Kim Jong Un cầu cứu Bắc Kinh hay thực hiện kế ly gián?

VietTimes -- Ngoại trưởng Mỹ vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Triều Tiên đã cử 2 quan chức sang thăm Nga và Trung Quốc. Phải chăng nhà lãnh đạo Kim Jung Un muốn làm hòa, hay đó chỉ là kế ly gián, đẩy cục diện Đông Bắc Á vào tình thế nguy hiểm hơn?
Dàn pháo của Triều Tiên bắn tên lửa trong cuộc tập trận diễn ra ở khu vực biên giới biển với Hàn Quốc.
Dàn pháo của Triều Tiên bắn tên lửa trong cuộc tập trận diễn ra ở khu vực biên giới biển với Hàn Quốc.

Vì sao Bình Nhưỡng xuống thang?

Sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 4, niềm hy vọng của dư luận quốc tế về tái khởi động cuộc đàm phán 6 bên lại một lần nữa bị dập tắt. Trong lúc các bên đang thảo luận nên dùng biện pháp nào để kéo Bình Nhưỡng trở lại với bàn đàm phán thì ngày 29/1, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin, thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong-Guk dẫn đầu một phái đoàn của bộ ngoại giao nước này xuất phát từ Bình Nhưỡng, mở đầu cho chuyến thăm Nga.

Đồng thời, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn các nguồn tin bí mật tiết lộ thêm rằng, một quan chức hàng đầu khác là bà Choi Son-Hui - Phó cục trưởng Cục phụ trách các vấn đề liên quan đến Mỹ thuộc Bộ ngoại giao Triều Tiên kiêm phó trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Tiều Tiên bị phát hiện có mặt tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 28/1.

Theo nguồn tin, năm 2009, sau khi Triều Tiên tuyên bố rút khỏi vòng đàm phán 6 bên, số lần tiếp xúc giữa đại diện của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên Tiên tham gia vào cuộc đàm phán này vô cùng ít ỏi. Tháng 7/2011, ông Ri Yong-ho - thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Triều Tiên sang thăm Trung Quốc.

Ngày 25/2/2012, Thứ trưởng ngoại giao thứ nhất Triều Tiên kiêm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của nước này là ông Kim Kye-gwan đã sang thăm Trung Quốc.  Ngày 18/6/2013, ông Kim Kye-gwan lại thăm Bắc Kinh lần nữa, trong buổi thảo luận với phía Trung Quốc, ông Kim Kye-gwan cho biết chuẩn bị quay trở lại với vòng đàm phán 6 bên.

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Bình Nhưỡng đã cử Cục phó cục các vấn đề về Mỹ của Bộ ngoại giao Triều Tiên sang Bắc Kinh.

Sau chuyến thăm Triều Tiên vào 3 dịp: ngày 16/8/2010, ngày 4/11/2013 và tháng 3/2014, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ không quay trở lại Bình Nhưỡng nữa. Có thể nói, việc Triều Tiên cử quan chức phụ trách vòng đàm phán 6 bên sang thăm Bắc Kinh từ ngày 28/1 là lần đầu tiên trong vòng hơn 2 năm qua kể từ khi vòng đám phán 6 bên của Trung – Triều bị cắt đứt. Chẳng lẽ Bình Nhưỡng đã hồi tâm chuyển ý?

Sau đợt thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4, Triều Tiên không có những biểu hiện mạnh mẽ như 3 lần đầu. Tháng 2/1/2013, sau khi thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, Triều Tiên tuyên bố cơ hội giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao không còn nữa, chỉ còn lại lựa chọn đối phó bằng biện pháp quân sự. Sau đó, Triều Tiên tuyên bố Hiệp định đình chiến Triều Tiên hoàn toàn mất hiệu lực, kiến nghị các cơ quan ngoại giao của nước ngoài và tổ chức quốc tế xem xét việc rút khỏi Bình Nhưỡng.

Những động thái này gây cho dư luận cảm giác một cuộc đại chiến sắp bùng nổ ở Triều Tiên. Tuy nhiên sau đợt thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4, Triều Tiên tỏ ra khá im ắng và thận trọng. Thậm chí cơ quan truyền thông chính thống của nước này còn đăng tải bài viết nhấn mạnh: “Có sự ủng hộ từ bên ngoài cũng tốt, không có cũng rất tốt”, ý muốn nói rằng Triều Tiên không “khát khao” sự viện trợ của Trung Quốc.

Nguyên nhân nào khiến Triều Tiên bất ngờ thay đổi thái độ trước ván cờ đấu trí “điềm đạm”, sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sang thăm Trung Quốc, lập tức nối gót sang thăm Bắc Kinh? Trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên căng thẳng kéo dài như hiện nay, Triều Tiên cử quan chức phụ trách vòng đàm phán 6 bên sang thăm Bắc Kinh nhằm mục đích gì? Hành động này chỉ để giải quyết tình huống căng thẳng kéo dài trong thời gian qua, hay muốn nói rằng chính sách đối ngoại của Triều Tiên sẽ có những thay đổi quan trọng?

