IEA: Thời kỳ hoàng kim của khí đốt sắp tới hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhu cầu khí tự nhiên có khả năng cao sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 là muộn nhất và sau đó bắt đầu giảm, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Thời kỳ hoàng kim của khí tự nhiên thực chất là giai đoạn những năm 2010, khi nhu cầu liên tục tăng (Nguồn: Getty Images)

Thời kỳ hoàng kim của khí tự nhiên thực chất là giai đoạn những năm 2010, khi nhu cầu liên tục tăng (Nguồn: Getty Images)

Giai đoạn trông giống như khởi đầu của một thời kỳ vàng son của khí tự nhiên thực ra lại sát với thời kỳ kết thúc của nó, theo dự báo được đưa ra trong báo cáo về viễn cảnh năng lượng thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

IAE cho rằng thời kỳ hoàng kim của khí tự nhiên thực chất là vào khoảng những năm 2010, khi nhu cầu tăng trưởng liên tục và khí đốt thay thế than đá để trở thành nguồn sản sinh điện năng chính ở nước Mỹ.

Tuyên bố trên gây ra sự bất ngờ bởi khí đốt hiện nay xuất hiện trên tin tức nhiều hơn bao giờ hết, và giá cả đã tăng vọt trong bối cảnh thiếu nguồn cung và nhu cầu cao ở châu Âu và nhiều nơi khác. Những người ủng hộ khí tự nhiên cho rằng nó là thứ nhiên liệu quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, và sẽ còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ tới, giúp sưởi ấm các hộ gia đình và vận hành các mạng lưới điện.

Giảm sử dụng khí đốt – điều đã được lường trước – là một phần trong quá trình chuyển đổi mà chắc chắn sẽ khiến cho tỷ lệ sử dụng tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh vào giữa thập kỷ này, theo IEA. Đó sẽ là một cột mốc mang tính lịch sử. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã bắt đầu trỗi dậy kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ 18. IEA chưa từng đưa ra dự báo về thời kỳ đạt đỉnh trong ngắn hạn của nhiên liệu hóa thạch.

Ngay cả trong viễn cảnh ít khắc nghiệt nhất, nhu cầu khí tự nhiên có khả năng cao sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 là muộn nhất và sau đó bắt đầu đà suy giảm, theo IEA.

Có một vài lý do để lý giải đà suy giảm đó, nhưng một lý do quan trọng trong số đó là việc Nga mới đây ngừng cung cấp khí tự nhiên cho phần lớn châu Âu. Có rất ít khả năng dòng chảy khí đốt tới châu Âu sẽ được nối lại, ít nhất là không phải với khối lượng như trước kia, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc. Trong khi đó, khả năng vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Á lại hạn chế, bởi vậy tổng lượng khí tự nhiên xuất khẩu của họ chắc chắn sẽ giảm.

Thêm vào đó, việc Mỹ và châu Âu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang năng lượng tái sinh cũng sẽ làm thu hẹp tỷ lệ sử dụng năng lượng được sinh ra bởi khí tự nhiên.Hầu như tất cả khả năng sản sinh điện năng mới ở cả Mỹ và châu Âu đều là từ các nguồn tái sinh như điện gió hay điện mặt trời, và tốc độ tăng trưởng năng lượng tái sinh chắc chắn sẽ gia tăng nhờ vào sự ủng hộ của chính phủ.

Các khoản đầu tư của toàn cầu đối với các loại năng lượng tái sinh có thể tăng lên tới 2,1 nghìn tỉ USD vào năm 2030, từ mức 1,3 nghìn tỉ trong năm 2021, theo dự báo của IEA. Theo các chính sách mới đầy quyết liệt, những khoản đầu tư này có thể còn tăng thêm nữa. Ngày càng có thêm nhiều người muốn tìm đến các nguồn năng lượng khác để làm ấm, thay vì sử dụng khí đốt.

