Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu phản lực từ những năm 1960, được xuất khẩu rộng rãi trong Chiến tranh Lạnh, nhưng Trung Quốc chỉ nổi lên như một nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực hàng không chiến đấu trong những năm 2010 khi khoảng cách giữa Đại Lục và các nước lớn trong ngành như Mỹ và Nga được thu hẹp. Điều này có lẽ đã được thể hiện rõ nhất qua chương trình máy bay chiến đấu J-20 được triển khai vào tháng 3/2017. Đây là một trong những chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới.
Khả năng của J-20 đã chứng minh rằng Trung Quốc đã dần bắt kịp với các đối thủ như Nga, Mỹ và một số nước châu Âu. Ngoài J-20, Trung Quốc cũng được biết đến với bộ đôi máy bay J-16 và J-10C 'thế hệ 4+'. Mặc dù Trung Quốc là một trong ba quốc gia sản xuất máy bay chiến đấu hạng nặng, cùng với Mỹ và Nga, nhưng không giống như Nga, Trung Quốc không tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu hạng nặng mà phân bổ phát triển máy bay chiến đấu ở các hạng khác nhau. Nổi bật là bộ đôi máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-10 và JF-17 lần đầu tiên được đưa vào phục vụ vào năm 2006 và 2008. J-10 được phát triển để sử dụng trong lực lượng Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), còn chiếc JF-17 được sản xuất để phục vụ cho mục đích xuất khẩu.
J-20 bay cùng với J-10C và J-16 (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Những phiên bản đầu tiên của J-10 và JF-17 được đánh giá là "tầm thường". Tuy nhiên những phiên bản nâng cấp sau đã tạo nên cuộc cách mạng cho bộ đôi máy bay chiến đấu hạng nhẹ này. Phiên bản mới nhất của J-10, J-10C, được đưa vào biên chế PLA vào mùa xuân năm 2018 với ước tính khoảng 150 chiếc hoạt động vào cuối năm 2020. J-10C đóng vai trò bổ sung cho các máy bay chiến đấu J-16 và J-20 hạng nặng, với nhu cầu bảo trì và chi phí vận hành thấp hơn nhiều cho phép máy bay được triển khai rất rộng rãi để thay thế các máy bay cũ hơn như J-7. Các tính năng đáng chú ý trên J-10C bao gồm động cơ vectơ lực đẩy, radar AESA, hệ thống điện tử hàng không và tác chiến điện tử mới, đáng chú ý nhất là tên lửa không đối không PL-15 và PL-10. Những cải tiến trên J-10C sau đó cũng được áp dụng cho JF-17, với biến thể JF-17 Block 3 được sản xuất để xuất khẩu. JF-17 Block 3 đã được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019.
J-10 (bên phải) và J-17 (bên trái) (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Mặc dù J-10 và JF-17 đều là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nhưng hai loại máy bay này có một số điểm khác nhau. JF-17 có thể được phân loại là máy máy chiến đấu hạng "rất nhẹ", tương đương với F-20 của Mỹ hoặc Gripen của Thụy Điển. J-10 có trọng lượng tương đương với F-16 của Mỹ hoặc F-2 của Nhật. J-10, giống như F-16, sử dụng một động cơ duy nhất, động cơ thừa hưởng từ máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nặng (F-16 sử dụng động cơ F110 của F-15 và J-10 sử dụng động cơ WS-10 của J-11 và J-16). Ngược lại, các máy bay chiến đấu hạng "rất nhẹ" sử dụng động cơ đôi có trọng lượng trung bình chứ không sử dụng động cơ của máy bay chiến đấu hạng nặng. JF-17 sử dụng phiên bản cải tiến mạnh mẽ của động cơ RD-33 trên chiếc MiG-29 của Nga. Do đó, trong khi J-10C có hiệu suất tương đương với F-21 của Mỹ (một biến thể nâng cấp của F-16), thì JF-17 Block 3 có thể so sánh với Gripen E của Thụy Điển và cả hai đều được phát triển theo triết lý thiết kế tương tự.
