hoa Kỳ.
Nhiều chính trị gia ủng hộ việc siết chặt quản lý dữ liệu người dùng ở Mỹ đối với các ứng dụng nước ngoài như TikTok, Shein hay Temu. Tuy nhiên, các công ty công nghệ Mỹ như Meta và Google lại phản đối điều này, vì họ cũng phụ thuộc vào dữ liệu người dùng để bán quảng cáo.
Theo giáo sư Aram Sinnreich của trường Đại học American, Mỹ đang đứng sau nhiều nền kinh tế khác trong cuộc chiến bảo vệ dữ liệu người dùng. Một trong những nguyên nhân chính là do các tập đoàn như Amazon, Meta và Google đang chi hàng triệu USD để lôi kéo chính phủ cho phép họ tiếp tục hoạt động theo mô hình này.
Tại sao TikTok trở thành trung tâm của những luận điệu chống Trung Quốc
Sau khi Tiktok tiếp cận thị trường Mỹ, nền tảng này đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất trong giới trẻ. Tuy nhiên, đáng tiếc là sự thành công của mạng xã hội này đã trở thành một trong những vấn đề gây xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
TikTok đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của giới trẻ Mỹ, bao gồm văn hóa, ẩm thực, giáo dục và lối sống, khiến nhiều chính trị gia lo ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến thị trường này.
CEO Leland Miller của hãng nghiên cứu China Beige Book nhận định rằng TikTok là một dạng ứng dụng có thể ảnh hưởng đến quan điểm cá nhân của mọi người rất mạnh.
So sánh với những thương hiệu công nghệ khác của Trung Quốc như Shein và Temu, mặc dù cũng rất thành công tại Mỹ và thu thập nhiều dữ liệu người dùng, nhưng chúng lại không bị chỉ trích nhiều như Tiktok.
Cả hai ứng dụng đều nằm trong top 10 sản phẩm được tải xuống nhiều nhất trên Apple App Store trong năm nay. Chúng đều thu thập thông tin như tên, số điện thoại, địa chỉ IP, vị trí và các hoạt động trực tuyến hàng ngày của người dùng. Tuy nhiên, hầu hết không có các nhà lập pháp nào chỉ trích các thương hiệu này về vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng.
Thậm chí, không có một chính trị gia Mỹ nào đã đề cập đến việc dự luật cấm TikTok sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những ứng dụng khác như Shein hay Temu.
Phản kháng từ Big Tech
Business Insider nhận định, dù Mỹ có muốn cấm TikTok thì chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối từ các Big Tech - các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Lý do là dự luật mới không chỉ ảnh hưởng đến công ty từ Trung Quốc như Shein hay Temu mà còn có thể ảnh hưởng đến chính những gã khổng lồ của Mỹ - những công ty phụ thuộc nhiều vào dữ liệu người dùng để bán quảng cáo.
Vào năm 2021, việc Apple thay đổi chính sách bảo mật dữ liệu người dùng đã gây sốc trên thị trường, khiến Facebook mất ít nhất 10 tỉ USD doanh thu và gây khó khăn cho vô số mạng xã hội như Snap, Twitter, Instagram.
Do dự báo về tương lai kinh tế không mấy lạc quan, các tập đoàn công nghệ lớn đang phải tiết kiệm và chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể. Meta mới đây đã phải sa thải hơn 10.000 nhân viên, Google cũng đã cho thôi việc 12.000 người và Salesforce đang lên kế hoạch cắt giảm 7.000 người.
Những khó khăn trên đang khiến cho các tập đoàn này không muốn có bất kỳ sự xáo trộn nào ảnh hưởng đến doanh thu của họ trong năm 2023. Vì vậy, họ có thể trở thành "đồng minh tự nhiên" bảo vệ cho các doanh nghiệp như TikTok, Shein hay Temu.
Theo Business Insider