Giáo dục Đại học ở Việt Nam cần bổ sung những môn học gì vào chương trình?

Nguyễn Đức Hoàng
Nguyễn Đức Hoàng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Một trong những vấn đề đã và đang đặt ra cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam là “biến quá trình đào tạo trở thành tự đào tạo”. Theo đó, thay vì phải học quá nhiều trên giảng đường, các sinh viên sẽ tự học hỏi để có những những kết quả, năng lực thích ứng với nhu cầu của xã hội.  

Những kiến thức tối thiểu

Có lẽ chúng ta không bàn về những môn học được cho là... thừa, vấn đề cần phải bàn là những kiến thức còn đang thiếu. Việc này cần phải nhìn trên một diện rộng với tất cả các trường đại học ở Việt Nam, bất kể là về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, và kể cả văn học nghệ thuật. Có lẽ trước khi nói về các kiến thức phải bổ sung thì cần phải đề cập đến các kiến thức tối thiểu mà ai cũng phải học. Suy cho cùng thì mọi khoa học cũng chỉ còn lại một số tiên đề giống như toán học. Số còn lại thực chất là các định lý, bổ đề...

Nói như vậy, kiến thức đầu tiên không thể thiếu với bất kỳ thành viên nào trong xã hội chính là Toán học. Và có lẽ cũng không cần phải giải thích vì sao lại là Toán học bởi đó chính là cái gốc của mọi vấn đề đều phải được cân đo, đong đếm và tính toán, cân nhắc. Tiếp đó, một kiến thức nữa cũng không thể thiếu đó là Vật lý để mỗi con người hiểu được về sự vận động của thế giới xung quanh ta một cách khách quan và khoa học. Lĩnh vực thứ ba phải nói đến là Sinh học bởi bản thân loài người cũng là những thực tế của sự sống và đang vận động trong sự sống đó cùng với một thế giới hết sức đa dạng của sự sống. Tiếp đến có thể đề cập chính là Triết học để tư duy về các sự vật, hiện tượng đã và đang diễn biến quanh ta. Cuối cùng, có lẽ đó là Điều khiển học và đây chính là yếu tố “phần mềm” để vận hành các quá trình của tự nhiên bên cạnh yếu tố “phần cứng” là Vật lý.

Nói tới đây, hẳn rằng rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi về những kiến thức khác như Hóa học, Văn học, Lịch sử, Địa lý... Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy rằng các kiến thức đó thực chất cũng chỉ là hệ quả của các kiến thức cơ bản nói trên. Xã hội càng phát triển thì đương nhiên sẽ càng ra đời nhiều ngành học mới trên cơ sở tổng hợp và phân tích các kiến thức cơ bản đó. Vấn đề tất yếu buộc phải đề cập đến là trong một xã hội hiện đại, rất nhiều kiến thức mới sẽ phải cập nhật thêm. Và chính đó là vấn đề của các đại học ở tất cả các nước, không chỉ riêng Việt Nam.

Cần bổ sung những môn gì vào chương trình giáo dục đại học? (Ảnh minh họa)
Cần bổ sung những môn gì vào chương trình giáo dục đại học? (Ảnh minh họa) 

Những kiến thức mà tất cả các đại học đều cần?

Như đã đề cập ở trên, đó là 5 kiến thức tối thiểu. Tuy nhiên, với chương trình đại học thì vấn đề sẽ lại rất khác vì giáo dục đại học là phải bao quát mọi kiến thức cần thiết, phát triển năng lực tự học, giáo dục tư cách toàn diện... Và có lẽ muốn biết xem phải bổ sung cái gì thì cách tốt nhất là phải nhìn vào thực trạng của các đại học Việt Nam . Lâu nay, chúng ta thường nói đến các kỹ năng mềm (soft skills) nhưng có lẽ trước khi đề cập về nó thì cần phải nhìn vào những gì căn cơ nhất.

Một trong những thứ đầu tiên mà các nhà tuyển dụng yêu cầu ở ứng viên và không có gì quá khó là ngoài bản lý lịch tự khai (chứ không phải theo mẫu in sẵn) là một lá đơn xin việc và trong đó không thể thiếu những nội dụng về năng lực làm việc của chính mình với nhà tuyển dụng. Cao hơn, đó là năng lực soạn thảo các công văn, quyết định, hợp đồng giao dịch với khách hàng... Thực sự, đây là công việc không có gì quá khó nhưng trên thực tế thì rất ít ứng viên vừa tốt nghiệp đại học có thể đáp ứng được. Nguyên nhân vì trong chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc khối luật và kinh tế ở Việt Nam, môn học về Khoa học Hành chính đã bị xem nhẹ, thậm chí không có trong chương trình. Đương nhiên, môn học này càng không có và có thể khẳng định một cách chắc chắn là nó không tồn tại trong chương trình của các trường đại học thuộc khối kỹ thuật và nghệ thuật. Và một khi, không có kiến thức về hành chính thì mọi giao dịch theo phương thức “nói mồm” chắc chắn sẽ không được chấp thuận. Một khi đã như vậy thì mọi công việc cần thực hiện sẽ không thể tiến triển. Qua thực tế này, tin rằng sẽ không còn ai nói rằng “Hành chính là Hành nhau là chính”.

