Khi bí thư tỉnh không là người địa phương

Lê Thọ Bình
Lê Thọ Bình

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ thị 45-CT/TW không đơn thuần là một điều chỉnh kỹ thuật nhân sự, mà là bước ngoặt cải cách thể chế, nhằm phá vỡ sự ràng buộc địa phương và tái định hình nền hành chính dựa trên liêm chính, pháp quyền và năng lực điều hành độc lập.

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, với yêu cầu cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương không đơn thuần là một thay đổi kỹ thuật trong công tác cán bộ, mà là một động thái mạnh mẽ hướng đến cải cách thể chế, chống tham nhũng và xây dựng nền hành chính liêm chính, hiện đại.

Không phải đến bây giờ mới có tư duy “người ngoài cai quản để đảm bảo khách quan”. Từ thời phong kiến, cha ông ta đã vận dụng nguyên tắc này một cách linh hoạt. Các triều đại Lý, Trần, Lê đều không cho phép quan lại làm việc ở quê nhà. Các chức danh như tổng đốc, tuần phủ, tri phủ đều phải được điều động sang nơi khác, để tránh “cả họ làm quan một vùng”, dẫn tới tình trạng cấu kết, bao che sai phạm.

Vua Quang Trung từng nhấn mạnh trong Chiếu Cầu Hiền rằng, người tài thì ở đâu cũng dùng được, không cần biết quê quán, dòng họ. Các danh sĩ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích dù không thuộc phe Tây Sơn, vẫn được trọng dụng – không chỉ vì tài năng, mà còn vì họ không bị ràng buộc bởi mạng lưới quan hệ địa phương.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh TTXVN..jpg
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh TTXVN.

Tư tưởng đó cho thấy, việc điều người “không quen biết địa phương” đến nắm giữ quyền lực là để quyền lực ấy không bị chi phối bởi tình thân, dòng tộc, lợi ích riêng. Mối quan hệ duy nhất còn lại sẽ là với nhân dân và với pháp luật.

Đây không phải là một chủ trương hoàn toàn mới. Từ Đại hội XII, Đảng đã thí điểm bố trí một số vị trí lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương. Tuy nhiên, việc Chỉ thị 45 xác lập đây là yêu cầu cơ bản trong định hướng nhân sự cho Đại hội XIV cho thấy quyết tâm chính trị đã nâng lên một tầm cao mới.

Bài học từ những vụ án tham nhũng quy mô lớn trong thời gian qua càng củng cố cho điều đó: khi quyền lực nằm quá lâu trong tay một người có gốc rễ, họ hàng, bạn bè, doanh nghiệp thân hữu tại địa phương, thì nguy cơ lạm dụng quyền lực, “thâu tóm cả hệ thống” là rất lớn.

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang là trung tâm phân bổ đầu tư công, tài nguyên đất đai, đấu thầu dự án, thì yêu cầu “người đứng đầu phải không ràng buộc” càng trở nên cấp bách. Không phải ai “ngoại tỉnh” cũng là tốt, nhưng rõ ràng, người ngoài cuộc thì dễ giữ được sự vô tư hơn trong điều hành và xử lý sai phạm.

Trung Quốc là một quốc gia gần gũi với Việt Nam về cơ cấu tổ chức hành chính. Ở nước này, nguyên tắc điều động bí thư tỉnh uỷ từ tỉnh khác đã được duy trì suốt hai thập kỷ qua. Người được bổ nhiệm thường là cán bộ trung ương, được luân chuyển đến các vùng miền xa lạ, vừa để họ thoát khỏi ảnh hưởng địa phương, vừa giúp mở rộng tầm nhìn quản trị đa vùng.

Tại Hàn Quốc, hệ thống bổ nhiệm công chức cao cấp tại các địa phương được thực hiện một cách công khai và cạnh tranh. Các giám đốc sở, ban ngành cấp tỉnh không nhất thiết phải là người địa phương, mà phải trải qua quy trình xét tuyển, kiểm định năng lực chuyên môn và đạo đức hành chính. Điều này giúp giảm tình trạng cát cứ, đồng thời tạo điều kiện cho các sáng kiến cải cách hành chính mang tính trung ương- địa phương hài hòa.

Việt Nam đã có những bước đi tương tự, và giờ là lúc cần thể chế hóa để trở thành thông lệ chuẩn trong công tác cán bộ.

Tuy vậy, thành công của chủ trương này không nằm ở nơi sinh của cán bộ, mà ở chất lượng, bản lĩnh và khả năng thích ứng của người được lựa chọn. Không thể lấy tiêu chí “không phải người địa phương” như một thứ đảm bảo duy nhất cho sự liêm chính. Nếu người đó yếu về năng lực, không hiểu văn hóa bản địa, hoặc không được sự phối hợp từ đội ngũ địa phương, họ có thể rơi vào trạng thái cô lập, điều hành bị động, thậm chí trở thành bù nhìn.

Vì thế, để chủ trương đi vào thực chất, cần đồng thời: Tuyển chọn cán bộ dựa trên năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm thực tiễn chứ không chỉ địa lý lý lịch; Đào tạo bài bản khả năng quản lý liên vùng, hiểu tâm lý vùng miền và kỹ năng lãnh đạo thích ứng; Tăng cường cơ chế giám sát quyền lực từ nhiều phía: tổ chức đảng, cơ quan dân cử, báo chí và nhân dân, để dù người đó là ai, ở đâu, cũng không thể vượt qua khuôn khổ đạo đức công vụ và pháp luật.

Chỉ thị 45 không chỉ là một biện pháp kỹ thuật về nhân sự, mà là bước mở đầu cho một tư duy mới: nền công vụ phải phi cá nhân hóa. Chúng ta đang dần chuyển từ hệ thống “quản trị theo quan hệ” sang một hệ thống “quản trị theo thể chế”, nơi cán bộ không còn là “người nhà của tỉnh”, mà là người đại diện cho Đảng, Nhà nước và lợi ích công.

Một vị bí thư tỉnh uỷ không gắn bó địa phương, nhưng gắn bó với kỷ cương pháp luật, với chuẩn mực đạo đức công vụ- mới chính là hình mẫu lãnh đạo mà nền hành chính hiện đại cần hướng tới.

Chúng ta cần nhiều hơn nữa những người “lạ mặt nhưng không xa lạ” với dân, những cán bộ có đủ tầm nhìn, bản lĩnh và sự công tâm để đặt lại trật tự giữa công và tư, giữa phát triển và liêm chính.