Những mưu tính của Bình Nhưỡng

Triều Tiên nóng lòng cử đặc sứ sang Bắc Kinh chủ yếu xuất phát từ suy tính bảo vệ môi trường phát triển. Trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tính toán phương án trừng phạt Triều Tiên ở mức độ sâu hơn, Bình Nhưỡng bộc phải nghĩ ra đối sách để ngăn ngừa sự bấp bênh của kinh tế. Tháng 5/2016, Triều Tiên sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7, nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn chứng minh khả năng lãnh đạo của mình thông qua sự tăng trưởng kinh tế trong nước.

Ông Kim Jong Un đã dùng hành động quân sự quan trọng thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư để nâng cao tỉ lệ ủng hộ trong nước, và bản thân nhà lãnh đạo này cũng phải gánh chịu hậu quả bị trừng phạt do cuộc thử nghiệm hạt nhân này đem lại.

Hiện tại, tăng trưởng cơ bản của GDP Triều Tiên đang ở mức khoảng 1%, trong bối cảnh bị thế giới trừng phạt, làm thế nào để duy trì mức tăng trưởng ổn định cho GDP, đảm bảo cho nền kinh tế Triều Tiên không bị tụt lùi, đặc biệt là trong vấn đề lương thực đang là bài toán nan giải bày ra trước mắt nhà lãnh đạo Kim  Jong Un.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Hàn Quốc năm 2014. Ảnh: AP

Theo tính toán của Ủy ban phát triển nông thôn Hàn Quốc, năm 2015, sản lượng lương thực của Triều Tiên đạt 4,5 triệu tấn, giảm 6,3% so với năm 2014, nếu hoạt động chế tài quốc tế nhằm vào vấn đề lương thực của Triều Tiên, chắc chắn sẽ đẩy nước này vào hoàn cảnh lao đao hơn.

Ngoài ra, các biện pháp chế tài quốc tế cũng khiến sự hợp tác về kinh tế thương mại giữa Triều Tiên với các quốc gia khác vấp phải nhiều khó khăn hơn. Theo thống kê của Tổng cục hải quan Trung Quốc, kể từ năm 2013 trở lại đây, 2 năm liền, quy mô thương mại của Trung Quốc và Triều Tiên có xu hướng giảm mạnh.

Thời điểm này nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chìa cành ô liu về phía Trung Quốc cũng là để tìm kiếm sự ủng hộ về kinh tế của Trung Quốc và Nga, đảm bảo cho kinh tế Triều Tiên có một môi trường bên ngoài tốt. Như thế mới có thể đưa ra câu trả lời khá hài lòng tại đại hội Đảng Lao động toàn quốc  lần thứ 7 của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến làm việc tại Trung Quốc, Triều Tiên đã cử bà Choi Son- Hui - Phó cục trưởng Cục phụ trách các vấn đề liên quan đến Mỹ thuộc Bộ ngoại giao Triều Tiên sang Bắc Kinh. Cử phó cục trưởng Cục phụ trách các vấn đề liên quan đến Mỹ sang Bắc Kinh là muốn nghe ngóng phong thanh Trung Quốc và Mỹ đã bàn thảo những vấn đề gì về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi biết được thẻ bài của Mỹ, Triều Tiên có thể áp dụng đối sách tương ứng để gia tăng thẻ bài đàm phán với Mỹ cho mình.

Đồng thời, Triều Tiên cũng muốn thể hiện cho Trung Quốc thấy thiện chí muốn quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ của mình, hiện tại cử đại diện của vòng đàm phán 6 bên sang thăm Trung Quốc phù hợp với lời kêu gọi mà Trung Quốc đưa ra từ lâu – khuyến khích Triều Tiên quay trở lại với bàn đàm phán 6 bên, đồng thời cũng khẳng định vị thế hòa giải của Trung Quốc trong vòng đàm phán này, hành động này cũng nhằm mục đích dập ngọn lửa của Bắc Kinh đang cháy dữ dội trong thời gian qua.

Lần này Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân nhưng không thông báo trước với Trung Quốc. Trong khi thử nghiệm hạt nhân là hành động quân sự quan trọng, Hiệp ước hữu hảo Trung Quốc – Triều Tiên ký kết hồi tháng 7/1961 vẫn đang có hiệu lực, Triều Tiên không hề báo cáo với Trung Quốc mà tự ý quyết định thử nghiệm hạt nhân, chắc chắn điều này đã làm Bắc Kinh “nổi trận lôi đình”.

