TS Nguyễn Thành Nam: “Giáo dục trực tuyến có sự linh hoạt rất lớn cho người học"

VietTimes -- Trong thời đại mà Internet đã trở nên phổ biến thì lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học phải có sự thay đổi. Tại Việt Nam, Tập đoàn FPT đã đi tiên phong trong việc mở ra mô hình Đại học Trực tuyến FUNiX. Để tìm hiểu về mô hình này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thành Nam – Hiệu trưởng ĐH FUNiX.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập, Hiệu trưởng ĐH FUNiX
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập, Hiệu trưởng ĐH FUNiX

Trước hết, xin ông cho biết mô hình giáo dục trực tuyến FUNiX có những điểm khác biệt cơ bản gì với giáo dục truyền thống?

Những khác biệt nhất mà chúng ta có thể thấy ở FUNiX nằm ở 4 điểm chính yếu. Đó là độ linh hoạt, tính kỷ luật, tương tác xã hội và khía cạnh Chuyên môn/chuyên sâu.

Về tính linh hoạt, giáo dục trực tuyến có sự linh hoạt rất lớn cho người học, rất phù hợp cho những người bận rộn và bị ràng buộc với các công việc khác như việc gia đình, công việc trên cơ quan, hay sinh viên đang theo học tại các trường Đại học. Người học có thể lựa chọn thời gian, môn học, thậm chí lựa chọn giảng viên phù hợp nhất với bản thân mình.

Trong khi đó, với giáo dục truyền thống người học cần phải tuân thủ chặt chẽ về thời gian, đúng giờ, đúng ngày, đúng môn và đúng giảng viên bất kể lý do gì.

Học trực tuyến đòi hỏi người học phải có khả năng tự học, chủ động với việc học, quản lý thời gian tốt. Trong khi đó thì giáo dục truyền thống, người học cần nhiều kỷ luật và sự nhắc nhở hơn để hoàn thành công việc.

Học trực tuyến, mỗi học viên có thể chủ động tự lựa chọn cách học và tốc độ học phù hợp với mình. Ở FUNiX, khái niệm mỗi người một lớp là như thế. Có bạn sẽ tiến rất nhanh, về đích rất sớm và nhờ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc.

Trong khi đó tại môi trường giáo dục truyền thống thì chương trình và tốc độ học do giáo viên đưa ra chung cho tất cả các học viên.

Về giảng viên, với môi trường như FUNiX, người học sẽ được hỗ trợ, gỡ khó, dẫn dắt, định hướng bởi một đội ngũ giảng viên gọi là Mentor – là những chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuộc phạm trù môn học. Họ sẽ chia sẻ lại cho sinh viên những kỹ năng mà doanh nghiệp của họ cần; những kiến thức chuyên môn mà chính công việc hiện tại của họ yêu cầu.

Đặc biệt chúng tôi có đội ngũ chăm sóc sinh viên (Hannah), cập nhật hàng tuần về kết quả học tập, tiến độ cần đạt... Hannah là người nắm chắc tình hình học tập của từng cá nhân, luôn nhắc nhở, động viên các bạn sinh viên trong suốt quá trình học tập, vì vậy dù học trực tuyến nhưng sinh viên không bao giờ cảm thấy bị lẻ loi.

TS Nguyễn Thành Nam (bên phải) trong một buổi thảo luận với đội ngũ chăm sóc sinh viên của FUNiX
TS Nguyễn Thành Nam (bên phải) trong một buổi thảo luận với đội ngũ chăm sóc sinh viên của FUNiX

Như vậy, trong giáo dục trực tuyến thì người học phải rất chủ động tự học và biết đặt câu hỏi để nhận được những trả lời từ người dạy. Vậy họ có cần phải gặp mặt trực tiếp với người dạy không và những buổi offline sẽ có giá trị như thế nào với họ?

Việc gặp mặt trực tiếp để giao lưu giữa sinh viên và giảng viên cũng giống như bất cứ cuộc giao lưu nào khác luôn luôn là cần thiết. Tuy nhiên, FUNiX đánh giá ưu điểm của nó không phải ở khía cạnh chuyên môn, học thuật. Giá trị lớn nhất mà các buổi offline này mang lại là tính kết nối, là xây dựng cộng đồng. Họ gặp gỡ nhau, vui vẻ, chia sẻ cho nhau các câu chuyện đời, chuyện nghề, công việc... Những điều đó là vô cùng hữu ích, giá trị.

Mỗi tháng, FUNiX đều tổ chức offline cho sinh viên và giảng viên – gọi là xDay. Tại đây, các hoạt động khai giảng, tôn vinh, khen thưởng, chia sẻ chuyên đề, kỹ năng... đồng thời tổ chức. Hàng tháng, sinh viên và giảng viên có những trận giao hữu bóng đá rất vui vẻ. 

Cuối cùng, xin ông cho biết một số kỳ vọng về tương lai của Funix nói riêng và với giáo dục đại học Việt Nam nói chung?

FUNiX là trường đại học cuối cùng mà người học phải mất tiền để nộp học phí. Tri thức cập nhật hàng ngày và mỗi người đều cần tự nâng cấp bản thân. Tốt nghiệp FUNiX, tất cả các học viên đều có khả năng tự học bất cứ kiến thức gì mà họ cần cho công việc và cuộc sống.

Giáo dục trực tuyến là xu thế của giáo dục nói chung và đặc biệt với giáo dục đại học. Mọi ngành học đều có thể áp dụng mô hình này kể với ngành âm nhạc. Chính nhờ môi trường Internet, mọi thông tin đều rất sẵn mà điển hình như Bách khoa thư Wikipedia được hình thành do sự đóng góp công sức của chính cộng đồng người sử dụng Internet. Qua đó, mọi người đều có thể vào đọc để tự học cho mình và thậm chí bổ sung tri thức vào đó. 

Chính vì thế, bên cạnh giáo dục truyền thống, các đại học của Việt Nam nên từng bước cập nhật mô hình mới về giáo dục trực tuyến và chúng tôi rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình. Triển khai giáo dục trực tuyến, chúng ta có thể có được chất lượng đào tạo đại học ở đẳng cấp quốc tế với mức học phí của các nước đang phát triển và phù hợp với khả năng chi trả của người học.

Đại học FUNiX của Tập đoàn FPT khai giảng lần đầu tiên vào ngày 20/11/2015 và mọi quá trình học của sinh viên cũng như giảng viên được diễn ra hoàn toàn thông qua website www.funix.edu.vn của trường này. Đội ngũ giảng viên hoàn toàn là các chuyên gia đang làm việc ở các doanh nghiệp với khoảng 2.700 thành viên. Hiện FUNiX có khoảng 3.000 sinh viên đăng ký học trực tuyến với chuyên ngành đào tạo là kỹ thuật phần mềm. Với sự chủ động trong học tập, không ít sinh viên đã hoàn thành chương trình chỉ trong 1,5 năm.