Đêm tranh luận đầu tiên có sự góp mặt của 2 ứng viên xã hội chủ nghĩa đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Đầu tiên là thượng nghị sỹ Bernie Sanders, người đã khởi động chiến dịch nhằm đánh bại Hillary Clinton để có cơ hội đối đầu trực diện với ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016. Ông Sanders đã thua sát nút bà Clinton (và bà Clinton bại trận trước ông Trump), nhưng ông vẫn đủ khả năng bảo vệ rành rọt một chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa sâu rộng, đủ sức thuyết phục đảng Dân chuyển di về cánh tả trong năm 2019. Ông Sanders đứng ra tranh cử với tư cách một ứng viên xã hội chủ nghĩa, không phải ứng viên đảng Dân chủ.
Ứng viên thứ hai là Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, một người ủng hộ bà Clinton mạnh mẽ hồi 2016, trong vòng bầu cử này bà đã chuyển mình thành một ứng viên xã hội chủ nghĩa rất khó tìm ra điểm khác biệt với ông Sanders. Tuy nhiên, bà Warren lại khá nhạy cảm với cái nhãn xã hội chủ nghĩa, khi được hỏi bà vẫn nhận mình là một người tư bản chủ nghĩa (a capitalist). Tuy nhiên, bà ta thực sự là một người xã hội chủ nghĩa (a socialist).
Cả Sanders và Warren đều ủng hộ phân phối lại tài sản trên quy mô rộng, tăng cường sự can thiệp của chính phủ đối với nền kinh tế, mở rộng các dịch vụ công của chính phủ...Họ công khai kêu gọi một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, thay đổi cấu trúc nền kinh tế, xã hội và cả hệ thống chính trị. Cả hai đều ủng hộ chương trình chăm sóc y tế rộng khắp của chính phủ, và có lẽ đây là vấn đề "ghi điểm" nhất trong chiến dịch của họ. So sánh với Barack Obama thì hai ứng viên này thiên về cánh tả nhiều hơn.
Trong các cuộc tranh luận vừa qua, Sanders và Warren dường như đã đạt được một thỏa thuận không công kích lẫn nhau và để bảo vệ các chính sách xã hội chủ nghĩa. Thêm vào đó, người ra câu hỏi trong vòng tranh luận đã cho họ thêm nhiều thời gian để trả lời hơn nếu so với các ứng viên khác, dường như để thu hút dư luận về chương trình chăm sóc y tế.
Một số ứng viên khác trong đêm tranh luận đầu tiên đã thành công trong việc chống lại chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là về chương trình chăm sóc y tế rộng khắp, không chỉ tuyên bố rằng chương trình này sẽ giúp ông Trump tái đắc cử mà còn nhấn mạnh là việc xóa bỏ chương trình chăm sóc y tế tư nhân là không cần thiết.
Đêm tranh luận thứ hai, vắng mặt Sanders và Warren, dường như đã thành công trong việc dội gáo nước lạnh vào chương trình chăm sóc y tế kiểu xã hội chủ nghĩa, và thay vào đó đưa ra một dạng bảo hiểm y tế lai ghép giữa tư nhân và công cộng.
Một nguồn cơn của xu hướng chuyển từ chủ nghĩa xã hội (socialism) sang chủ nghĩa tự do (liberalism) là do ứng viên Joe Biden -- cựu Phó Tổng thống dưới thời Obama, một thượng nghị sĩ lâu năm – muốn dùng thành tựu công vụ của mình dưới thời Obama cùng với thành tựu của bản thân với tư cách một thượng nghị sĩ, làm trọng tâm cho chiến lược tranh cử. Ông Biden đã và đang là một đảng viên Dân chủ dòng chính, tự do, và ôn hòa, một đại diện của quá khứ. Thay vì đưa ra chương trình chăm sóc y tế rộng khắp của chính phủ, ông Biden đề xuất sửa đổi lại kế hoạch chăm sóc y tế dưới thời Obama - vốn chủ yếu dựa vào bảo hiểm y tế tư nhân của giới chủ doanh nghiệp, cùng với một phần trợ giúp từ ngân sách công.
