|
Tên lửa không-đối-đất siêu thanh AGM-183A của Mỹ (Ảnh: Reuters) |
Cảnh báo mới đưa ra con số thương vong khiến nhiều người cảm thấy hài hước: 4 con ốc và 90 con sò. Trong khi con số ước tính thương vong khác, như tổn thất cho con người, không hề được đưa ra.
Vụ thử nghiệm Vũ khí Phản ứng Nhanh phóng từ trên không (ARRW) có thể diễn ra trong tháng tới, sau một lần thất bại, tướng Timothy M. Ray – người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu – cho hay hồi đầu tháng này. Và những người chịu ảnh hưởng không chỉ là người đóng thuế ở Mỹ, mà cả sự sống trên biển ở đảo san hô Kwajalein, thuộc quần đảo Marshall, nơi mà tên lửa thử nghiệm có thể rơi xuống.
Hòn đảo san hô này là nhà ở của nhiều chủng sinh vật hiếm, nhưng theo một đánh giá môi trường mà Trung tâm Vũ khí Hạt nhân thuộc Không quân Mỹ đưa ra mới đây, vụ thử nghiệm sắp tới sẽ không gây ra tổn thất vĩnh viễn với môi trường sống ở hòn đảo này.
“Chỉ có khoảng 4 con ốc có thể bị chết bởi vụ thử này, và khoảng 90 con sò” – tài liệu nghiên cứu nói, thêm rằng tầm ảnh hưởng có thể là cả trên đất và dưới nước.
Các chủng loài khác lại có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn. Vụ thử ARRW có thể dẫn tới “sự hủy diệt hoàn toàn” hơn 10.000 rặng san hô ở Kwajalein, tài liệu nói. Họ cũng cảnh báo rằng 108 con cá sú mì, thuộc danh sách các loài đang bị đe dọa, “có thể bị thương hoặc chết”.
Xét về vũ khí siêu thanh, Mỹ đang tụt hậu so với Nga. Nga là quốc gia đầu tiên đưa hệ thống vũ khí siêu thanh vào biên chế quân đội, sau khi cho ra mắt phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard vào năm 2019. Bởi vậy mà thất bại trong vụ thử nghiệm tên lửa không-đối-đất AGM-183A trong tháng 4 vừa qua do lỗi chưa xác định với máy bay chở bom B-52H là điều rất đáng thất vọng đối với Lầu Năm Góc.
Bản đánh giá tác động môi trường của Không quân Mỹ có nhắc tới cả sóng xung kích gây ra do sự va chạm mạnh của đầu đạn trong vụ thử nghiệm sắp tới. Sóng xung kích có thể lan rất rộng trong môi trường nước, và đó là điều gây quan ngại. Tuy nhiên, tài liệu chỉ ra rằng, nhờ có lớp vỏ cứng, nên các loài ốc và sò cỡ lớn “chỉ chịu tác động không đáng kể từ sóng xung kích”.
Tài liệu còn chỉ ra nhiều nhân tố khác có thể ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật biển, như tiếng nổ cực lớn, phơi nhiễm các chất độc hại…sau vụ thử nghiệm. Kết luận lại, tài liệu này đánh giá các cuộc thử nghiệm ARRW cùng các hoạt động khác của quân đội Mỹ trong chương trình Đánh chặn Chiến lược từ Mặt đất (GBSD) “sẽ không gây tác động lớn tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người”.