Do nhẹ hơn và sử dụng động cơ nhỏ nên JF-17 có giá thành rẻ, dễ vận hành và bảo trì hơn so với J-10. Đây là một trong những yếu tố giúp cho JF-17 có thể cạnh tranh với dòng máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển. J-10 có chi phí vận hành và sản xuất đắt hơn JF-17, nhưng con số này vẫn rất rẻ nếu so với các loại máy bay phản lực hạng trung hoặc hạng nặng như J-16. J-10 được trang bị hệ thống radar lớn hơn đi cùng với động cơ WS-10 mạnh mẽ mang lại cho máy bay khả năng cơ động vô song và khả năng tăng tốc nhanh nhất thế giới đối với loại máy bay chiến đấu một động cơ. JF-17 Block 3, mặc dù về tổng thể kém hơn đôi chút so với J-10C, nhưng vẫn có thể gây ra một mối đe dọa tương đương trong chiến đấu nhờ được trang bị tên lửa không đối không PL-15 và PL-10. Tên lửa PL-15 kết hợp với radar AESA cho phép JF-17 Block 3 có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 200-300 m, trong khi PL-10 được kết hợp với các ống ngắm cho phép máy bay tấn công mục tiêu nhanh chóng. Việc tích hợp tên lửa PL-10 giúp bù đắp cho phần khung máy bay kém linh hoạt của JF-17.
Cả 2 mẫu máy bay J-10C và F-17 Block 3 đều được trang bị tên lửa không đối không PL-15 và PL-10 (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Đối với nhiều khách hàng có ngân sách quốc phòng thấp hoặc muốn duy trì quy mô hạm đội lớn, F-17 Block 3 có thể được coi là giải pháp tiết kiệm hơn so với J-10C do chi phí vận hành của F-17 thấp hơn nhiều. Với những công nghệ được cải tiến hơn so với các biến thể JF-17 trước đó, JF-17 Block 3 được cho là rất hấp dẫn đối với các khách hàng nước ngoài. Không quân Pakistan đã mua song song cả 2 loại máy bay chiến đấu JF-17 Block 3 và J-10C của Trung Quốc, đây là minh chứng cho sự hấp dẫn của hai loại máy bay hạng nhẹ kể trên. JF-17 Block 3 và J-10C sẽ giúp Pakistan trong việc chống lại các máy bay chiến đấu hiệu suất cao của Ấn Độ, mở ra khả năng chấm dứt bất lợi trên không mà nước này phải đối mặt kể từ giữa những năm 1980 khi Không quân Ấn Độ có được những chiếc MiG-29 đầu tiên. Mặc dù không có hiệu suất bay vượt trội như MiG-29, nhưng JF-17 Block 3 có thể bù đắp bằng hệ thống điện tử hàng không, cảm biến và tên lửa tiên tiến hơn.
JF-17 Block 3 dự kiến sẽ phổ biến hơn nhiều so với các biến thể cũ trên thị trường xuất khẩu do những nâng cấp công nghệ độc đáo và chi phí vận hành thấp. Ai Cập, Iran và Myanmar được coi là một trong những khách hàng tiềm năng hàng đầu của JF-17 Block 3. J-10C và JF-17 Block 3 dự kiến sẽ cạnh tranh với MiG-35 và MiG-29M của Nga, những loại máy bay tương tự như JF-17 được phát triển chủ yếu cho thị trường xuất khẩu. Chi phí vận hành bảo dưỡng thấp, cùng với việc được tích hợp tên lửa không đối không PL-10 và PL-15 là lợi thế lớn giúp J-10C và JF-17 Block 3 có khả năng đánh bại những đối thủ đến từ Nga (Nga chưa tích hợp bất kỳ tên lửa tương đương nào trên các mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ). Giống như Pakistan, các khách hàng khác có thể cân nhắc mua cả hai loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Trung Quốc để hoạt động cùng nhau trong các vai trò bổ sung.
Theo Military Watch Magazine