Như vậy, trong các vòng tranh luận tương lai của đảng Dân chủ, có thể dự đoán rằng ông Biden sẽ xung đột với Sanders và Warren về chính sách chăm sóc y tế, và sự xung đột này có thể được coi là một phép thử, nhìn vào đó sẽ biết đảng Dân chủ sẽ ủng hộ hay bác bỏ Chủ nghĩa xã hội trong nỗ lực thay thế ông Trump.
Không có vấn đề nào khác - ngoại trừ nhập cư - dành được nhiều sự quan tâm đến vậy. Đảng Dân chủ không hề tập trung vào kế hoạch mở rộng tường bao biên giới với Mexico của ông Trump để ngăn người nhập cư trái phép. Họ cực lực lên án các điều kiện nghèo nàn tại ác trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép tại biên giới, thế nhưng lại không đưa ra một giải pháp nào để giải quyết vấn đề và cũng không nhận trách nhiệm vì thất bại trong việc tìm nguồn vốn cải thiện các trung tâm trên.
Có một điều mà phe Dân chủ thực sự tập trung đó là thiết lập "biên giới mở" - giúp cho những người nhập cư trái phép xin diện tị nạn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Sanders lại ủng hộ tăng cường hành pháp ở khu vực biên giới.
Về phần mình, ông Biden bảo vệ các chính sách biên giới của Obama: Trục xuất mạnh tay nhưng vẫn tỏ ra khoan dung với việc người nhập cư ở lại nước Mỹ. Nhưng nhiều ứng viên dường như bác bỏ các chính sách thời Obama.
Nhập cư chắc chắn là vấn đề lớn thứ hai trong chiến dịch hạ bệ ông Trump của phe Dân chủ.
Một số ứng viên cố gắng hướng sự quan tâm tới những vấn đề đô thị dân sinh ở nhiều thành phố của Mỹ, nhưng lại không đưa ra được chính sách độ thị nào đủ lớn để khắc phục. Đó cũng là kiểu nhược điểm mà đảng Dân chủ từng mắc trong quá khứ.
Một số ứng viên cũng chú tâm bàn việc cải cách tư pháp hình sự, đặc biệt là giảm tỷ lệ bỏ tù người thiểu số và giúp đỡ phạm nhân tìm kiếm công việc sau khi ra tù. Nhưng phần lớn cuộc tranh luận lại tập trung mổ xẻ việc ông Biden là "tác giả" của phần lớn các bộ luật từng dẫn tới bỏ tù hàng loạt cách đây nhiều thập kỷ. Ngoài ra, tranh luận còn tập trung vào việc thượng nghị sỹ Kamala Harris từng nổi tiếng là một "công tố viên hà khắc" thời kỳ đầu sự nghiệp của bà.
Ngoài các vấn đề trên, hầu như không có ai đề cập tới vấn đề phá thai, về nền kinh tế, công ăn việc làm, và hay vấn đề ngoại giao. Đảng Dân chủ hiện đang chịu nhiều đòn công kích từ các tổ chức chống hủy phá thai, ủng hộ sự sống tự nhiên của con người; bởi vậy mà họ không dám mang vấn đề này ra tranh luận. Nền kinh tế Mỹ cũng đang vận hành tốt, bởi vậy họ cũng tránh luôn. Nhưng lạ lùng thay, vấn đề biến đổi khí hậu vốn là đề tài có tính “thương hiệu” của phe Dân chủ, vậy mà lần này lại được đề cập bằng những thuật ngữ rất mơ hồ. Còn vấn đề ngoại giao, cứ như được xuất hiện ít và mờ nhạt trong vòng tranh luận này, các ứng cử viên tỏ ra không mấy quan tâm.