Hiện tại, Bình Nhưỡng cử quan chức sang là để giảng hòa, dập lửa. Điều này cũng phù hợp với tác phong hành xử của Triều Tiên từ trước đến nay, sau khi “chọc tức” sẽ “làm lành”, dùng cái đó để đổi lấy thời gian và không gian phát triển hạt nhân, tuy nhiên rất khó khẳng định Bắc Kinh có tiếp tục nhân nhượng cho Bình Nhưỡng nữa hay không.

Ly gián Trung Mỹ, lôi kéo Nga

Xét về chiến lược bên ngoài, Triều Tiên “làm lành” với Trung Quốc và Nga còn nhằm mục đích sau:

Kể từ lần thử nghiệm hạt nhân thứ 3 năm 2013 trở lại đây, sự thay đổi trong môi trường bên ngoài lớn nhất mà Triều Tiên phải đối mặt là thái độ lạnh nhạt của Trung Quốc đối với Triều Tiên, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Hàn Quốc trước chứ không phải thăm Triều Tiên trước, Trung Quốc ngày càng phối hợp tích cực với Mỹ và Hàn Quốc để trừng phạt Triều Tiên.

Đây là cú sốc lớn mà Triều Tiên khó có thể chịu đựng. Sau lần thử nghiệm hạt nhân thứ tư, tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye  đưa ra lời đề nghị tiến hành vòng đàm phán 5 bên – loại trừ Triều Tiên ra, Mỹ, Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc áp dụng biện pháp cấm vận dầu mỏ nghiêm ngặt hơn đối với Triều Tiên đều nhằm mục đích phá hủy chiến lược của quốc gia này.

Từ năm 2013 trở lại đây, để đáp trả Trung Quốc, Triều Tiên cũng thể hiện thái độ lạnh nhạt hiếm có, đồng thời, từ việc cử nhân vật quyền lực số 2 của Triều Tiên là nguyên soái Hwang Pyong-so - Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên kiêm Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên sang thăm Hàn Quốc, đến việc hòa giải với Nhật Bản xóa bỏ lệnh trừng phạt, và cuối cùng là tiếp xúc bí mật với Mỹ nhiều lần.

Tất cả những hành động này đều nhằm mục đích xóa bỏ sự hợp tác giữa Mỹ, Hàn Quốc với Trung Quốc, để muốn nói rằng không phải chỉ có Trung Quốc mới có thể thúc đẩy Triều Tiên đàm phán, hòa giải với Mỹ và Hàn Quốc.

Kim Jong Un cầu cứu Bắc Kinh hay thực hiện kế ly gián? ảnh 3

Phải chăng Bình nhưỡng đang áp dụng "ly gián kế" với Mỹ và Trung Quốc?

Hiện tại, trong lúc giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang nảy sinh những bất đồng nghiêm trọng xung quanh vấn đề có nên cấm vận xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên, tổ chức hội đàm 5 bên hay không, thực chất của việc Triều Tiên cử đại diện sang đàm phán với Trung Quốc là nhằm tiếp tục ly gián sự hợp tác giữa một bên là Trung Quốc và Nga với một bên là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đào sâu vách ngăn thiếu tin tưởng về chiến lược giữa hai phe này. Chỉ cần cục diện của bán đảo vẫn là cục diện Chiến tranh lạnh thì đều có lợi cho Triều Tiên.

Ngoài ra, quan chức mà Triều Tiên cử sang Trung Quốc là Phó cục trưởng Cục các vấn đề liên quan đến Mỹ thuộc Bộ ngoại giao Triều Tiên, còn quan chức nước này cử sang Nga là thứ trưởng Bộ ngoại giao, xét về cấp bậc có thể thấy, Triều Tiên coi trọng mối quan hệ với Nga hơn. Sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng coi trọng mối quan hệ Nga hơn hẳn Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên đã sang thăm Nga, cấp bậc của quan chức mà Triều Tiên cử sang dự nghi lễ duyệt binh của Nga và Trung Quốc cũng không giống nhau. Trong đó một phép tính mà Bình Nhưỡng tính toán là, đúng là Trung Quốc cung cấp dầu thô cho Triều Tiên, nhưng nguồn viện trợ dầu mỏ lớn nhất cho Triều Tiên hiện nay là Nga, kể cả Trung Quốc cắt đứt nguồn cung cho Triều Tiên, Nga vẫn có thể hỗ trợ.

Hiện tại, Mỹ, Nga vẫn đang ở trạng thái đối đầu trong vấn đề Ukraine và Trung Đông, sự hợp tác giữa Triều Tiên và Nga chính là nền tảng để đối đầu với Mỹ. Bình Nhưỡng tiến sát Moscow hơn là để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, lựa chọn chỗ dựa cuối cùng là điện Kremlin. 

H.L