Yêu cầu “siết” kinh doanh mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử, TikTok, Zalo, Facebook, YouTube

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các Sở Y tế tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook, YouTube... và chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.

anh 1.jpg
Cơ quan chức năng phát hiện hàng tấn mỹ phẩm giả ở Đắk Lắk.

Nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm

Thời gian qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và các Sở Y tế đã phát hiện nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Trao đổi với VietTimes vào chiều nay, 23/4, ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – cho biết vi phạm chủ yếu là sản xuất mỹ phẩm tại cơ sở chưa được Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; kinh doanh mỹ phẩm có thành phần công thức không đúng với hồ sơ công bố; thay đổi nội dung đã công bố như thay tên doanh nghiệp, địa điểm/địa chỉ kinh doanh, người đại diện theo pháp luật, số điện thoại … nhưng chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không lưu giữ Hồ sơ thông tin sản phẩm và không xuất trình cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

Mặt khác, trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, YouTube...) có tình trạng kinh doanh mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, chưa được cơ quan quản lý cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, có dấu hiệu tiêu thụ mỹ phẩm nhập lậu và trốn thuế.

z2546322278503_aa96f00563f6ad195b7d6db4a7aee305.jpg
Lực lượng chức năng thu giữ mỹ phẩm giả

Đang xảy ra hành vi quảng cáo mỹ phẩm không đúng bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm là thuốc; nội dung quảng cáo mỹ phẩm sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế…

Vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý mỹ phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ công bố, thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo.

Tăng cường kiểm tra kinh doanh mỹ phẩm online

Các Sở Y tế cần phối hợp với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.

Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử và TikTok, Zalo, Facebook, YouTube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; quảng cáo mỹ phẩm vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố hoặc gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc.

Cục Quản lý Dược chỉ đạo các Sở Y tế xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, các Sở Y tế phải chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm (giá trị hàng hóa lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, sai phạm có tổ chức, tái phạm…).

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải thực hiện nghiêm quy định về quản lý mỹ phẩm để kê khai và cập nhật thay đổi, bảo đảm trung thực; lưu giữ Hồ sơ thông tin sản phẩm và xuất trình khi được yêu cầu; không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận; hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, chất lượng và hiệu quả sản phẩm.