Cũng không có ai đề cập tới khoảng nợ công khổng lồ lên tới 22,5 nghìn tỷ USD của Mỹ. Nhưng một số ứng viên, trong đó có ông Biden, cực lực chỉ trích việc "gắn nhãn ghi giá" được nêu trong chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa.
Các cuộc tranh luận cho thấy một điều rõ ràng rằng, đảng Dân chủ vẫn chưa rõ rằng họ nên chọn một ứng viên đại diện cho tầm nhìn mới của đảng hay một người có thể đánh bại ông Trump. Một số ứng viên Dân chủ dường như nghĩ rằng chỉ nên lựa một trong hai hướng.
Đối với một số người, để đánh bại ông Trump, họ cần phải công kích ông bằng đủ loại phương pháp mà ông từng sử dụng để đánh bại bà Clinton và trong suốt 18 tháng qua trên cương vị Tổng thống: Reo rắc sự chia rẽ trong xã hội, tung ra các đòn công kích cá nhân, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc...Chiến lược này một phần dựa vào việc kêu gọi Quốc hội luận tội ông Trump và hất cẳng ông khỏi nhiệm sở. Hiện giờ thì đây là ưu tiên hàng đầu của phe Dân chủ trong Quốc hội, và họ thúc đẩy nó bằng cách thực hiện hàng loạt các cuộc điều tra, phiên điều trần, kiện tụng và công kích nhằm vào ông Trump. Một số ứng viên cũng đi theo lộ trình" này để công kích ông Trump, đặc biệt là bà Kamala Harris, người muốn tróc nã ông Trump ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở.
Các thành viên đảng Dân chủ (ảnh Supchina)
|
Những người khác lại nghĩ rằng họ cần có một tầm nhìn mới cùng các chính sách thu hút được cộng đồng cử tri trong nước. Nếu họ đủ mạnh để lấn át ông Trump bằng chiến lược này, phe Dân chủ sẽ làm lay chuyển cộng đồng cử tri ủng hộ ông Trump, đánh bại ông trong kỳ bầu cử. Một số ứng viên yếu thế trong vòng tranh luận vừa qua nghiêng về chiến lược này.
Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ biết được hướng đi nào sẽ là chủ đạo của đảng Dân chủ. Trong khoảng thời gian này, một số cuộc điều tra của Quốc hội và Bộ Tư pháp sẽ hoàn tất, và đảng Dân chủ sẽ sớm biết được họ thắng hay thua trong vấn đề này, dựa trên các bản kết luận điều tra. Các cuộc điều tra khác vẫn đang tiếp diễn, và có thể thu hút nhiều ứng viên phe Dân chủ lên tiếng ủng hộ hành động pháp lý nhằm vào ông Trump.
Bản sắc chính trị của ứng viên là vấn đề lan tỏa khắp cương lĩnh tranh cử của phe Dân chủ. Trong lúc thực hiện chiến dịch, phần lớn các ứng cử viên đã đưa ra một danh sách gồm đủ thứ "ban phát" bằng tiền mặt, chính sách và các chương trình có lợi cho các nhóm người nhất định: Người da đen, người gốc Latin, phụ nữ, người đồng tính, thế hệ millenniel (chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), người khuyết tật, người nhập cư trái phép, những người có tiền án và những người vô gia cư. Ví dụ, thượng nghị sỹ Harris muốn cung cấp cho các cử tri da đen các khoản hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để trả tiền vay mua nhà; ông Sanders và bà Warren muốn xóa nợ cho sinh viên đại học và miễn phí đại học cho người trẻ tuổi; một vài ứng viên còn muốn "bồi thường" cho những người da đen có tổ tiên là nô lệ.
