Trong bài tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân đang diễn ra tại Nghệ An, ông Atsusuke Kawada cho biết từ tháng 10 đến tháng 12/2014, JETRO đã thực hiện bản điều tra đánh giá môi trường kinh doanh tới 7.815 công ty Nhật Bản đầu tư tại 15 nước thuộc khối ASEAN, Tây Nam Á, Châu Đại Dương, có 3.208 công ty đã trả lời trong đó có 458 công ty tại Việt Nam.
Kết quả cho thấy có đến 57,5% doanh nghiệp cho biết điểm mạnh môi trường đầu tư của Việt Nam là tình hình chính trị, xã hội ổn định; 53,7% và hơn 50% xem giá nhân công rẻ là điểm mạnh; 46,8% doanh nghiệp coi quy mô thị trường và tiềm năng phát triển là điểm mạnh.
Tuy nhiên, chỉ có 5,9% doanh nghiệp chọn “ít rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp” là điểm mạnh và đó là câu trả lời chiếm tỉ lệ thấp nhất.
"Tôi nghe nói rằng nhân viên quản lý người Nhật gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp với nhân viên người Việt. Tôi hy vọng rằng các nhân viên Việt Nam cần tiếp tục cải thiện kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh", ông Atsusuke Kawada bày tỏ.
Đặc biệt, ông Atsusuke Kawada cũng cho biết, khi được hỏi về “rủi ro trong môi trường đầu tư” thì có 58,1% doanh nghiệp chỉ ra đó là “sự gia tăng chi phí nhân công”.
Tiếp theo sau là có 42,4% doanh nghiệp cho là “sự phức tạp trong các thủ tục hành chính”, 38,9% doanh nghiệp cho là “cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện”, 38,4% doanh nghiệp cho là “sự phức tạp trong hệ thống thuế và thủ tục thuế”, và 36,5% doanh nghiệp cho là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”.
"Điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam coi là vấn đề nhất đó là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch” chiếm 60,3%", ông Atsusuke Kawada thông tin thêm.
Trong khi đó, chỉ số tương tự cho thấy tại Myanmar là 79,6%, Campuchia là 75% do đó so với 2 nước này Việt Nam đang trong tình trạng "không phải là hệ thống luật pháp chưa được thiết lập và hoạt động không minh bạch” nhưng “hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện và đang vận hành thiếu minh bạch hơn cả Indonesia và Bangladesh...
Ngoài ra, ông Atsusuke Kawada cũng cho biết, liên quan đến "sự phức tạp trong thủ tục hành chính" có những vấn đề như "bị yêu cầu lệ phí không chính thức" trong thuế quan, “thời gian thẩm tra không rõ ràng” khi thay đổi hay gia hạn giấy phép đầu tư hay “tiêu chuẩn thẩm tra thiếu minh bạch” trong giấy phép đầu tư của các công ty kinh doanh ngành dịch vụ”.
Vị đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, mặc dù các chỉ số trên đã giảm xuống nhưng vẫn ở con số tương đối cao do đó cần cải thiện hơn nữa.
Đồng thời cho biết, trong tương lai, có khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Bizlive