Thuế hơn 3.200 mặt hàng về 0%: Hàng Nhật sẽ ồ ạt qua Việt Nam?

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, cho biết việc này không có gì tiêu cực, bởi hàng hóa Nhật có chất lượng tốt được nhập vào Việt Nam bán rộng rãi là tất nhiên và việc này người dân Việt Nam được lợi trước tiên.
Thuế hơn 3.200 mặt hàng về 0%: Hàng Nhật sẽ ồ ạt qua Việt Nam?

Bộ Tài chính vừa ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với một loạt nhóm mặt hàng nhằm thực hiện Hiệp định kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019.

Theo đó từ ngày 1/4, có 3.234 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản được hưởng thuế suất 0%. Nhóm mặt hàng thuế nhập khẩu 0% gồm chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hóa chất, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Theo lộ trình, từ ngày 1/4 cho đến hết năm 2019, thêm nhiều nhóm mặt hàng khác được nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được áp mức thuế nhập khẩu 0%.

Để được hưởng thuế suất 0%, theo cam kết, hàng hóa cần đáp ứng các yêu cầu: Thuộc biểu thuế nhập khẩu, nhập khẩu trực tiếp và thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản mẫu VJ (viết tắt là C/O - Mẫu VJ) theo quy định của Bộ Công thương.

Hàng Nhật Bản len lỏi vào VN

Hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu sang Nhật Bản 32 nhóm mặt hàng. Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 14,7 tỷ USD.

Trong 32 nhóm mặt hàng chính xuất khẩu sang Nhật Bản, xuất hiện nhiều mặt hàng tỷ đô. Cụ thể, trong năm 2014, giá trị xuất khẩu mặt hàng dệt may sang Nhật Bản đã vượt ngưỡng 2,6 tỷ USD. Nhật Bản là một trong những thị trường hàng đầu của dệt may Việt Nam bên cạnh các thị trường lớn khác như: Mỹ, EU và Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, nhóm mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng xuất khẩu sang Nhật Bản đạt trên 2 tỷ USD. Dầu thô là hơn 1,5 tỷ USD; các loại máy móc thiết bị, phụ tùng khác là 1,4 tỷ USD; hàng thủy sản đạt 1,1 tỷ USD...

Thuế hơn 3.200 mặt hàng về 0%: Hàng Nhật sẽ ồ ạt qua Việt Nam? ảnh 1

 Ở chiều ngược lại, năm 2014 Việt Nam cũng nhập khẩu hàng hóa từ Nhật với số lượng lớn. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản của Việt Nam năm 2014 đạt 12,9 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng lên tới trên 3,7 tỷ USD. Nhập khẩu máy tính, linh kiện là trên 1,9 tỷ USD; nhập khẩu sắt thép cũng lên tới trên 1,4 tỷ USD.

Như vậy, năm 2014 Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản là 1,8 tỷ USD. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu các loại hàng hóa của Nhật Bản lên tới 2,15 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD

Với việc hơn 3200 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản về 0%, nhiều người lo ngại hàng Nhật sẽ ồ ạt sang Việt Nam với giá rẻ hơn trên cơ sở những trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ đã và đang xây dựng tại đây. Trên thực tế, từ rất lâu người Việt đã có miễn nhiệm hàng Nhật có chất lượng tốt và bộ phận đông đảo đã có thói quen tiêu dùng hàng hóa Nhật Bản.

Tuy nhiên, xét về khách quan, đây cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam rộng cửa, hiên ngang vào thị trường Nhật và ngược lại. Cơ hội chia đều cho hai bên.

Tăng cường thâu tóm siêu thị Việt

Các đại gia bán lẻ Nhật Bản đang quyết liệt đánh chiếm giành thị phần phân khúc bán lẻ của Việt Nam. Minh chứng rõ ràng đó là việc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) hợp tác cùng với Fivimart, Citimart để đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ quan trọng thứ 2 của Aeon tại Đông Nam Á.

Về việc bất ngờ nắm quyền chi phối hai siêu thị trên, ông Okada, Tổng Giám đốc Aeon nhận định hai siêu thị Fivimart và Citimart đều là các siêu thị có giá trị và có nhiều thế mạnh.

Mỗi doanh nghiệp có khoảng 20 siêu thị ở 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM. Việt liên kết với doanh nghiệp địa phương để đánh vào tâm lý tiêu dùng của người Việt sẽ dễ dàng hơn là đơn lẻ hoạt động.

Theo giới phân tích, ngoài việc trực tiếp mua cổ phiếu tham gia vào các chuỗi bán lẻ của Việt Nam, các đại gia Nhật Bản còn mạnh tay rót vốn mở các siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn tại các thành phố lớn của cả nước. Bằng 2 cách này, các nhà đầu tư Nhật Bản muốn thực hiện hóa tham vọng thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực điện máy, thương mại điện tử cũng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Cuối năm 2014, 3 tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực thương mại điện tử tại Nhật Bản gồm SBI Holdings, Econtext ASIA và BEENOS đã ký kết hợp tác với Công ty Sen Đỏ và nắm giữ 33% cổ phần của doanh nghiệp này.

Công ty Sen Đỏ trực thuộc tập đoàn FPT hiện đang sở hữu 2 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam là Sendo.vn và 123mua.vn.

Hàng hóa Nhật tràn vào Việt Nam

Với việc thuế suất về 0% theo lộ trình và việc các đại gia Nhật Bản tăng cường kênh phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, một câu hỏi đặt ra là liệu hàng hóa Nhật Bản có ồ ạt tràn vào Việt Nam và làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt?

Một số doanh nghiệp Việt lo sợ tâm lí sính hàng ngoại của người dân sẽ nặng nề hơn khi mà hàng hóa Nhật Bản trong thời gian tới sẽ có cuộc đổ bộ mạnh mẽ vào VN theo 2 kênh phân phối như trên.

Xét trên thực tế, hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam khi các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ thì giá cả sẽ mềm mại và chủng loại cũng đa dạng, phong phú hơn cho người được lựa chọn.

Nói về việc các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản thâu tóm doanh nghiệp Việt và tạo cơ sở để đưa hàng hóa Nhật vào tiêu thụ PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm thương hiệu, trường Đại học Thương Mại cho biết việc này không có gì tiêu cực, bởi hàng hóa Nhật có chất lượng tốt được nhập vào Việt Nam bán rộng rãi là tất nhiên. Hơn nữa, việc này người dân Việt Nam được lợi trước tiên bởi được tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng của Nhật mà không phải mất công đặt hàng, chờ đợi như trước đây.

Về phía các doanh nghiệp Việt, một khi không nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá, đầu tư cho chất lượng thì rất khó để vào các siêu thị ngoại ngay trên đất nước mình cũng như trong công cuộc hội nhập toàn cầu.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết việc đại gia Nhật vào Việt nam mở các siêu thị, trung tâm thương mại hay mua cổ phần doanh nghiệp là xu hướng chung, Việt Nam nếu đủ mạnh cũng có thể sang nhiều nước đầu tư.

"Tuy nhiên, phải nói rằng khi các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam mở các chuỗi bán lẻ chắc chắn hàng Nhật sẽ được tăng cường nhưng không có nghĩa là siêu thị Nhật Bản mở ra thì chỉ được bán hàng hóa của nước này. Có thể hàng hóa Việt Nam vẫn được bán công khai tại các siêu thị của Nhật nếu như người dân có nhu cầu sử dụng", vị này nói.

Theo NĐH