Nói về các hệ thống phòng thủ đánh chặn đường không trên thế giới hiện nay, Israel được coi là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, trong đó nổi tiếng nhất là hệ thống “Iron Dome” (Vòm sắt) chuyên đánh chặn các mối đe dọa tầm thấp như đạn súng cối, tên lửa (missile) và rocket giá rẻ, bảo vệ nhiều khu vực của Israel kể từ năm 2011 đến nay. Theo thống kê từ năm 2014 đến nay, hệ thống “Iron Dome” đã đánh chặn được khoảng 1.200 quả tên lửa và rocket do nhóm vũ trang Hamas của người Palestine phóng từ dải Gaza sang, với tỷ lệ thành công lên tới 90%.
Nay, Israel đã đưa ra một hệ thống phòng thủ mới có tên “Iron Beam” (Tia sắt) - một hệ thống vũ khí tia laser công suất 100.000 watt - để bổ sung cho “Iron Dome”. Hệ thống phòng không “Iron Beam” này được Công ty Rafael Advanced Defense Systems phát triển.
Theo trang web wearethemighty.com sau 5 cuộc chiến tranh giữa Israel và các nước Ả Rập đều kết thúc bằng phần thắng thuộc về mình, Israel về cơ bản đã không gặp phải các cuộc tấn công quy mô lớn do các quốc gia này phát động; nhưng chiến tranh du kích và các cuộc tập kích vũ trang quấy rối thì luôn xảy ra. Đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa tự chế giá thành rẻ, có độ chính xác thấp, Israel đã đưa ra hệ thống “Iron Dome” tầm ngắn, mỗi tổ hợp có 16 quả tên lửa Tamir, là loại được cải tiến từ tên lửa không đối không do Israel chế tạo, có thể phòng thủ trong bán kính 70 km.
Sơ đồ hoạt động của hệ thống Iron Beam (Ảnh: TOI). |
Mặc dù tên lửa Tamir khá hiệu quả nhưng nó không hề rẻ, chi phí sản xuất thời kỳ ban đầu là 100.000 USD/quả, hiện tại đã giảm xuống còn 50.000 USD/quả, nhưng vẫn đắt hơn nhiều so với các tên lửa tự chế và đạn súng cối của Hamas. Dù Israel có đánh chặn thành công chúng hay không thì đó vẫn là “kinh doanh thua lỗ”. Vì vậy, Israel đang phát triển một thiết bị đánh chặn chùm tia laser, được gọi là "Iron Beam", không phải để thay thế hoàn toàn hệ thống “Iron Dome”, mà là để hỗ trợ.
Theo báo cáo, "Iron Beam" có công suất 100.000 watt và có thể đánh chặn tên lửa, đạn súng cối và thậm chí cả máy bay không người lái cỡ nhỏ trong phạm vi 20 km. Theo các nhà phát triển, chỉ cần khoảng 5 giây chiếu xạ liên tục "Iron Beam" có thể phá hủy các mục tiêu trên không, bao gồm gây hỏng hóc hoặc làm chúng phát nổ sớm. Do mỗi lần chiếu tia laser chỉ cần sử dụng điện năng nên không hạn chế về đạn dược, giá thành rẻ hơn, hiện nay hệ thống vẫn đang được điều chỉnh dải công suất, khi cần thiết có thể tăng lên đến 300.000 watt để tăng thêm tầm bắn và hiệu quả đánh chặn.
Israel là một quốc gia có kẻ thù ở ít nhất ba đường biên giới: Syria, Lebanon và Dải Gaza; Israel cho rằng các tổ chức vũ trang bị coi là khủng bố như Hamas và Hezbollah không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tấn công các vị trí của IDF (lực lượng phòng vệ tức Quân đội) hoặc dân thường Israel.
Tổ hợp tên lửa của hệ thống Iron Dome phóng tên lửa đánh chặn các rocket của Hamas năm 2021 (Ảnh: wearethemighty.com). |
Phần lớn các phương pháp tấn công của các nhóm này là phóng ngẫu nhiên tên lửa, rocket và nhắm mục tiêu một cách ngẫu nhiên. Những tên lửa và đạn rocket này thường được phóng từ các mái nhà ở Gaza hoặc từ các vị trí di chuyển dọc biên giới Israel-Lebanon. Chúng chủ yếu nhắm vào các khu dân cư đông đúc. Những cuộc tấn công này là thách thức đối với an ninh của Israel kể từ đầu những năm 1990. Hàng trăm, có khi hàng ngàn tên lửa được bắn vào Israel mỗi năm.