Xét một cách tổng quan, và qua các vòng tranh luận vừa qua, đảng Dân chủ muốn tập trung vào vấn đề chủng tộc như bản sắc chính trị của họ. Kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017, phe Dân chủ đã lột tả ông Trump như một kẻ phân biệt chủng tộc, có lẽ là có động cơ trong một số trường hợp. Gần như mọi ứng viên của đảng này từng gọi ông Trump là kẻ phân biệt chủng tộc vì cố gắng thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép. Các đoạn tweet mà ông Trump tung ra mới đây nhằm vào các chính trị gia và thủ lĩnh người da đen càng khiến cho làn sóng chỉ trích ông là kẻ phân biệt chủng tộc gia tăng. Hầu hết 20 ứng cử viên đêu gọi ông Trump là kẻ phân biệt chủng tộc. Don Lemon - người dẫn dắt cuộc tranh luận của CNN - còn gọi ông Trump là kẻ phân biệt chủng tộc ít nhất là 2 lần trong các vòng tranh luận vừa qua.
Nhiều nhà bình luận cũng bắt đầu gọi những người ủng hộ ông Trump là phân biệt chủng tộc chỉ vì họ ủng hộ quan điểm của ông. Năm 2016, bà Clinton còn gọi nhóm người này là "những kẻ tệ hại".
Các ứng viên da trắng của đảng Dân chủ còn cuống cuồng tách biệt họ khỏi cái danh phân biệt chủng tộc. Ứng viên Beto O'Rourke thường xuyên đưa ra lời xin lỗi vì...là người da trắng, cùng lúc giả vờ là có gốc Latin. Và phần lớn ứng viên da trắng trong các cuộc tranh luận vừa qua cho rằng họ có trách nhiệm phải đảo ngược mọi thể chế, mọi hệ thống, mọi hinh thức phân biệt chủng tộc". Biden thật đáng thương khi bị Harris gọi là kẻ phân biệt chủng tộc, chỉ bởi quan điểm chính sách của ông ta về các chương trình xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong nhà trường của liên bang.
Vậy nên, các cuộc tranh luận trên đang tạo nên bầu không khí thù địch nhằm vào chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngay trước khi kỳ bầu cử diễn ra. Đây rõ ràng là một diễn biến đáng báo động, và không có tín hiệu giảm thiểu.
Vấn đề về phân biệt chủng tộc gần như đã phá nát nước Mỹ trong giai đoạn những năm 1960, và trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này có thể khiến nước Mỹ trở lại khoảng thời gian đó.
Cá tính và phong cách của các ứng viên cũng bộc lộ rõ trong các vòng tranh luận vừa qua, khi mà họ công kích, tự vệ và giải thích các chính sách, năng lực, và tầm nhìn của họ về tương lai. Điều này quan trong không kém gì các chính sách mà họ đưa ra bởi chúng phản ánh khả năng đắc cử của họ.
Ông biden, ở thời điểm hiện tại, đang là ứng viên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Ông ta là một người da trắng, lớn tuổi (76 tuổi), tranh cử nhờ vào thành tựu dưới thời Obama và tư cách thượng nghị sỹ đã có kinh nghiệm chính trường 30 năm. Phe Dân chủ - hiện đang có xu hướng nghiêng về cánh tả - lại muốn tránh xa khỏi các đặc tính tự do ôn hòa của các đời Tổng thống Bill Clinton, john Kennedy, thậm chí Barack Obama mà ông Biden đang thể hiện. Trớ trêu thay, các ứng viên khác cũng đang chỉ trích ông Biden vì các chính sách dưới thời Obama, cho rằng ông Obama có thể hoàn toàn thất bại khi tranh cử trong thời điểm hiện nay bởi quá bảo thủ!
Màn thể hiện của ông Biden trong vòng tranh luận hồi tháng trước là một thảm họa. Ông ta đã không thể tự vệ trước các đòn công kích, dường như không tập trung, tỏ ra yếu đuối và già cỗi. Nhiều báo cáo đánh giá về chiến dịch của ông cho thấy ông thiếu năng lượng và niềm đam mê.
