Châu Âu thừa khí đốt vì thời tiết ấm bất thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời tiết ấm bất thường làm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng ở Châu Âu khiến giá khí đốt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.

Giá khí đốt đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ tháng 6, nhưng rủi ro còn ở phía trước (Ảnh: Bloomberg)

Giá khí đốt đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ tháng 6, nhưng rủi ro còn ở phía trước (Ảnh: Bloomberg)

Thiếu hụt nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ những nơi khác trên thế giới để lấp đầy kho dự trữ.

Hiện giờ, sự kết hợp giữa thời tiết ấm bất thường và tiếp nhận thành công các đợt hàng đã giúp cho các cơ sở dự trữ của châu Âu gần đầy, thậm chí trước khi người dân bật máy sưởi. Giá khí đốt cũng giảm mạnh, chỉ bằng chưa đầy 1/3 mức đỉnh trong mùa Hè năm nay.

Nhưng rủi ro vẫn nằm ở phía trước: diễn biến còn tùy thuộc vào thời tiết, và chỉ một đợt lạnh ngắn ngủi cũng có thể khiến châu Âu phải sử dụng tới kho dự trữ.

Chính phủ các nước cũng đang quan ngại về khả năng xảy ra thêm các vụ phá hoại tài sản năng lượng, dẫn tới sự chao đảo trên thị trường. Nhưng vào thời điểm cuối tháng 10, châu Âu vẫn đang trong tình thế tốt hơn so với viễn cảnh mà các nhà hoạch định chính sách có thể lường tới.

Nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm liên tục kể từ năm ngoái. Lượng cung từ đường ống dẫn Nord Stream đã bị ngừng trong mùa Hè năm nay, trước khi một vài vụ nổ gây tổn hại cho đường ống dẫn này vào tháng trước.

Tình hình thời tiết ôn hòa cũng làm giảm nhu cầu năng lượng ở thời điểm hiện tại, nhưng các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo ngại rằng giá khí đốt thấp – so với mức đỉnh điểm vào mùa Hè – sẽ làm tăng lượng tiêu thụ khi nhiệt độ giảm.

“Tình trạng dư thừa khí đốt dự kiến sẽ tồn tại tới ít nhất là tháng 12”, Giacomo Masato, trưởng nhóm phân tích đến từ công ty năng lượng Illumia của Italy, nói. “Khó có khả năng châu Âu sẽ trải qua một đợt lạnh kéo dài trong tháng 11.”

Giá khí đốt đang gần ở mức thấp nhất tính từ tháng 6, mặc dù những mối nguy hiểm vẫn nằm ở giá thị trường. Tuy nhiên, giá khí giao tháng 2/2023 hiện cao hơn 44% so với tháng 11. Giá cho mùa đông năm tới còn cao hơn, cho thấy các vấn đề về nguồn cung được dự báo còn kéo dài.

Giá khí đốt giao theo kỳ hạn tại châu Âu (Ảnh: ICE)

Giá khí đốt giao theo kỳ hạn tại châu Âu (Ảnh: ICE)

Tất cả điều đó có nghĩa rằng, giảm sử dụng khí đốt, bất chấp giá rẻ hơn, vẫn là biện pháp quan trọng.

Theo Timera Energy, nhu cầu khí đốt giảm trong suốt năm 2022 được ước tính vào khoảng 7-9%, “chủ yếu là nhờ sự cắt giảm của các công ty công nghiệp.” Tuy nhiên còn lâu mới có thể đạt được mục tiêu 15% mà EU đề ra.

“Khả năng của châu Âu trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng trong vòng 2 năm tới đều phụ thuộc vào khả năng giảm nhu cầu khí đốt của họ,” các nhà phân tích đến từ Timera nói. “Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc.”

Hiện tại, những nỗ lực dự trữ của châu Âu đã giúp họ lấp đầy 93,6% các cơ sở dự trữ, trong khi con số của Đức là 97,5%, theo Gas Infrastructure Europe. Mặc dù con số này làm hài lòng thị trường ở mức nào đó, nhưng ở Đức, nó chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong 2 tháng thời tiết lạnh hơn, bởi vậy châu Âu vẫn sẽ cần phải nhập khẩu thêm LNG.

Tuy nhiên, thời tiết từ giờ cho tới tháng 11 có khả năng sẽ hài hòa hơn so với bình thường, theo mô hình dự báo thời tiết của Bloomberg.

Ở hiện tại, các con tàu chở LNG vẫn cập cảng châu Âu. Khu vực Tây Bắc lục địa này sẽ tiếp nhận 82 tàu chở LNG trong tháng này, tăng 19% so với tháng 9. Nhiều tàu khác đang chờ cập cảng do khả năng tiếp nhận hạn chế, hoặc muốn bán với giá cao hơn, theo hãng môi giới tàu biển Fearnleys A/S. Tình hình này có thể kéo dài đến giữa tháng 1, theo Oystein Kalleklev, Giám đốc hãng tàu chở khí đốt Flex LNG (Na Uy).

Lượng LNG đang chờ cập bến ở châu Âu đang ở mức kỷ lục (Ảnh: Bloomberg)

Lượng LNG đang chờ cập bến ở châu Âu đang ở mức kỷ lục (Ảnh: Bloomberg)

Trong lúc giá khí đốt đang giảm, nhu cầu từ khu vực châu Á có thể tăng lên và Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt thông qua Ukraine. Cả hai viễn cảnh này đều sẽ gây thêm sức ép về giá, và có thể khiến cho châu Âu khó lấp đầy cơ sở dự trữ của họ trong năm tới.

Trong khi đó, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu đang thảo luận về việc áp trần giá khí đốt tạm thời. Một trong những luận điểm chính chống lại biện pháp này là, nó có thể khiến cho châu Âu gặp khó khăn hơn trong việc thu hút lượng LNG mà họ cần có để ứng phó với mùa Đông năm nay.

“Khi nhiệt độ bắt đầu giảm và các kho dự trữ trống rỗng, sự chênh lệch giữa cung-cầu sẽ đẩy giá tăng cao, càng gây thêm sức ép về lạm phát,” Katja Yafimava, chuyên gia phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay. “Vấn đề này sẽ càng trở nên trầm trọng hơn trong mùa Đông tới"./.

Theo Wall Street Journal