Các tờ báo Trung Quốc ngày 6/8 đồng loạt dẫn lời người phát ngôn Không quân Trung Quốc, Đại tá Thân Tiến Khoa cùng ngày cho biết Không quân Trung Quốc đã tổ chức (bất hợp pháp) cho nhiều máy bay chiến đấu như máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30 bay đến vùng trời khu vực đảo đá Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough để tiến hành cái gọi là “tuần tra chiến đấu” (hành động trái luật - PV), thúc đẩy huấn luyện chiến đấu thực tế trên hướng biển, nâng cao cái mà Bắc Kinh gọi là "khả năng chiến đấu thực tế ứng phó mọi loại mối đe dọa an ninh."
Thân Tiến Khoa cho hay Không quân Trung Quốc tổ chức cho nhiều loại máy bay như máy bay ném bom, máy bay tiêm kích (máy bay chiến đấu), máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát và máy bay tiếp dầu trên không cất cánh từ nhiều sân bay, thực hiện nhiệm vụ “tuần tra chiến đấu (bất hợp pháp) ở Biển Đông”, xây dựng hệ thống tác chiến thống nhất cả về kiểm soát trên không trên biển, đột phá phòng không-đột kích và chi viện-bảo đảm.
Trong thời gian đó, máy bay chiến đấu Su-30 Không quân Trung Quốc đã 2 lần tiến hành tiếp dầu trên không trên biển.
Không quân Trung Quốc lần này đến Biển Đông “tuần tra chiến đấu” (bất hợp pháp) đã tập trung vào vận dụng hệ thống tác chiến trong môi trường điện từ phức tạp, tổ chức hành động với hình thức chủ yếu là trinh sát-cảnh báo sớm, không chiến đối kháng và tuần tra đảo đáo, đã đạt mục tiêu “tuần tra chiến đấu”.
Thân Tiến Khoa cho hay sự chuyển đổi chiến lược của Không quân Trung Quốc đang ở trong thời kỳ quan trọng từ tích lũy về lượng đến bước nhảy về chất, tập trung cho xây dựng nhưng không thể quên chiến đấu.
Không quân Trung Quốc tổ chức “tuần tra chiến đấu” (bất hợp pháp) thường xuyên ở Biển Đông, luyện tập chiến thuật và phương pháp tác chiến, mài sắc ý chí và tinh thần, thúc đẩy phát triển sâu sắc huấn luyện chiến đấu thực tế trên hướng biển, nâng cao khả năng chiến đấu thực tế ứng phó với mọi loại “mối đe dọa an ninh”, bảo vệ cái gọi là “chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia”.
Thân Tiến Khoa còn khoe rằng Không quân Trung Quốc đã có “lịch sử 67 năm rực rỡ, chói lọi”, đã phát triển thành một quân chủng hiện đại, mang tính chiến lược với nhiều binh chủng, nhiều loại máy bay; là lực lượng quan trọng ...
Thân Tiến Khoa nói rằng: "Binh sĩ Không quân Trung Quốc đã quán triệt, thực hiện phương châm “tập trung vào xây dựng nhưng không quên chiến đấu” ở mọi lúc, mọi vị trí chiến đấu, luôn luôn không quên “luyện quân sẵn sàng chiến đấu”, “có thể đánh thắng trận”, bám sát sứ mệnh, nhiệm vụ, đối thủ tác chiến và môi trường chiến trường, tăng cường huấn luyện chiến đấu thực tế, không ngừng nâng cao khả năng “đánh thắng”, bảo vệ “an ninh bầu trời...”.
Trong khi đó, tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 6/8 cho rằng sau nửa tháng Không quân Trung Quốc lại lên tiếng tuyên bố tiến hành “tuần tra chiến đấu” (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 18/7, tại Bắc Kinh, Đại tá Thân Tiến Khoa cũng cho biết Không quân Trung Quốc vừa điều động máy bay ném bom H-6K tiến hành “tuần tra” trên vùng trời các đảo đá như bãi cạn Scarborough – bãi cạn này Trung Quốc cướp từ Philippines vào năm 2012.
Bài báo cho rằng điều này cho thấy Không quân Trung Quốc đã có khả năng vươn tới khu vực bãi cạn Scarborough, đồng thời cho thấy khả năng chỉ huy và bảo đảm của Không quân Trung Quốc đã có chuyển biến mới.
Điều khác với tuần tra thông thường là, “tuần tra chiến đấu” sẽ có “phương án tác chiến”, thậm chí còn là hành động sử dụng cả đạn dược.
Biên đội tác chiến tuần tra “có thể đi vào chiến đấu” bất cứ lúc nào, không chỉ có thể tiến hành tuần tra (bất hợp pháp) đối với các đảo đá, mà còn có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên không, thậm chí có thể tiến hành “không chiến”.
Không quân Trung Quốc tiến hành “tuần tra chiến đấu thường xuyên” ở Biển Đông như vậy liệu có gia tăng khả năng đụng độ với tàu chiến và máy bay nước khác và có làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng khu vực này hay không?
Đối với vấn đề này, Nguyễn Tông Trạch, Phó viện trưởng thường trực Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng: “Điều này tùy thuộc vào phán đoán của các nước liên quan đối với tình hình hiện nay”.
Nguyễn Tông Trạch đổi trắng thay đen, dùng miệng lưỡi kiểu nước lớn, cao giọng cho rằng Trung Quốc tiến hành “tuần tra chiến đấu” là đang bảo vệ cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”, còn các nước khác đến Biển Đông tuần tra là “khiêu khích”. Hành vi “khiêu khích” này mới là nguyên nhân làm gia tăng khả năng đụng độ quân sự giữa hai bên.
Theo bài báo, tiến hành “tuần tra chiến đấu thường xuyên” là thủ đoạn quan trọng để làm cái gọi là “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc. Tòa trọng tài gần đây đã bác bỏ yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nên Bắc Kinh không có quyền gọi họat động quân sự phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam) là “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".
Theo Đa Chiều, hành động này của Bắc Kinh nhằm “cảnh cáo các nước liên quan không được có ý đồ dựa vào kết quả phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague để gia tăng áp lực bằng hành động với Trung Quốc bởi Trung Quốc có khả năng, ý đồ hành động.
Hành động “tuần tra chiến đấu” phi pháp nêu trên của Không quân Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là hành động bất hợp pháp, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực vực.
Đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc. Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ gia tăng phản ứng và hành động buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague.