Biểu hiện của nghiện internet
Theo các chuyên gia, những người nghiện Internet thường sử dụng quá 38 giờ/ tuần cho mục đích không liên quan đến học tập hay làm việc và gây ra ra những hậu quả tiêu cực cho bản thân.
Hậu quả của nghiện Internet là không nhỏ, vì thế, việc nhận biết sớm để hỗ trợ bệnh nhân rất quan trọng vì càng phát hiện sớm, kết quả điều trị sẽ càng tốt hơn
BSCK2. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó trưởng Phòng sử dụng chất và y học hành vi Viện Sức khoẻ tâm thần - cho biết những dấu hiệu nghiện internet dễ nhận ra.
Trước hết, những người nghiện internet thường không thành công trong việc kiểm soát hoặc giảm hành vi chơi game; tăng thời gian hoặc tần suất hành vi chơi game hoặc nhu cầu tham gia vào các trò chơi có mức độ phức tạp ngày càng tăng, yêu cầu kỹ năng hoặc chiến lược nhiều hơn để duy trì/ tăng mức độ phấn khích trước đó hoặc để tránh sự nhàm chán; sự thôi thúc hoặc thèm muốn tham gia chơi game trong khi tham gia các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, người nghiện Internet thường khó chịu cáu gắt hoặc gây hấn bằng lời nói hoặc thể chất khi chấm dứt hoặc giảm chơi game; không còn hứng thú trong ăn uống, khó ngủ, thể dục thể thao, giao lưu với người khác.
Mất cân bằng giữa công việc, học tập và giải trí, giao tiếp xã hội, cũng là một cơ chế tâm lý quan trọng đằng sau nghiện internet. Khi người dùng dành quá nhiều thời gian cho internet, họ có thể bỏ bê các hoạt động khác, gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Một số người dùng trở nên phụ thuộc vào internet vì họ tin rằng việc sử dụng internet là cách duy nhất để họ có thể đạt được những mục tiêu và mong muốn của mình. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc tâm lý, khiến họ càng sử dụng internet nhiều hơn.
Theo PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 - người nghiện game là người có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau: Thèm chơi game; Chơi game liên tục không nghỉ; Không kiểm soát được việc chơi game; Mất thời gian cho chơi game; Bỏ bê các công việc khác; Che giấu các cảm giác và tình huống khó chịu bằng cách chơi game; Nói dối về thời gian chơi game; Sử dụng sai về tiền bạc; Có các triệu chứng của trầm cảm.
Cơ chế của nghiện internet
Giải thích cơ chế gây nghiện Internet, BSCK2 Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc cho rằng, về hành vi, nghiện game là do sự nhạy cảm mất cân bằng của hệ thống kích hoạt hành vi (BAS) và hệ thống ức chế hành vi (BIS), do đó các hành vi chơi game dai dẳng được kích hoạt dễ dàng nhưng chúng không bị ức chế một cách hiệu quả.
Về sinh hoá não, nghiện game liên quan đến việc giải phóng và tiếp nhận dopamine ở hệ thống tưởng thưởng. Sự giải phóng dopamine cho nghiện game có cường độ tương tự như lạm dụng ma túy.
Về mặt tâm lý, nhận thức không thích nghi được cho là nguyên nhân chính.
Những yếu tố này dẫn đến những đánh giá tích cực hơn về thế giới ảo và phụ thuộc quá nhiều vào trò chơi, và cuối cùng là rối loạn chơi game.
Các chuyên gia cũng giải thích việc internet gây nghiện bởi có nhiều yếu tố: Internet đáp ứng nhu cầu về giao tiếp, thông tin và giải trí của người dùng, khiến họ dễ dàng phụ thuộc vào công cụ này, đồng thời, Internet cho phép người dùng giữ ẩn danh, giúp họ tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân và chia sẻ cảm xúc.
Bên cạnh đó là việc người dùng dễ dàng thích nghi với môi trường trực tuyến, dần dần coi đó như một phần không thể thiếu của cuộc sống..
Nghiện internet thường được kích hoạt bởi nhu cầu thoả mãn cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. Người dùng tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc này.
Sử dụng internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện. Khi việc sử dụng internet liên tục được tiếp điểm với những trải nghiệm tích cực, người dùng sẽ càng muốn truy cập internet nhiều hơn.
Các yếu tố thúc đẩy nghiện internet/ game
Các chuyên gia của Viện Sức khoẻ tâm thần chỉ ra các yếu tố thúc đẩy việc nghiện internet ở thanh, thiếu niên.
Sự xung đột tâm lý được nhắc đến đầu tiên: Ở tuổi thanh thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt, khiến trẻ cảm thấy cô đơn, bất mãn, chán nản và việc chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc.
Việc thiếu các địa điểm vui chơi khiến trẻ ngồi 1 chỗ và sử dụng internet/ game nhiều hơn.
Một lý do dẫn đến việc nghiện internet của thanh, thiếu niên là sự yếu kém của bản thân khi bị thất bại trong cuộc sống, tự ti về bản thân, không được tôn trọng nên muốn khẳng định bản thân ở thế giới ảo.
Trong khi đó, các trò chơi lại có nhiều sức hấp dẫn, sinh động, hoang đường, lôi cuốn trong các thử thách, đánh trúng tâm lý hiếu thắng của tuổi mới lớn, tạo cảm giác thoải mái vui vẻ, quên đi những trải nghiệm khó chịu ngoài đời.
Các chuyên gia đặc biệt đề cập đến việc quản lý của gia đình khi có phụ huynh coi nhẹ giáo dục, lại chưa hiểu tâm lý con và cho sử dụng thoải mái điện thoại, ipad, máy tính…
Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết, cơ chế gây bệnh và những yếu tố lôi kéo giới trẻ vào việc nghiện game, sẽ là những kiến thức hữu ích để các phụ huynh chủ động kiểm soát và ứng phó với vấn đề mang tính xã hội này.
Đón đọc bài 3: Các chuyên gia chỉ cách đưa người nghiện thoát khỏi “cơn mê”