|
TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi Viện Sức khỏe Tâm thần - tư vấn cho một nữ bệnh nhân |
Nhập viện tâm thần vì thuốc lá điện tử
Ths.BS. Vũ Văn Hoài – Phòng M7 Viện Sức Khỏe Tâm thần - người điều trị cho người bệnh nhân dùng thuốc lá điện tử - cho biết, gần đây, số người dùng thuốc lá điện tử dẫn đến bị rối loạn tâm thần và hành vi, đến mức phải nhập viện gia tăng. Trong số này, có những em bé mới 13 tuổi đã có “thâm niên” 2 năm sử dụng thuốc lá điện tử.
Khi chúng tôi có mặt ở Viện Sức Khỏe Tâm Thần (Bệnh viện Bạch Mai), cũng là lúc cô Nguyễn Thu H. (27 tuổi, sống ở Hà Nội) được ra viện sau thời gian điều trị nội trú.
Cô Nguyễn Thu H. được đưa đến bệnh viện sau thời gian dài hút thuốc lá điện tử quá nhiều, dẫn đến hành vi, cảm xúc rối loạn.
Gia đình cho biết, H. vốn là người vui vẻ, hòa đồng, đã tốt nghiệp đại học Phương Đông và có một cửa hàng quần áo nữ. Cô sống cùng bố mẹ trong một gia đình hòa thuận, kinh tế khá giả
Năm 19 tuổi, cô bắt đầu hút thuốc lá và trở nên nghiện. Vài năm gần đây, cô chuyển sang dùng thuốc lá điện tử. Ban đầu, cô dùng ít, khoảng 3-4 ngày hết 1 pod chill (tên gọi của một loại tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử), rồi tăng dần, 2-3 ngày hết 1 pod.
Ths.BS. Vũ Văn Hoài kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân
Hơn 1 năm trở lại đây, sau khi chia tay bạn trai, cô cảm thấy căng thẳng, stress nhiều hơn, nên sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày, mỗi ngày hết khoảng 1 pod chill. H bảo, cô cảm thấy tâm trạng thoải mái, thư giãn và dễ ngủ hơn khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Bố mẹ H đã phát hiện cô dùng thuốc lá điện tử nên ngăn cấm cô dùng. Nhưng không có thuốc lá điện tử, cô bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt và luôn thèm thuốc lá. Cô lén lút đặt ship trên mạng để tiếp tục dùng.
Cô dần lệ thuộc vào thuốc lá điện tử hơn. Vài tháng trở lại đây cô hút liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 pod chill. Cô tự nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử. Cô luôn rơi vào trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi, không thèm ăn. Thậm chí, có các hành vi bất bình thường như đặt ship đồ trên mạng nhưng không dùng mà vứt đi.
Nhiều lúc, gia đình thấy cô nói các câu vô nghĩa, mặt đờ đẫn, lướt điện thoại trong vô thức, mọi người gọi hỏi cô cũng không để ý hoặc trả lời rất chậm. Vốn là người gọn gàng, chuộng hình thức, nay cô ăn mặc xộc xệch, đầu tóc rối bù, cẩu thả. Từ một cô gái vui vẻ, dễ thương, nay cô thất thường, dễ cáu gắt.
Nhận thấy sự bất thường của con gái, gia đình đã đưa cô đến Viện Sức khỏe Tâm thần để điều trị.
BS. Vũ Văn Hoài thông tin thêm: Điều lo lắng hơn cả là trong số những người nghiện thuốc lá điện tử, có nhiều người sử dụng tinh dầu có ma tuý.
Trần Văn N. kể cậu dùng thuốc lá điện tử trộn tinh dầu cần sa có cảm giác bay bổng, thoải mái nên cậu sử dụng nhằm tăng ý tưởng sáng tạo, có thể làm việc tốt hơn. Nhưng sau thời gian dài sử dụng, chả thấy làm việc tốt hơn, trái lại, cậu bị nghiện ma tuý, bỏ bê công việc, tâm trạng luôn bồn chồn, bất an và còn muốn xa lánh mọi người xung quanh...