Israel bắt đầu phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa “Iron Dome” vào năm 2007 để chống lại các cuộc tấn công này. Hệ thống “Iron Dome” có các khẩu đội tên lửa độc lập được lập trình để bảo vệ khu vực có bán kính 150 dặm bằng cách phóng các tên lửa Tamir chống tên lửa, phóng nhiều tên lửa thay vì chỉ một hoặc hai quả, cho phép hãn hữu một hoặc hai tên lửa vượt qua được “Iron Dome”. Hệ thống này tuy không thật hoàn hảo nhưng đã cứu mạng nhiều người Israel.
Giờ đây, Israel đang phát triển một phiên bản vũ khí định hướng năng lượng là “Iron Beam” chống tên lửa, đạn súng cối và thậm chí cả máy bay không người lái nhỏ, để tăng cường khả năng phòng thủ của “Iron Dome”. Những cuộc thử nghiệm ban đầu đã thuyết phục chính phủ Israel rằng loại vũ khí này không chỉ khả thi mà còn có thể hoạt động sớm hơn nhiều so với những gì các nhà phê bình đề xuất.
"Chúng tôi không còn vấn đề gì về công nghệ hay khoa học nữa... giờ đây là vấn đề về mặt kỹ thuật… chúng tôi đã chứng minh rằng nó hoạt động tốt", Michael Lurie, Giám đốc điều hành sắp tới của Rafael USA nói với Breaking Defense “câu hỏi không phải là liệu chúng ta có làm không, mà là câu hỏi khi nào, sẽ mất bao lâu. IDF muốn nó hoạt động ngay hôm nay, ngày mai. Nhưng tôi nghĩ đây là một nỗ lực sẽ mất hai đến ba năm trước khi có một hệ thống hoạt động.”
Do hệ thống này được thiết kế để tăng cường thay vì thay thế hệ thống “Iron Dome”hiện có, nên “Iron Beam” có khả năng giảm lượng tên lửa tấn công các mục tiêu dân sự xuống con số 0. Những tiến bộ này thậm chí thu hút sự chú ý của các nhà thầu quốc phòng Mỹ, những người đã bắt đầu đổ tiền vào dự án.
Tờ Times of Israel đưa tin, ông Yaniv Rotem, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Israel, nói: “Việc sử dụng laser sẽ ‘thay đổi cuộc chơi’ trên chiến trường, công nghệ này dễ vận hành và hợp lý về mặt kinh tế”.
Đoạn video do Bộ Quốc phòng Israel công bố cho thấy hệ thống phòng không dựa trên chùm tia laser này đã đánh chặn thành công tên lửa, đạn cối và máy bay không người lái.
Bộ Quốc phòng Israel đã thử nghiệm hệ thống phòng không “Iron Beam” trong mấy năm, sử dụng nó để bắn hạ máy bay không người lái và các mối đe dọa trên không khác, bao gồm cả tên lửa không điều khiển và phương tiện chống tăng, nhưng đoạn video do Bộ Quốc phòng Israel công bố không cho thấy cảnh đánh chặn tên lửa chống tăng.
Đơn vị nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Israel ban đầu lên kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa vào năm 2024, nhưng quân đội muốn đẩy nhanh tiến độ.
Radar của hệ thống Iron Dome (Ảnh: wearethemighty.com). |
Sự háo hức của chính phủ Israel dường như được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng “Iron Dome” của quân đội và các hệ thống phòng không khác sẽ không có đủ tên lửa phòng không để bắn hạ rocket, tên lửa và máy bay không người lái trong một cuộc xung đột trong tương lai.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng thành công công nghệ laser cực mạnh để phát triển hệ thống phòng không hiệu quả và thể hiện tác dụng đánh chặn trong các tình huống chiến đấu.
Israel đã chi hàng trăm triệu shekel cho giai đoạn nghiên cứu phát triển và thử nghiệm cuối cùng; trong giai đoạn thử nghiệm, hệ thống này sẽ được lắp đặt tại điểm giao nhau của Israel và Dải Gaza.
Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống laser là khó hoạt động chính xác khi tầm nhìn hạn chế như mây mù dày đặc, do đó Bộ Quốc phòng Israel cũng có ý định lắp đặt hệ thống này trên máy bay để vượt qua hạn chế về thời tiết này.