Không có xe để bán, thị trường ô tô lao dốc thảm hại

VietTimes -- Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhu cầu mua sắm xe thường tăng rất mạnh, nhưng tháng 2/2018 đã chứng kiến một chiều hướng ngược lại. Thị trường toàn ngành quay đầu giảm mạnh do cung không đủ cầu.
Phân khúc xe nhập trầm lắng là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường giảm sút mạnh trong tháng 2/2018 (Ảnh minh họa)
Phân khúc xe nhập trầm lắng là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường giảm sút mạnh trong tháng 2/2018 (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 2/2018 chỉ đạt 12.394 xe, sụt giảm mạnh lên tới 52% so với tháng liền kề trước đó và giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tổng số 12.394 xe bán ra trong tháng 2/2018, xe du lịch bán được 8.660 chiếc, xe thương mại là 3.324 chiếc và xe chuyên dụng là 410 xe. Như vậy so với tháng 1/2018, duy nhất chỉ có dòng xe chuyên dụng đạt được mức tăng trưởng 35%, còn lại hai dòng xe du lịch và xe thương mại đều đã giảm quá bán, lần lượt là 53% và 55%.

Báo cáo cũng chỉ ra sự sụt giảm diễn ra ở cả hai nhóm lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc. Cụ thể, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 10.686 xe, giảm 48% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 1.708 xe, giảm 68% so với tháng trước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụt giảm mạnh này là do tháng 2 cũng trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài tới 7 ngày, chưa kể những ngày cận tết hầu như không mấy ai có ý định mua xe.

Ngoài ra, việc ô tô nhập khẩu vẫn chưa thể về được do vướng nghị định 116 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh số bán của nhiều hãng xe. Trong khi, những mẫu xe bán chạy trong nước lại không sản xuất kịp để giao hàng trong tháng 2 do thiếu nguồn cung linh kiện.

Không có xe để bán, thị trường ô tô lao dốc thảm hại ảnh 1Những dấu hiệu tích cực ở phân khúc xe nhập khiến nhiều người dự đoán thị trường sẽ trở lại nhộn nhịp trong vài tháng tới

Xét riêng ở phân khúc xe du lịch, Thaco Trường Hải tiếp tục duy trì ngôi đầu với hơn 30% thị phần khi bán được gần 3.800 xe, tiếp sau là Toyota Việt Nam chiếm hơn 23% với gần 2.865 xe, Ford đứng ở vị trí thứ 3 với 8,7% thị phần khi bán được 1.062 xe. Một số hãng khác chiếm số ít thị phần còn lại như Mitsubishi, Suzuki, Honda hay GM Việt Nam.

Mặc dù có kết quả không mấy khả quan trong tháng 2/2018 nhưng tính từ đầu năm 2018, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phân khúc xe du lịch tăng 9%, xe thương mại tăng 7%, xe chuyên dụng giảm 56%.

Theo dự doán, tháng 3 tới đây, thị trường vẫn sẽ chưa thể hồi phục bất chấp việc nhập khẩu ô tô đã có những chuyển biến tích cực khi nhiều hãng đã lo được các giấy tờ để phù hợp với Nghị định 116 và Thông tư 03.

Honda Việt Nam hiện đang là đơn vị tiên phong trong việc đưa xe nhập về Việt Nam sớm nhất nhưng chí ít cũng phải chờ sớm nhất là cuối tháng 4/2018 mới có thể giao xe. Toyota, Ford, GM là những đơn vị có nhiều mẫu xe thuộc diện ưu đãi thuế NK 0% cũng đang khẩn trương để đem về lô hàng nhập khẩu đầu tiên.

Với những chuyển biến này, thị trường ô tô Việt Nam tới đây sẽ được chứng kiến sự sôi động trở lại, đặc biệt khi tâm lý mong chờ của khách hàng Việt đã bị dồn nén sau cơn khát xe nhập suốt thời gian qua.