Gia đình chỉ nghĩ cậu dùng thuốc lá điện tử, nhưng khi nhận thấy cậu có những bất thường nên đã đưa cậu đến bệnh viện.
Mới đây, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) đã cấp cứu một cháu bé mới 14 tuổi, học sinh lớp 8 ở Hà Nội, bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Cùng thời điểm, Trung tâm tiếp nhận một nam thanh niên cũng bị ngộ độc thuốc lá điện tử.
TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết kết quả xét nghiệm mẫu tinh dầu thuốc lá điện tử đã dương tính với chất MDMB Butinaca - hay được gọi là cần sa tổng hợp, tuy cấu trúc khác cần sa.
Thuốc lá điện tử ít hại hơn thuốc lá công nghiệp?
TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi Viện Sức khỏe Tâm thần, giảng viên Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết: Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá điện tử để cai thuốc lá công nghiệp. Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy, gần 2/5 đã từng hút đồng thời thuốc lá và thuốc lá điện tử và 3/5 đang hút đồng thời cả 2 loại.
Vì thế, nghiên cứu ở các nước cho rằng, không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng thuốc lá điện tử cơ bản và việc bỏ thuốc sau 1 năm, do đó, không đủ bằng chứng để khuyến nghị thuốc lá điện tử ENDS có thể cai thuốc lá công nghiệp.
Theo TS. Hà, thuốc lá điện tử có tác hại trực tiếp đến người dùng, bởi hầu hết các chất chính trong thuốc lá điện tử cũng đều có trong thuốc lá công nghiệp, còn các chất khác do chưa được kiểm duyệt nên thường là nguyên nhân chính đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác.
“Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn bị pha các tinh dầu khác, như: cần sa, chất gây nghiện thế hệ mới. Vì thế, sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ sử dụng đa chất, nguy cơ tử vong” - TS. Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh.
TS. Lê Thị Thu Hà khuyến cáo: Hiện nay, đã xuất hiện một số học sinh lớp 4-5 đã sử dụng thuốc lá điện tử. Đây là điều rất đáng báo động vì 10-15 là lứa tuổi não chưa hoàn thiện, khó kiểm soát cảm xúc. Khi vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Do đó, nghiện thuốc lá điện tử sớm là mở đường vào cho các chất gây nghiện khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm sát sao con em mình.
Có điều trị được rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử?
Đây là câu hỏi của nhiều phụ huynh gửi đến VietTimes trong thời gian qua. Câu hỏi này chúng tôi đã chuyển đến TS. Lê Thị Thu Hà và nữ bác sĩ khẳng định là điều trị được. Ở Viện Sức khoẻ Tâm thần, nhiều ca bệnh đã được điều trị thành công. Tuy nhiên, do đặc điểm của bệnh tâm thần nên ngoài thuốc, còn phải được điều trị về tâm lý. Vì thế, nhiều bệnh nhân, thời gian bằng điều trị tâm lý nhiều hơn điều trị thuốc.
TS. Trịnh Thanh Hương - Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi Viện Sức khỏe Tâm thần - cho biết: Hầu hết những người sử dụng thuốc lá điện tử đều có nguyên nhân là do áp lực công việc, thất vọng trong tình cảm riêng tư. Dùng thuốc lá điện tử, người dùng cảm thấy sảng khoái, dễ chịu nên tăng cường sử dụng, để thoát khỏi tâm trạng nặng nề trước những áp lực đang gặp trong cuộc sống.
Bệnh nhân đều thấy được số lần sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên, nhưng không kiềm chế được. Họ cũng né tránh sự cấm cản từ gia đình, bằng việc đi nơi khác để sử dụng.
“Rất cần có sự hỗ trợ từ gia đình, làm sao để bệnh nhân có thể chia sẻ được với gia đình về những vấn đề mà họ gặp phải trong công việc và tình cảm. Việc sử dụng thuốc lá điện tử chỉ là cách họ né tránh những cảm xúc trong lòng mà thôi. Vì thế, cần thay đổi suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của họ, để khi họ không còn cảm thấy stress nữa thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá điện tử” - TS. Trịnh Thanh Hương lưu ý.