Tiếp đến, phải đề cập đến một thực tế là với bất cứ thành viên nào trong xã hội cũng đều cần đến những kiến thức về Tối ưu hóa để tiết giảm những động tác thừa và xử lý công việc một cách khoa học theo những trình tự hợp lý nhất. Hẳn rằng môn học này có thể trông chờ các chuyên gia ngành Toán học. Tuy nhiên, điều mà người học cần ở họ là cố gắng đừng sa đà vào những công thức, định lý mà phải là dưới góc độ xã hội. Và cũng cần lưu ý rằng, vấn đề rất quan trọng là làm sao để những sinh viên thuộc các ngành nghệ thuật và khoa học xã hội cũng không chỉ dễ dàng tiếp thu mà còn đầy hứng khởi để đào sâu nghiên cứu, khám phá những kiến thức cần thiết của Tối ưu hóa.

Thêm một thực tế nữa phải đề cập là nếu xảy ra chuyện đầu bài sai thì vấn đề sẽ như thế nào với người dự thi? Có lẽ rằng số lượng thí sinh ngồi giải lại đến lần thứ ba mà vẫn không dám tin vào kết quả vô lý đó chiếm tới 90%. Ở Việt Nam , nguyên nhân của những chuyện này chủ yếu do sơ suất của người ra đầu bài và rất hiếm khi đó là sự cố ý. Ở một tầm cao hơn để phản biện cho một đề án thì đó là việc khó hơn rất nhiều. Vì thế, Phản biện Khoa học cũng là một kiến thức cần được bổ sung vào chương trình và theo một giảng viên đại học, trước khi đưa các kiến thức đó đến với sinh viên thì chính những người thầy phải được cập nhật.

Cũng cần phải đề cập là sự phát triển của các ngành khoa học là không thể độc lập với nhau. Và nếu vì mục tiêu phát triển thì các ngành khoa học phải nhìn vào thành tựu của nhau để khai thác, sử dụng nó cho mình. Liên ngành cũng là một kênh hết sức quan trọng để phản biện khoa học cho các lĩnh vực chuyên môn thay vì chỉ ta nói, ta nghe và không có kiến thức của lĩnh vực khác để nhìn ra nhược điểm của hệ thống. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ở vị trí lãnh đạo cao cấp của các viện nghiên cứu thì “Khoa học Liên ngành là vấn đề của nhận thức và một khi nhận thức chưa thay đổi thì không thể ép được nhau bất cứ cái gì”. Vì thế, trước khi đưa kiến thức khoa học liên ngành đến với sinh viên thì đây chính là vấn đề phải được làm sáng tỏ với chính đội ngũ các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực từ tự nhiên tới xã hội và cả về nghệ thuật.

Cuối cùng, trước thực tiễn của tốc độ phát triển khoa học công nghệ, những kiến thức mà hôm nay ông thầy vừa cập nhật để dạy cho sinh viên thì rất có thể đã trở thành lạc hậu khi những học trò đó tốt nghiệp ra trường. Bởi thế, cả thầy và trò đều đứng trước những thách thức của khoa học công nghệ và phải có cách dạy, cách học phù hợp, thích ứng. Tại các nước phát triển, đó là ngành học về Tương lai họcKhoa học Dự báo. Tuy nhiên, có lẽ đây là những ngành học có tên gọi nghe rất lạ tai với giáo dục đại học Việt Nam và thực tế là tại rất nhiều trường, người ta còn đang sử dụng những tài liệu giảng dạy, giáo trình xuất bản từ những năm 1970 – 1980 (!).

Trên  đây là những quan điểm chung nhất của một người chưa có điều kiện để theo học các chương trình sau đại học mà mới chỉ theo học hệ văn bằng thứ hai về công nghệ thông tin và ít nhất đã nhìn thấy những điểm hay của hệ đào tạo này là tính liên ngành để góp phần đổi mới về chất cho chính người học. Cần phải có thêm nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về vấn đề này và rất mong các học giả, nhà quản lý đóng góp thêm ý kiến.