Trong vòng tranh luận thứ hai này, ông Biden đã "tập hợp lại" sức mạnh và cứu vãn màn thể hiện tồi tệ trước đó. Và ông đã không gây thất vọng: Ông ta thể hiện tốt, nhưng khá thất thường. Ông phát biểu rất vụng về, cố gắng tìm kiếm đúng từ ngữ, nói không hết câu và quên mất điểm chính trong phát ngôn. Tuy nhiên, màn thể hiện đó vẫn vượt qua sự kỳ vọng và ông đã trở lại như một thế lực đáng gờm.
Ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ - ông Joe Biden (ảnh Deadline.com)
|
Ông Sanders, cũng là một ứng viên da trắng già cả (77 tuổi), nhưng lại tràn đầy năng lượng, sức tập trung cao và rất đáng gờm. Rất khó để các ứng viên khác lấn lướt ông. Tính cách của ông rất mạnh mẽ nhưng cũng khá khó chịu. Ông ta la hét, hai tay vung vẩy khắp nơi, thô bạo, tùy tiện và tục tĩu. Trong vòng tranh luận, ông ta nói những người điều phối chương trình của CNN đã nhận tiền quảng cáo của các công ty bảo hiểm y tế mà bản thân ông rất ghét.
Trong suốt nhiều năm quan sát ông Sanders, tôi chưa từng thấy ông ta cười bao giờ.
Ông ta là một người cả đời theo và tin tưởng thực sự chủ nghĩa xã hội. Ông ta thẳng thừng gọi ông Trump là kẻ tâm thần, gian lận, giả tạo, nói dối, phân biệt chủng tộc và....
Bà Warren là một người phụ nữ da trắng lớn tuổi (70 tuổi) cũng tràn đầy năng lượng, sức tập trung và nguồn cảm hứng. Nhưng bà ta cũng có giọng nói rất gây khó chịu, nhất là khi bà la hét - rất thường xuyên. Bà ta không khác gì chị em song sinh của ông Sanders. Nhưng khác với Sanders, bà ta khéo léo hơn khi giải thích và bảo vệ các đề xuất chính sách của mình. Warren là một người thuộc tầng lớp "lãnh đạo" ưu tú, nhưng kể từ sau khi ủng hộ bà Hillary Clinton trong kỳ bầu cử năm 2016, bà trở thành một người xã hội chủ nghĩa.
Warren cũng là người mạnh miệng chỉ trích ông Trump, một cách cường điệu. Ông Trump đặt cho bà Warren biệt danh là Pocahontas (một người phụ nữ bản địa Mỹ nổi tiếng có quan hệ với những kẻ thực dân ở Jamestown trong khoảng những năm 1600) bởi bà tuyên bố sai lầm rằng bà là con cháu của người Mỹ bản địa, để bảo vệ học hàm Giáo sư của mình tại trường ĐH Luật Havard.
Hai ứng viên chủ nghĩa xã hội Sanders và Warren có thể đánh bại ông Biden trong vòng tranh luận tới nếu như họ xuất hiện trên cùng một sân khấu. Vấn đề thực sự là ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh luận giữa Sanders và Warren, nếu họ không quyết định hợp tác với nhau.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ nên tổ chức một cuộc tranh luận giữa Biden, Sanders và Warren. Bạn đọc sẽ xem một cuộc đối đầu giữa ứng viên xã hội chủ nghĩa và ứng viên ôn hòa, giữa cải cách và thay đổi dần dần, giữa 2 người đàn ông lớn tuổi và 1 người phụ nữ lớn tuổi, tất cả đều không có bản sắc chính trị.
Hai ứng viên khác cũng xứng đáng được nhắc tới là thượng nghị sỹ Kamala Harris và thượng nghị sỹ Cory Booker. Harris là một người phụ nữ có tổ tiên là người Jamaica/Tamil, người có phần lớn sự nghiệp là một công tố viên. Bà đứng ra tranh cử với tư cách người da đen, nhưng vấp ngay phải lời chỉ trích là không phải một người Mỹ gốc Phi "thực sự".
