Từ sau dịch Covid-19, số bệnh nhân đến các bệnh viện khám do gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần gia tăng đáng kể, do việc sử dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dịch quá nhiều, không kiểm soát được. Thông tin này được TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng M7 Viện Sức Khỏe Tâm Thần Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ, cho thấy những hệ luỵ khôn lường của chứng nghiện internet/game online.
Tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận nghiện game là chứng bệnh rối loạn tâm lý.
Việc thanh, thiếu niên nghiện internet/game online không chỉ ở Đà Nẵng như VietTimes đã phản ánh trong bài "Nghiện internet ở giới trẻ: Cảnh báo sự thiếu quan tâm của cha mẹ dành cho trẻ", mà tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều địa phương, trở thành vấn đề xã hội, khi tác động đến việc học tập cũng như việc làm của giới trẻ, tới tương lai của những người nghiện internet/game online, đồng thời, cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình những người nghiện internet/game online.
Nhằm đưa ra những thông tin mới nhất về căn bệnh này, để cảnh báo về hậu quả của việc nghiện internet/game online là rất trầm trọng, VietTimes sẽ đăng loạt bài về tình hình nghiện internet/game online ở giới trẻ - vấn đề sức khoẻ tâm thần với ý kiến của các chuyên gia về cách nhận biết và hướng điều trị căn bệnh này.
Ths. Nguyễn Thành Long - Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - là người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân nghiện game online, đã chia sẻ với VietTimes về một trường hợp nghiện game online điển hình, vừa mới điều trị nội trú 2 tuần ở Viện Sức khoẻ tâm thần.
Nguyễn Văn D. - 21 tuổi, từng là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học của Đại học Mở, nhưng hiện đã phải tạm nghỉ học vì chứng nghiện game.
Mẹ D. kể, 5 năm trở lại đây, càng ngày, D. càng trở nên mê game đến mức quên cả thời gian, không thiết học, thiết ăn nữa. Từ một cậu bé hoà đồng, vui vẻ, D. trở nên khó tính, cáu bẳn thường xuyên. Những sở thích trước đây như bóng đá và gặp gỡ bạn bè đã dần mất đi sự hứng thú, thay vào đó, D. chỉ tập trung vào việc chơi game. Kết quả học tập của D. dần sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình. Nhà chỉ có 2 mẹ con, nên mẹ D. rất buồn nhưng không có cách gì thuyết phục được con trai.
Kể từ khi D. bắt đầu vào đại học và ở trọ cùng bạn bè, mẹ D không còn giám sát và đôn đốc D. được như trước. Cậu càng ngày càng không thiết đến học hành, chơi bời bạn bè, hay bất cứ hoạt động cộng đồng nào, ngoài game. Nhận thấy những bất thường ở D. giáo viên ở trường đã gọi điện báo cho mẹ D.
Mẹ đưa D vào Bệnh viện Tâm thần TW điều trị 2 đợt, một đợt 6 tháng và một đợt 3 tháng. Nhưng bệnh tình của D. thuyên giảm rất ít.
2 tuần trước khi nhập viện, mẹ D. thu máy tính, để không cho con chơi game online nữa, thì D. nổi nóng, cáu gắt giằng máy với mẹ, không được, có lúc D. còn chửi mẹ. Không có máy tính, điện thoại, D. bồn chồn bứt rứt, cả ngày chỉ nghĩ cách có máy tính để chơi game, thậm chí trốn ra ngoài các quán để chơi cùng các bạn.
Hai ngày liền, D. gần như không ăn không ngủ được và luôn buồn bực, cáu gắt. Vì thế, mẹ D. quyết định đưa con nhập Viện Sức khoẻ tâm thần để điều trị. Với các xét nghiệm, bác sĩ nhanh chóng xác định D. bị rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung chú ý, do nghiện game online.
Với liệu pháp điều trị tâm lý, liệu pháp gia đình kết hợp với phác đồ sử dụng thuốc hiện đại, phù hợp, chỉ sau hơn 2 tuần, D. đã tỉnh táo, cảm xúc hành vi ổn định hơn, không còn cáu gắt, đặc biệt, thời gian dùng điện thoại, máy tính đã giảm còn dưới 2 tiếng/ngày. D. cũng tích cực tập thể dục thể thao, nói chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn, cải thiện mối quan hệ với mẹ và có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn. Sau đó, D. được xuất viện về nhà duy trì uống thuốc và tái khám theo hẹn.
TS. Nguyễn Doãn Phương - Trưởng Khoa Sức khoẻ Tâm thần Bệnh viện Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: Mới đây, ông tiếp nhận một cháu trai 15 tuổi đến khám. Mẹ cháu cho biết, cháu suốt ngày “cắm mặt” vào điện thoại, không học hành, ăn uống qua loa và thức khuya để chơi game online. Mẹ nhắc nhở cháu không nghe, cấm đoán thì cháu vùng vằng, cãi lại. Gần đây, thấy cháu có biểu hiện lơ ngơ, không tập trung chú ý ngay cả khi có người nói với cháu ngay bên cạnh, mẹ cháu mới đưa cháu đến bệnh viện.
Một bệnh nhân khác là Trần Văn N. (Hà Nam). Học xong phổ thông, N. theo học một trường trung cấp kỹ thuật. Ngay sau khi nhập học, thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình, N. lao vào những trò game online đến quên tất cả, suốt ngày “bám dính” màn hình laptop. Thậm chí đến bữa ăn, N. còn quên luôn, hôm nào đói quá, N. gọi cơm hộp đến, vừa ăn vừa chơi. Việc học hành bỏ bê, N. cũng bỏ luôn các kỳ thi. Hậu quả là cậu đã nhận giấy thông báo cho nghỉ học của trường.
Về nhà, N. lại lao vào những trò chơi trên máy tính thâu đêm, suốt sáng. Bố mẹ nói cậu còn sửng cồ cãi lại, rồi khoá cửa phòng, tiếp tục ôm máy tính. Gia đình phải nhờ bạn bè đến thuyết phục để đưa cậu lên Hà Nội, vào bệnh viện điều trị sức khoẻ tâm thần.
Mạng xã hội mới đây lan truyền clip cậu con trai 14-15 tuổi mải chơi với điện thoại trong phòng, khoá trái cửa lại, đến mức mọi người ở bên ngoài gọi thế nào cũng không nghe thấy để mở. Cuối cùng, mẹ cháu phải dùng xà beng phá cửa, thì cháu mới biết là mọi người đang tìm mình nên chạy vội ra, đưa điện thoại cho mẹ.
Đây chỉ là một số “điển hình” về việc thanh, thiếu niên nghiện game đến “quên trời đất”, phải nhập viện điều trị, cũng là lời cảnh báo cho những người không kiểm soát được hành vi khi lên mạng, cũng như những gia đình thường xuyên cho con nhỏ sử dụng máy tính, điện thoại, TV bất kể thời gian.
Đón đọc bài 2: Những dấu hiệu nào nhận biết người nghiện internet?