Trang tin Đa Chiều ngày 21/6 dẫn tin tài khoản Twitter chính thức của Hải quân Mỹ “US Navy” ngày 20/6 đã phát hành một đoạn video trực tiếp về cuộc thử nghiệm tàu sân bay USS Gerald R.Ford. Video này được quay từ một chiếc trực thăng ở khoảng cách xa. Đoạn video cho thấy khối thuốc nổ phát nổ gần tàu sân bay USS Gerald R.Ford tạo ra một cột sóng lớn, cao hơn nhiều so với "Ford".
Trước đó, vào ngày 18 tháng 6, trang web chính thức của Hải quân Mỹ đã đưa ra một thông báo về cuộc thử nghiệm và hình ảnh hiện trường. Theo USNI, việc kiểm tra độ bền và khả năng chống va đập của thân tàu là điều cần thiết để bảo đảm tối đa sự an toàn cho hơn 5.000 thủy thủ trên tàu USS Gerald R. Ford.
Vụ nổ ngầm dưới lòng biển |
Đồng thời, tài khoản Twitter chính thức của tàu sân bay USS Gerald R.Ford ngày 20/6 cũng tung ra đoạn video về cuộc thử nghiệm. Đoạn video này được quay từ máy đặt ngay trên tàu sân bay này. Do khoảng cách rất gần nên khi khối thuốc nổ phát nổ, sóng xung kích gây lực rất lớn khiến máy quay phim bị rung lắc liên tục.
Twitter chính thức của tàu sân bay USS Gerald R.Ford cho biết 40.000 pound (gần 20 tấn) thuốc nổ đã được kích nổ cùng lúc. Mạng tin tức của Hiệp hội Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng sức mạnh của vụ nổ tương đương với một trận động đất 3,9 độ Richter.
Vụ nổ tạo thành cột nước lớn |
Đánh giá từ kết quả thử nghiệm, tàu sân bay USS Gerald R.Ford đã chống chọi thành công tác động của vụ nổ và tiến gần hơn một bước tới việc triển khai chính thức.
Có thông tin cho rằng kể từ khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) tiến hành thử nghiệm va đập dưới nước lần cuối vào năm 1987, các tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã không tiến hành thử nghiệm như vậy nữa. Cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của các thiết bị và hệ thống trên tàu sau khi bị va đập bởi vụ nổ.
Trong quá khứ, Hải quân Mỹ từng nhiều lần thực hiện các thử nghiệm tương tự đối với các mẫu tàu chiến mới của nước này, gần đây nhất là các tàu chiến đấu ven bờ USS Jackson (LCS-6) và USS Milwaukee (LCS-5) vào năm 2016, tàu đổ bộ tấn công USS Mesa Verde (LPD-19) vào năm 2008.
Vụ nổ gây lực va đập mạnh với thân tàu sân bay |
Tàu sân bay USS Gerald R.Ford đã hoàn thành quá trình thử nghiệm sau giao hàng vào tháng 4/2021. Cuộc thử nghiệm kéo dài một năm rưỡi này được bắt đầu vào tháng 10/2019 và bao gồm kiểm định sàn đáp, vận hành của các đơn vị máy bay trên tàu sân bay và kiểm tra trình đtự hệ thống tác chiến.
Đô đốc Michael M. Gilday Bộ trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ, gần đây cho biết ông hy vọng chiếc USS Gerald R.Ford sẽ được triển khai vào năm 2022.
USS Gerald R. Ford là chiếc tàu đầu tiên của lớp tàu sân bay hạt nhân mới nhất của Hải quân Mỹ - Gerald R. Ford class - được đặt theo tên của Tổng thống Mỹ thứ 38 Gerald Ford. Đây được xem là lớp tàu chiến mặt nước lớn nhất và đắt nhất trên thế giới, với chi phí đóng mới lên đến gần 13 tỉ USD cho cả chương trình và 4,7 tỷ USD cho mỗi chiếc.
Toàn cảnh vụ “Full Ship Shock Trials” (Thử nghiệm va đập toàn tàu) hôm 18/10. Video: USD Navy. |
USS Gerald R. Ford được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân và các công nghệ hiện đại giúp nó triển khai được nhiều máy bay chiến đấu hơn và tiết kiệm nhân lực hơn lớp tàu sân bay Nimitz hiện có.
Với lượng choán nước đầy tải hơn 100.000 tấn và khả năng mang hơn 75 máy bay, tàu sân bay lớp Ford còn được gọi là "siêu tàu sân bay".
Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch đóng 10 siêu tàu sân bay lớp Ford để thay thế các tàu lớp Nimitz như USS Theodore Roosevelt (CVN-71). Chiếc tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Ford mang tên USS John F. Kennedy hiện đang trong quá trình hoàn thiện sau khi hạ thủy năm 2019.