Chiến dịch của bà, cho đến mãi cuộc tranh luận gần đây nhất, đều thiếu sức sống. Khi được hỏi về các chính sách của mình, bà trả lời rằng muốn tổ chức đối thoại toàn quốc về vấn đề này, về mọi vấn đề. Bà ta dường như bắt chước quan điểm chính sách của các ứng viên khác, sau đó lại tự quay ngoắt khi phải lý giải chúng. Trong cuộc tranh luận mới đây, bà đưa ra tới 3 phiên bản khác nhau của chính sách chăm sóc y tế.
Vị trí của Harris trong các cuộc thăm dò dư luận đã nhích lên chút đỉnh sau khi bà tung đòn công kích bất ngờ nhằm vào ông Biden trong vòng tranh luận đầu tiên, cáo buộc ông một cách không công bằng rằng ông là kẻ phân biệt chủng tộc. Trong vòng tranh luận thứ hai, ông Biden đã hủy diệt Harris, trả đũa thành công đòn công kích trước đó của bà. Harris cũng là người luôn gọi ông Trump là "thú ăn thịt", và hứa hẹn sẽ khởi tố ông nếu bà đắc cử.
Trong vài ngày tới đây, sẽ rất thú vị khi chứng kiến xem bà Harris có duy trì được động lực của mình, hay sẽ tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua Tổng thống.
Ông Book là một người Mỹ gốc Phi, một thượng nghị sỹ và cựu Thị trưởng thành phố Newark, New Jersey. Chiến dịch của ông cũng chập choạng cho tới mãi vòng tranh luận thứ hai này. Ông tự nhận mình như một thủ lĩnh đang quy tụ một mặt trận đoàn kết để chống lại ông Trump. Ông ta sử dụng một kiểu tranh luận rất khó chịu để tự vệ trước những lời chỉ trích: Khi không thể trả lời một câu hỏi, ông quay sang cáo buộc người ra câu hỏi là vận dụng "luận điểm" của phe Cộng hòa hoặc của ông Trump. Điều này nhằm biến người ra câu hỏi trở thành người đồng cảm với ông Trump hoặc người không có hiểu biết. Booker được đặt biệt danh là "chiến binh vui vẻ" bởi ông ta lúc nào cũng cười.
Trong vòng tranh luận tới, Harris và Booker sẽ cố gắng lấn át Biden, Sanders và Warren. Họ có thể thành công trong việc lật đổ ông Biden, nhưng khó có thể chống lại cặp đôi ứng viên xã hội chủ nghĩa.
Các cuộc tranh luận tuần này cho thấy đảng Dân chủ dường như đã quên đi lịch sử của họ. Các ứng viên Dân chủ ngày càng có xu hướng đưa ra các chính sách nhằm thu hút những nhóm người đặc biệt. Họ cũng đang nghiêng dần về cánh tả trong nỗ lực lôi kéo thêm người ủng hộ từ ông Sanders và bà Warren về phe mình.
Sanders và Warren đang chạy đua với tư cách những người thúc đẩy cách mạng, bởi vậy mà các chính sách của họ rất dễ hiểu trong một khung làm việc theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Biden thì chạy đua với tư cách một đảng viên Dân chủ truyền thống, dù ít dù nhiều, bởi vậy các chính sách của ông ta quen thuộc và dễ hiểu nếu nhìn vào quá khứ.
Gần như tất cả các ứng viên đều không có nguyên tắc tổ chức, mà chỉ có một tập hợp những chính sách quá chuyên biệt, nhỏ lẻ. Cách làm này đi ngược với khôn ngoan chính trị truyền thống vốn chủ trương rằng ứng cử viên chỉ nên tập trung vào một chủ đề lớn và đi kèm là vài chính sách yểm trợ chứ không phải là chả có chủ đề lớn nào và đi kèm là vài chính sách rời rạc không ăn nhập gì với nhau như đang thể hiện lần này.