Tuy nhiên, sự suy giảm trong sử dụng khí đốt cũng là vì những nguyên nhân khác – ví dụ như một số quốc gia tạm thời quay trở lại sử dụng than đá và dầu thay vì khí đốt, bởi giá khí đốt tăng mạnh, theo IEA.

“Giá khí đốt giao ngay đã đạt đến những con số chưa từng thấy trước đây,” IEA cho hay. Nhưng cơ quan này kỳ vọng rằng việc sử dụng than đá sẽ giảm nhanh chóng. Ngay cả Trung Quốc cũng sẽ sử dụng ít than đá hơn và chấm dứt hoàn toàn vào cuối thập kỷ này.

IEA cũng cho rằng thông tin về cuộc khủng hoảng năng lượng là định hướng sai.

“Các chính sách về biến đổi khí hậu và cam kết trung hòa carbon chính là nhân tố góp phần khiến cho giá năng lượng tăng cao, có đủ bằng chứng cho điều này,” IEA nói. “Ở những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái sinh cao hơn thường kéo theo giá điện thấp hơn, và các ngôi nhà sử dụng năng lượng hiệu quả cùng với việc sưởi ấm bằng điện năng là một bước đệm quan trọng đối với một số người tiêu dùng.”

Trong ngắn hạn, dự báo về sự suy giảm của khí tự nhiên có thể không gây nhiều tác động tới các nhà sản xuất và vận chuyển khí đốt.

IEA vẫn kỳ vọng rằng giá cả và nhu cầu khí đốt vẫn ở mức cao trong nhiều năm tới trước khi giảm, và khí hóa lỏng (LNG) sẽ lên ngôi trong chuỗi cung ứng trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Nga suy giảm.

Nhưng điều này có thể làm phức tạp hơn tranh luận của một số người ủng hộ khí tự nhiên rằng cần phải xây thêm các đường ống dẫn khí và kho cảng xuất khẩu.

Những cơ sở hạ tầng đó sẽ còn tồn tại trong nhiều thập kỷ nữa, có nghĩa rằng các hãng rót vốn xây dựng chúng sẽ phải dự đoán dòng chảy của tiền trong giai đoạn dài hơn là vài năm.

Những công ty như Cheniere Energy chuyên vận chuyển LNG có đà tăng trưởng được dự báo trong nhiều năm tới, nhưng đà tăng đó cuối cùng vẫn có thể vẫn bị san phẳng.

Các công ty khí đốt của Mỹ thậm chí có thể tăng trưởng mạnh trong những năm tới, bởi khả năng xuất khẩu của Mỹ tăng cao và họ phân phối khí đốt nhiều hơn ra nước ngoài để thay thế cho nguồn cung của Nga.

Các công ty này cho rằng họ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bởi khí tự nhiên sản sinh ra ít carbon dioxide hơn than đá. Trên thực tế, tỷ lệ sử dụng khí đốt trong sản sinh điện năng tăng cao khiến lượng phát thải tổng thể ở Mỹ cao hơn.

Giám đốc điều hành của công ty khí đốt EQT, Toby Rice, mới đây nói rằng đà tăng trưởng của khí tự nhiên “là sáng kiến xanh lớn nhất trên hành tinh” bởi nó làm giảm lượng phát thải. EQT đang đặt cược vào việc tăng cường xuất khẩu khí đốt để phục vụ cho nhu cầu tăng cao, và Phố Wall dường như đồng tình với điều đó. Giá cổ phiếu của họ đã tăng 83% trong năm nay.

Trong tương lai, các công ty khí tự nhiên này có thể phải tăng tốc sự chuyển dịch của chính họ. Ông Rice nói rằng phần lớn các cơ sở hạ tầng khí tự nhiên mà EQT đang đầu tư ngày hôm nay đều có thể chuyển đổi sang hydrogen, một nguồn năng lượng đốt sạch hơn.

Theo ước tính của IEA, những khoản đầu tư này có thể mang lại kết quả sớm hơn kỳ vọng./.

Theo Barrons