Thực tế, với quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo với xe nhập khẩu, Nghị định 116 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước. Tuy nhiên, điều đó có giúp thực hiện tham vọng về phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam, thì lại là chuyện khác.
“Đóng cửa” với xe nhập khẩu
Được biết ngày 22/2, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô ở Indonesia cũng lên tiếng về những điều kiện của Nghị định 116. "Quy định mới tạo thêm nhiều chi phí; việc kiểm tra toàn bộ có thể mất từ một đến hai tháng, trong khi các xe khác trong lô hàng phải ở lại cảng và chịu chi phí lưu kho hằng ngày" - ông Kukuh Kumara, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô ở Indonesia (Gaikindo) nói. Đồng thời cho biết các hãng Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã ngừng kế hoạch xuất 9.337 ô tô vào Việt Nam.
Sáng ngày 26/2, Văn phòng Chính phủ đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu về Nghị định 116. Tại đây, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Công ty Toyota VN, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) - "quan ngại sâu sắc" khi cho rằng Nghị định 116 không tuân thủ thông lệ quốc tế, và gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc nhập khẩu ô tô.
Ông Toru Kinoshita nói rõ hơn những yêu cầu về giấy chứng nhận kiểu loại, đường thử, kiểm tra theo lô... làm tăng thời gian, chi phí dẫn tới giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng, tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nước ngoài. Đồng thời tạo ra sự phân biệt và chênh lệch giữa sản xuất ô tô trong nước và bên ngoài...
Ông Phạm Văn Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty Ford VN nói, quy định chứng nhận tiểu loại không phù hợp thông lệ quốc tế, vì đã được thực hiện tại nước sở tại. "Hiện Ford đã có chứng nhận tiểu loại cho xe của Mỹ, DN tự chứng nhận tiểu loại. Chứng nhận tiêu chuẩn khí thải thì không cấp cho xe về Việt Nam vì Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn khí thải của EU chứ không phải Mỹ. Vậy nên dù có lấy được chứng nhận này thì cũng rất khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều cho DN" - ông Dũng nói…
Thực tế, khi nghị định 116 có hiệu lực, xe nhập khẩu đã giảm gần 5 lần. Tính đến 15/2/2018, ôtô dưới 9 chỗ nhập khẩu chỉ 32 chiếc, trị giá 1,1 triệu USD. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Đỗ Thắng Hải: “Quyền lợi của 100 triệu dân mong muốn có sản phẩm tự hào thương hiệu quốc gia. Việt Nam mong muốn có thương hiệu ô tô, mong muốn hoàn toàn chính đáng. Chính phủ mong muốn qua Nghị định này để khẳng định và bảo vệ đầu tư của các doanh nghiệp”.
Bước đi đúng cho thương hiệu ô tô Việt?
Bác bỏ ý kiến của các doanh nghiệp nhập khẩu, Chủ tịch Thaco - ông Trần Bá Dương - khẳng định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cũng đồng tình với ý kiến này, và nhấn mạnh nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng yêu cầu hay không.
Ông Nguyễn Hùng Minh, Tổng Giám đốc Thaco cho biết, Nghị định 116 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn, nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, tăng nội địa hóa. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường. Bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường. Mặt khác, Nghị định 116 và Thông tư 03 chính là “công cụ” giúp cho ngành ôtô “sống sót” sau khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%.
Cũng theo ông Đức, tuy phản ứng quyết liệt với Nghị định 116, nhưng hàng loạt các hãng xe nước ngoài, như Mitsubishi Motors hay Ford lại đang đẩy mạnh đầu tư vào các dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nội địa như Thaco, Hyundai Thành Công hay mới đây là Vinfast cũng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển bài bản vào công nghiệp ôtô.
Theo bà Phạm Ngọc Thủy, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách của Thủ tướng, tinh thần Nghị định 116 là đi đúng hướng, rất quan trọng với mục tiêu phát triển sản xuất trong nước, sáng lọc các doanh nghiệp nhỏ, thu hút dòng vốn lớn.
Còn theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Việt Nam bên cạnh việc tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô vào, thì cũng cần đảm bảo nền sản xuất tự chủ. Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi về thể chế để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Chủ trương chung của Việt Nam là đẩy mạnh hội nhập, trên cơ sở tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Song, cũng cần phải đảm bảo nền sản xuất tự chủ, vì lợi ích của 100 triệu dân – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sau buổi đối thoại này, Chính phủ sẽ họp các bộ và cơ quan liên quan xem xét từng khía cạnh vấn đề, để đề xuất sửa đổi bổ sung cho hợp lý với tinh thần Chính phủ hành động, kiến tạo, làm minh bạch, không phải "hứa rồi để đấy mà nói là làm".
Tuy nhiên, cần nhắc lại là, những chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam là không hề thiếu, từ vài chục năm qua. Nhưng cũng là thực tế, công nghiệp ô tô chưa bao giờ phát triển đúng kỳ vọng của nhà quản lý Việt.
Vấn đề với thị trường ô tô Việt, là các sắc thuế với mức thu quá lớn đang áp vào sản phẩm này, đẩy giá xe lên cao và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Với nghị định 116, doanh nghiệp trong nước có thể được lợi, nhưng công nghiệp ô tô có thể tự mình sản xuất được các linh kiện cao cấp cho ô tô, thì lại là…chưa chắc.
Trong tình thế ấy, chặn xe nhập khẩu chính là lấy lợi nhuận từ doanh nghiệp nhập khẩu chuyển sang “túi” doanh nghiệp nội, đồng thời đảm bảo nguồn thu thuế của Nhà nước. Chuyện quyền lợi người tiêu dùng được hưởng xe giá rẻ, lại không phải là điều nghị định 116, hay cuộc đối thoại này bàn tới.