Cuộc tranh luận của các thành viên đảng Dân chủ (ảnh abc7)
|
Và đằng sau hậu trường luôn có vận động cho những chính sách cực đoan. Các ứng viên đảng Dân chủ - bao gồm Eugene McGovern, Walter Mondale và Michael Dukakis - đều từng vận động tranh cử dựa trên các chính sách thiên tả và đều bại trận trước các ứng viên đảng Cộng hòa; một ứng cử viên đã chỉ ra thực tế này. Rất nhiều ứng viên đảng Dân chủ đều lo sợ sẽ lặp lại sai lầm này.
Bill Clinton đã giành chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống nhờ tập trung chủ yếu vào nền kinh tế. Khẩu hiệu của ông là "đó là nền kinh tế, đồ ngốc ạ!" và không thêm gì khác. Ký ức về chiến thắng của ông Clinton luôn đậm nét trong tâm trí của phe Dân chủ.
Nhưng ký ức lịch sử đó đã bị đánh mất. Sanders và Warren không thực sự thuộc đảng Dân chủ. Biden chỉ là một đảng viên Dân chủ truyền thống. Những ứng viên còn lại thì đều còn quá trẻ để có thể hiểu được vấn đề.
Một số người chỉ ra chiến thắng của ông Obama, nhưng họ lại không hiểu thực tế rằng ông Obama là trường hợp độc nhất. Nước Mỹ lúc đó đã sẵn sàng tiếp nhận thông điệp của ông và mong muốn ông trở thành Tổng thống của họ. Giờ thì di sản mà ông Obama để lại đang dần bị lãng quên, ngay cả trong đảng Dân chủ, chỉ sau có 2 năm!
Một chủ đề giúp đoàn kết tất cả các ứng viên đảng Dân chủ, là ông Trump đã thất bại trong việc giúp nước Mỹ "vĩ đại trở lại", mà thực tế còn khiến nước Mỹ trở nên tệ hại hơn trước đây. Hiện vẫn không rõ sử dụng khẩu hiệu "nước Mỹ đang mất giá (trashing America)" có phải là một chiến lược tranh cử hiệu quả hay không. Nhiều người trong đảng Dân chủ có thể thích dùng ngôn từ tiêu cực, âm tính (negative), nhưng nhiều người khác lại thích những gì lạc quan, tươi sáng, giàu hy vọng hơn. Ông Obama từng hiểu rõ điều này khi đưa ra thông điệp "Hy vọng và Thay đổi".
Dựa trên các cuộc tranh luận mới đây, tôi tin rằng bà Warren sẽ trỗi dậy để trở thành ứng viên dẫn đầu của đảng Dân chủ. Ông Sanders đã từng có cơ hội của mình trong năm 2016 còn lúc này sức hấp dẫn của ông rất thấp. Ông Biden thì sẽ không sống sót nổi trước các đòn công kích sắp tới của Warren: Ông Biden khó có thể bảo vệ được quá khứ của mình, ông ta cũng không thể nhận được uy tín từ những thành tựu của ông Obama, và dường như ông thiếu thể lực để duy trì những nỗ lực bền bỉ của mình.
Harris và Booker - đại diện cho những nhóm thiểu số - không thể sánh được với bà Warren nếu xét về nội dung chính sách và năng lực bảo vệ chính sách đề xuất, cũng khó có thể sống sót trước những đòn tấn công cá nhân của ông Trump. Ngoài ra, Harris và Booker cũng không có thành tựu gì lớn lao, trong khi bà Warren đã có kinh nghiệm 3 năm trong việc hoạch định chính sách và xây dựng một khu vực bầu cử, cùng một tổ chức chiến dịch hùng mạnh.
Một cuộc thư hùng giữa bà Warren và ông Trump chắc hẳn sẽ là "chương trình truyền hình phải xem".
Huyền Chi chuyển ngữ